Hợp đồng đóng Sigma của Hải quân Việt Nam đã bị dừng hoãn, khiến cho nhu cầu về tàu hộ vệ tên lửa có chức năng phòng không biên đội bị gián đoạn, cần sớm được bổ sung để thích ứng với những thách thức tiềm tàng trên Biển Đông hiện nay.
Cuối năm nay chúng ta có thể nhận cặp tàu thứ 2 thuộc đề án 11661E Gepard-3.9 có khả năng săn ngầm toàn diện khi có trang bị ống phóng ngư lôi và đang đàm phán cặp tàu thứ 3. Hiện tại chức năng phòng không biên đội vẫn còn để ngỏ.
So với tàu hộ vệ tên lửa trên 3.000 tấn, chi phí đóng mới và vận hành của các tàu cỡ 1.000-3.000 tấn rẻ hơn hẳn, cho phép Hải quân Việt Nam nhanh chóng gia tăng số lượng, thực hiện kế sách "Hỏa khí phân tán hỏa lực tập trung".
Trong phân khúc tàu hộ tống cỡ dưới 3.000 tấn có khá nhiều lựa chọn, tuy nhiên dường như với Hải quân Việt Nam thì đề án 20385 Steregushchy với bản xuất khẩu là 20382 Tiger là rất tối ưu. Đồng thời, cũng mở ra triển vọng tự đóng mới các lớp tàu hạng trung hiện đại dựa trên hạ tầng xưởng đóng tàu đã có.
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 của Hải quân Việt Nam.
Liệu có nên bắt đầu với MEKO-A200 hay C Sword 90?
Việt Nam theo đuổi dự án tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma từ những năm 2010, và chính thức đàm phán với Damen vào giữa năm 2013 về mua các tàu thuộc phiên bản Sigma-9814 với lượng giãn nước 2.100 tấn.
Tuy nhiên, dự án lại gặp một số vướng mắc khiến nó bị treo vô thời hạn khi mà nhà xưởng phục vụ việc đóng tàu trong nước đã được xây dựng xong.
Với Meko-A200 dù có bệ phóng VLS mang 16 tên lữa Umkhonto của Nam Phi với tầm bắn kịch kim cũng chỉ đạt 60km khó mà bảo vệ toàn vẹn biên đội với kế sách "hỏa khí phân tán hỏa lực tập trung".
Hơn nữa Umkhonto của Nam Phi hoàn toàn chưa có tên tuổi trong làng tên lửa thế giới và tất nhiên vẫn chưa bao giờ trải qua thực chiến.
Và điều quan trọng là Meko-A200 dùng 8 tên lửa đối hạm cận âm Exocet Block 3 tầm bắn chỉ vỏn vẹn 180km kém hơn so với 260km của Kh-35UE mà Việt Nam sắp trang bị, nhưng đơn giá lại cao gần gấp đôi khoảng 3 triệu USD.
Mẫu tàu C Sword 90.
Còn C Sword 90 hiện tại chỉ dừng ở mức bản vẻ đồ họa hiện chưa có bản thử nghiệm, hoàn toàn chưa qua thực chiến. C Sword 90 vẫn trang bị 8 tên lửa Exocet và chưa rõ loại tên lửa phòng không cụ thể nào sẽ được sử dụng.
Đâu là tương lai của Hải Quân Việt Nam?
Diện mạo mới của Hải Quân Việt Nam dựa trên các cụm tác chiến biên đội các tàu dưới 3.000 tấn với đầy đủ các phương thức tác chiến trên biển. Năng lực tác chiến tầm xa và phòng không biên đội có thể sẽ được đảm nhiệm bởi lớp tàu mới đó là đề án 20382 Tiger.
Nhà máy Đóng tàu Ba Son triển khai thành công lớp tàu tên lửa tấn công nhanh đề án 1241.8 Molniya và đang được đầu tư chiều sâu để có thể đóng được các tàu chiến cỡ trên dưới 2.000 tấn theo giấy phép chuyển giao công nghệ. Nếu lớp tàu Tiger được chọn thì sẽ bước ngoặt của công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Đề án 20382 được Phòng thiết kế hải quân Trung ương Almaz tham gia thiết kế đang được nhiều quốc gia quan tâm và chính Hải quân Nga cũng đã đưa vào biên chế với 6 chiếc tàu loại này.
Một trong những ưu điểm của Đề án 20385 Steregushchy là có thiết kế mở theo dạng modul nên dễ dàng tùy chỉnh cấu hình theo yêu cầu của khách hàng.
Đề án 20385 Steregushchy
Với thiết kế góc cạnh tán xạ song rada và tháp rada với diện tích mặt cắt nhỏ. Các tấm hợp kim vỏ tàu tạo góc cạnh luân phiên, tránh tạo bề mặt phẳng lớn. Boong và cấu trúc thượng tầng được thiết kế theo kiểu dốc nghiêng xuống với chất liệu là hợp kim magie-nhôm, hạn chế sự phản xạ rada triệt để.
Về hệ thống điện tử rada của đề án này khá nổi trội ngay trên đỉnh thượng tầng là radar cảnh giới nhìn vòng Furke-E 3D đóng vai trò chỉ thị mục tiêu nguy hiểm cho hệ thống phòng không.
Cự ly phát hiện mục tiêu có độ phản xạ hiệu dụng lớn hơn 1 m2 là 150 km, cự ly phát hiện tên lửa bay trên mặt nước biển ở độ cao 5m ngay trên đỉnh sóng với độ phản xạ hiệu dụng 0,02 m2 là 12 - 14 km hoặc dùng rada Positiv-ME1 mới mạnh mẽ.
Ngay cạnh là radar hoa tiêu Gorizont-25 được bố trí 2 bên thượng tầng đóng vai trò dẫn đường trên biển
Radar chỉ thị mục tiêu và điều khiển tên lửa chống tàu 3Ts25 "Monument – A" được bố trí ẩn vào trong thượng tầng. Khí tài quang điện tử radar 5P-10 "Puma 02" chỉ thị mục tiêu pháo hạm A190 cỡ nòng 100mm.
Trong đó, hệ thống điều hành tác chiến Sigma - 20380 và tổ hợp radar "Furke - E" đóng vai trò quyết định trong phòng không, phòng thủ tên lửa và đối hạm
Trước mũi tàu là sonar Zarya-ME 20385 cũng được trang bị ra đa kiểu kéo Vinyetka tìm kiếm ở tần số thấp, nó là cặp bài trùng với Zarya-ME tạo ra khả năng tìm kiếm thủy lôi, tàu ngầm và tàu nổi đối phương ở khoảng cách lên đến hơn 15km
Về mặt hoả lực đề án 20385 Steregushchy được Nga ưu ái trang bị tập trung nhiều khí tài hỏa lực mạnh như hệ thống ống phóng thẳng đứng UKSK (2 x 4 ống phóng) có thể bắn các loại tên lửa họ "Kalibr" như đối hạm 3М-54E/3М-54E1/3M-54E2, đối đất 3M14E/3M14E2,... đều có tầm bắn gần 300km tốc độ siêu âm hơn 2.9 Mach.
Ngoài ra bệ phóng đa năng trên còn có thể phóng tên lửa-ngư lôi chống ngầm 91RE1/91RE2. Hơn nữa, tàu được trang bị 2 tổ hợp 4 ống phóng ngư lôi 330 mm loại ngư lôi "Paket-NK" có thể vừa tấn công các mục tiêu tàu ngầm vừa có thể đánh chặn các ngư lôi đối phương ở tầm gần, tầm bắn hơn 16km tốc độ 50 hải lý/giờ.
Đặc trưng của dự án 20382 là hệ thống vũ khí phòng không, bao gồm cả vũ khí tầm xa - trung, tầm gần và cực gần.
Tàu được lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không Redut với 3x 4 bệ phóng thẳng đứng tên lửa 3K96-3 "Redut" - Phiên bản nâng cấp của S-300F với cơ số đạn là 12 tên lửa tầm xa 9M96E2 hoặc 48 tên lửa phòng không tầm gần 9M100 hoặc biên chế hỗn hợp tầm xa, tầm trung và tầm gần) cùng với 32 tên lửa vác vai Igla.
Tên lửa 9M96E2 có tầm bắn lên đến 150 km, tên lửa 9M100 có tầm bắn 10 – 15 km. Ngoài ra, tàu còn được trang bị thêm 2 tổ hợp pháo phòng không tự động AK 630M cỡ nòng 30 mm, cơ số 2 x 3000 viên đạn với hệ thống điều khiển bắn quang điện tử SP-521 'Rakurs". Một khả năng tăng cường hệ thống phòng không trong tác chiến độc lập là tàu được lắp hệ thống điều khiển hỏa lực MSA "Puma-02"
Cuối tàu là sàn đáp trực thăng có thể đáp các trực thăng săn ngầm như Kamov Ka-28, trực thăng cảnh báo sớm như Ka-31 AEW, trực thăng hổ trợ mặt đất Kamov Ka-52K để hổ trợ đổ bộ.
Sàn đáp trực thăng trên tàu hộ vệ tên lửa đề án 20385 Steregushchy.
Nguồn năng lượng cho Steregushchy hoạt động là động cơ là 2 động cơ CODAD (kết hợp động cơ diesel với diesel) với 4 máy Kolomna 16D49 có công suất 23.664 mã lực (17,6 MW) sắp tới sẽ được lắp đặt thay thế bởi các động cơ MTU của Nga đảm bảo việc cơ động tốt ở các vùng biển duyên hải nước nông.
Tàu có tốc độ cao nhất là 27 hải lý/h, tốc độ tiết kiệm là 14 hải lý/h, dự trữ hải trình 15 ngày. Do tàu có mức độ tự động hóa cao nên thủy thủ đoàn chỉ cần có 99 người, ít hơn đáng kể so với các tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9.
Việc tiếp tục sử dụng các chiến hạm Nga tạo ra khả năng trao đổi kết nối dữ liệu toàn cảnh (datalink) khi tác chiến giữa các chiến hạm trong biên đội, hạm với rada của các hệ thống phòng thủ bờ biển, phòng không, tạo ra khả năng chiếu xạ chéo giữa các hệ thống. Qua đó tận dụng tốt mọi thông tin nhận được, đảm bảo hiệu quả tác chiến ở mức cao nhất.
Đây liệu có phải là một lựa chọn khôn ngoan ở thời điểm hiện tại sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đang đặt lên vai của lực lượng tàu chiến hiện tại của Việt Nam cũng như tạo bước ngoặt chuyển mình mạnh mẽ trong công nghiệp quốc phòng trong nước?