Hai người đàn bà đang mang án tù vẫn tiếp tục lừa đảo

Nguyễn Hưng |

Tuần qua, TAND TP Hà Nội mở hai phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 2 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do hai người đàn bà xuyên tạc, bịa đặt là người có chức vụ cao, có quan hệ với các đồng chí lãnh đạo cao cấp nên cơ hội kiếm tiền rất dễ dàng.

Thấy nhiều người tin tưởng, hai người đàn bà này gạ gẫm góp vốn kinh doanh hưởng lãi suất cao, hứa xin việc làm tốt, xin học bổng du học cho người có nhu cầu...

Tin tưởng những điều hai người đàn bà nói là thật, nhiều người đã đưa hồ sơ cùng tiền để nhờ giúp đỡ và bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

1. Lê Thị Hồng Hoa (SN 1984, trú tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) không có nghề nghiệp ổn định và đang phải chấp hành bản án 36 tháng tù (án treo) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với mục đích tiếp tục lừa đảo, Hoa lấy tên giả là Nguyễn Ngọc Quỳnh và mạo nhận là cán bộ Văn phòng Chính phủ, mạo nhận có bố mẹ làm việc tại Đại sứ quán Canada.

Đi đâu Hoa cũng nói quen biết nhiều lãnh đạo cao cấp của Trung ương và thành phố Hà Nội nên có thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những mảnh đất chưa có “sổ đỏ”, mua biệt thự, ôtô thanh lý giá rẻ hoặc góp vốn kinh doanh ôtô…

Từ năm 2014 đến 2017, nhiều người đã bị Hoa lừa và chiếm đoạt tài sản. Trong số các bị hại có vợ chồng chị Đỗ Thị Ngọc Lan (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Biết vợ chồng chị Lan có kinh tế nên tháng 5-2014, Hoa nói dối với chị Lan rằng mình được mua suất ngoại giao căn biệt thự 200m2 đất tại Dự án thành phố giao lưu.

Hoa nói, nếu vợ chồng chị Lan có nhu cầu thì Hoa sẽ để lại với ưu đãi là giá 6 tỷ đồng với điều kiện phải trả tiền ngay và trả một lần, nếu không Hoa sẽ bán cho người khác.

Tin lời Hoa nói, ngày 17-5-2014, vợ chồng chị Lan đưa cho Hoa số tiền trên để được sở hữu căn biệt thự này.

Ngay khi nhận được 6 tỷ đồng của vợ chồng chị Lan, Hoa chuyển đi nơi khác sinh sống và cắt đứt mọi liên lạc với gia đình chị Lan. Đầu năm 2018, Hoa tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người và bị cơ quan Công an bắt giữ.

Trước khi bị bắt, Hoa thường xuyên làm đẹp tại cửa hàng thẩm mỹ của chị Nguyễn Thúy Ngân (ở quận Ba Đình, Hà Nội). Biết chị Ngân có điều kiện, Hoa lập kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị này.

Mỗi lần tới cửa hàng thẩm mỹ của chị Ngân, Hoa luôn nói dối rằng mình là Vụ phó Vụ Kinh tế của Văn phòng Chính phủ, có nhiều nhà ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có khách sạn 4 sao và có nhiều quan hệ với người có chức vụ cao ở các cơ quan Nhà nước.

Hoa bắt đầu mời chị Ngân góp vốn kinh doanh xe đạp điện, chung cư và ôtô thanh lý để hưởng lãi cao.

Thấy cơ hội kiếm nhiều tiền mà Hoa vẽ ra, chị Ngân không ngần ngại góp vốn 3,3 tỷ đồng. Thời gian đầu, Hoa chia sẻ lợi nhuận sòng phẳng cho chị Ngân như cam kết, đồng thời trả trước hơn 1 tỷ đồng tiền vốn nhằm tiếp tục tạo dựng lòng tin đối với chị Ngân.

Cuối năm 2017, Hoa nhiều lần mời chị Ngân góp thêm vốn kinh doanh nhưng không được. Vì thế Hoa cắt đứt liên lạc sau khi chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng của chị Ngân.

Ngoài hai bị hại trên, cũng với thủ đoạn mạo nhận là cán bộ Văn phòng Chính phủ, có quan hệ rộng và có bố mẹ làm ở Đại sứ quán Canada, Hoa còn lừa đảo 4 cá nhân khác để chiếm đoạt tổng số tiền gần 19 tỷ đồng. Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Hoa bị tuyên phạt tù chung thân.

2. Bùi Minh Nguyệt (SN 1973, trú tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) không có nghề nghiệp ổn định và đã có hai tiền án bằng 11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian chưa thi hành án, Nguyệt tiếp tục gây ra vụ án lừa đảo khác để chiếm đoạt số tiền lớn.

Nạn nhân của Nguyệt là 8 gia đình có nhu cầu cho con đi du học nước ngoài hoặc xin việc làm vào cơ quan Nhà nước. Anh Vũ Đình Tiến (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), là một nạn nhân của Nguyệt.

Qua quan hệ xã hội, tháng 7-2018, khi anh Tiến đến nhà chơi thì Nguyệt nói dối rằng, chị ta đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, quen biết nhiều người nên có thể xin cho mọi người đi du học nước ngoài với chế độ học bổng toàn phần do Chính phủ tài trợ.

Thấy vậy, anh Tiến nhờ Nguyệt xin cho con ruột cùng hai cháu mình đi du học tại Anh, Mỹ và Trung Quốc.

Hai bên thỏa thuận, nếu đi du học Mỹ thì số tiền chứng minh năng lực tài chính là 35.000 USD cộng với 25.000 USD và số tiền phát sinh còn lại là 15.000 USD.

Nếu đi du học ở Anh thì tổng số tiền chứng minh tài chính và “qua cửa” hơn 37.000 USD. Nếu đi du học Trung Quốc số tiền chứng minh tài chính là 20.000.000 nhân dân tệ cộng với 10.000 USD.

Chấp nhận mức chi phí du học trên, anh Tiến đã chuyển 3 bộ hồ sơ của con và hai cháu cho Nguyệt. Từ tháng 7 đến tháng 8-2018, theo yêu cầu của Nguyệt, anh Tiến đã 5 lần chuyển tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyệt.

Sau khi nhận tiền, Nguyệt cam kết đến ngày 10-10-2018 sẽ đưa con và hai cháu của anh Tiến sang Anh, Mỹ, Trung Quốc du học và được hưởng học bổng toàn phần cho Chính phủ tài trợ. Nhưng thực tế thì không có việc đó.

Ngoài hành vi chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng của anh Tiến, tháng 9-2018, Nguyệt còn chiếm đoạt của anh Bùi Xuân Khải (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) số tiền 500 triệu đồng khi hứa hẹn xin cho anh Khải vào làm việc tại Bộ Tài chính với chi phí trên.

Điều đáng nói là anh Khải cũng chỉ biết Nguyệt là “cán bộ Văn phòng Chính phủ” do anh Tiến giới thiệu nên mới tin tưởng nhờ việc và chuyển số tiền 500 triệu đồng vào tài khoản của Nguyệt.

Nhận tiền, Nguyệt viết giấy cam kết sau ba ngày, anh Khải sẽ có quyết định tuyển dụng vào Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính) làm việc. Vậy nhưng sau khi nhận tiền, Nguyệt không thực hiện được lời hứa và cũng không trả lại tiền cho anh Khải.

Ngoài hai bị hại là anh Tiến và anh Khải, từ năm 2014 đến 2018, Nguyệt vẫn dùng thủ đoạn du học nước ngoài toàn phần và xin việc làm vào cơ quan Nhà nước để chiếm đoạt của 6 bị hại khác với tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng.

Với hành vi phạm tội trên, Nguyệt bị tuyên phạt 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt của hai bản án 11 năm tù trước đó, Nguyệt phải thi hành bản án chung là 29 năm tù.

Hai vụ án cùng một cách thức lừa đảo do hai người đàn bà đang mang án tù nhưng vẫn tiếp tục gây án. Nhưng những bị hại không hề biết người họ đặt niềm tin là thành phần như thế nào mà lại dễ dàng đưa cả số tiền lớn cho kẻ lừa đảo chỉ vì... sự cả tin, dẫn đến tiền mất, tật mang.

Thực tế từ nhiều vụ án lừa đảo cho thấy, dù Toà án buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền chiếm đoạt cho bị hại, nhưng bị hại đòi lại được tiền rất khó.

Lý do là bởi số tiền chiếm đoạt được, các bị cáo đã sử dụng hết vào mục đích cá nhân và hiện họ không có tài sản gì để có thể kê biên thi hành án. Mong rằng bài học từ những vụ án lừa đảo như trên sẽ giúp mỗi người nêu cao cảnh giác để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại