Khi các "ông lớn" ngân hàng quay lưng
Theo thông tin từ Jalopnik, hai ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đã quyết định thoái vốn khỏi Toyota, ước tính trị giá khoảng 8,5 tỷ USD, thông qua việc bán lại cổ phần cho chính hãng xe này. Mặc dù các ngân hàng không đưa ra lý do cụ thể, nhưng giới phân tích cho rằng động thái này phản ánh áp lực từ cải cách quản trị doanh nghiệp và mong muốn tránh rủi ro tài chính tiềm ẩn.
Thời điểm thoái vốn của hai ngân hàng trùng hợp với giai đoạn Toyota đang chìm trong khủng hoảng, khiến dư luận đặt câu hỏi về động cơ thực sự của họ. Liệu đây chỉ đơn thuần là một quyết định kinh doanh hay còn ẩn chứa những dự tính khác? Việc thoái vốn của các ngân hàng lớn có thể ảnh hưởng đến uy tín và tình hình tài chính của Toyota.
Vụ việc này cũng cho thấy tác động mạnh mẽ của cải cách quản trị doanh nghiệp tại Nhật Bản, khi các công ty buộc phải đánh giá lại mục đích của việc sở hữu chéo cổ phần.
Bốc hơi 18,5 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường
Theo Nikkei Asia ngày 8/6, vốn hóa thị trường của Toyota Motor đã giảm khoảng 2.900 tỷ yên (18,5 tỷ USD), sau khi vụ bê bối về an toàn xe được công khai.
Tại sàn chứng khoán Nhật Bản, giá cổ phiếu của hãng xe đã giảm trong 3 ngày liên tiếp, mất 5% giá trị. Cổ phiếu hồi phục nhẹ vào hôm 6/6, sau đó tiếp tục giảm. Điều này khiến Toyota bị Tesla bỏ xa.
Hiện tại, hai dây chuyền sản xuất của Toyota Motor East Japan tại Nhà máy Toyota Miyagi Ohira và Nhà máy Toyota Iwate sẽ tạm thời đình chỉ hoạt động và phải trải qua các cuộc thanh tra kéo dài đến cuối tháng 6. Khoảng 1.000 đại lý có thể bị ảnh hưởng về thời gian giao hàng, buộc Toyota phải đàm phán bồi thường với từng khách hàng.
Ông Kohei Takahashi, nhà phân tích tại ngân hàng UBS phát biểu trên Nikkei Asia rằng việc ngừng bán các mẫu xe kể trên trong một tháng sẽ làm giảm lợi nhuận hoạt động từ 10 - 15 tỷ yên.
Yoshitaka Ishiyama, nhà phân tích tại Mizuho Securities, ước tính tác động của việc ngừng sản xuất đối với lợi nhuận của Toyota là 9 tỷ yên mỗi tháng, trong khi khoản bồi thường cho các nhà cung cấp sẽ là 22 tỷ yên mỗi tháng ở mức cao nhất.
Không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của Liên hợp quốc
Báo tin tức dẫn theo tờ Yomiuri ngày 11/6 đưa tin Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã kết luận rằng 6 cuộc thử nghiệm xác định sai phạm của Tập đoàn Toyota Motor liên quan đến chứng nhận phương tiện cho thấy Toyota có thể vi phạm không chỉ các tiêu chuẩn trong nước mà còn cả những quy định của Liên hợp quốc.
Các quy định của Liên hợp quốc về phương tiện là các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường đã được 62 quốc gia và khu vực bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu áp dụng. Do các quy định nội địa của Nhật Bản đối với ô tô phù hợp với quy định của Liên hợp quốc, nên những vi phạm rất có thể dẫn đến việc các nhà sản xuất bị cấm sản xuất hàng loạt ở châu Âu và các nơi khác những phương tiện liên quan đến vụ bê bối, tờ báo này thông tin thêm.
Áp lực cải tổ bộ máy lãnh đạo
Rõ ràng, vụ bê bối thử nghiệm không chỉ gây sức ép lên cổ phiếu của Toyota mà còn khiến các nhà đầu tư lo ngại về các nhiều vấn đề khác. "Vấn đề quản trị là mối lo ngại lớn hơn tác động đến lợi nhuận", chuyên gia Koji Endo của SBI Securities cho biết trên Nikkei Asia.
Các công ty thuộc tập đoàn Toyota như Hino Motors, Daihatsu Motor và nhà sản xuất xe nâng Toyota Industries đã từng là đối tượng của các vụ bê bối gian lận trước đây. Giờ đây, những bất thường tương tự cũng xuất hiện ở công ty mẹ, vốn đã cam kết dẫn đầu các cải cách trong quản trị của tập đoàn.
Theo thông tin được đăng tải trên Vneconomy, vào tháng 5, các cố vấn ủy quyền Institutional Shareholder Services Inc. và Glass Lewis & Co. đã kêu gọi các cổ đông bỏ phiếu chống lại chủ tịch Akio Toyoda, trích dẫn các vấn đề liên quan đến việc thiếu độc lập trong hội đồng quản trị và những bê bối gian lận thời gian gần đây. Tuy nhiên, đại diện của Toyota chưa đưa bình luận về thông tin này.
Tờ báo này cũng dẫn lời bà Julie Boote, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Pelham Smithers Associates có trụ sở tại London cho rằng, mặc dù Toyoda gần như chắc chắn sẽ giành được hơn 50% số phiếu bầu cần thiết để giữ ghế, nhưng những sự kiện gần đây có thể khiến hội đồng quản trị thận trọng hơn về những cuộc bổ nhiệm vị trí lãnh đạo trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc bán lại cổ phiếu nắm giữ chéo trong tập đoàn Toyota cũng có thể trở thành một yếu tố rủi ro: Nếu các nhà cung cấp và công ty con thoái vốn, giống như các ngân hàng và công ty bảo hiểm, điều đó cũng có thể dẫn đến mất đi các cổ đông ổn định.