Hai kiều nữ ‘đốn ngã’ hơn 70 cán bộ hải quan. Kỳ 1: Kế hoạch của kiều nữ

Thiện Thảo |

Ngày 20-4-2016, Viện KSND TP.HCM đã có cáo trạng đề nghị truy tố 46 đối tượng với các tội danh: Buôn lậu, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… xảy ra tại Công ty cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Thực phẩm Sài Gòn, đặt tại số 103-105, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM).

TIẾP CẬN GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Điều bất ngờ, đối tượng chủ mưu chiếm đoạt tiền hoàn thuế hơn 80 tỷ đồng là kiều nữ Trần Thị Bích Tuyền (SN 1979, ngụ phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM).

Tuyền xuất thân từ làng quê nghèo ở tỉnh Long An. Học chưa hết lớp 8, Tuyền khăn gói lên TP.HCM lập nghiệp. Nhờ có chút nhan sắc thêm việc lanh lợi, mối quan hệ rộng, Tuyền nhảy vào thương trường tìm cách thu lợi bất chính.

Kiều nữ lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước trong việc quản lý hàng xuất khẩu, khuyến khích xuất khẩu cũng như hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp.

Sau đó, Tuyền lập các hợp đồng xuất khẩu khống để được hoàn thuế.

Sau những lần bàn bạc, Tuyền và đồng bọn thống nhất mua bán hóa đơn GTGT. Nhờ những lần tham gia mua bán ở Campuchia, Tuyền quen biết thâm tình với SoK Say, giám đốc công ty tại nước bạn nên nhờ Say thủ tục cần thiết.

Bị can Hứa Châu (SN 1964, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Lâm Kim Ngọc) đồng ý cho Tuyền tạm ứng số tiền luân chuyển khi làm thủ tục hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế tại ngân hàng.

Đối tượng Lâm Tuấn Phát (SN 1980, ngụ phường 2, quận 6, TP.HCM, Giám đốc Công ty cổ phần Cảnh Phong) nhận nhiệm vụ cung cấp hóa đơn khống và lập hồ sơ xuất khẩu khống.

Thời gian này, Tuyền làm giám đốc Công ty cổ phần Đại Đắc Tài. Để tránh bị làm khó khi hoàn thuế, Tuyền quyết định tìm cách tiếp cận với Lê Dũng (SN 1954, Giám đốc Công ty Thực phẩm Sài Gòn) có vốn 51% nhà nước.

Những lần trà dư tửu hậu với Dũng, Tuyền ngã giá, sau mỗi phi vụ thành công, vị giám đốc sẽ được hưởng 20% tiền hoàn thuế GTGT chiếm đoạt được.

Trước ngỏ ý của người đẹp, Dũng khá sốt sắng chỉ đạo cấp dưới tiến hành thủ tục xuất khẩu và chịu trách nhiệm hoàn thuế GTGT.

Từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2013, Lê Dũng đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân công ty lập khống 112 bộ Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu ghi là mặt hàng thuốc lá trị giá hơn 1.288 tỷ đồng; trong đó, thuế GTGT 125 tỷ đồng.

Các đối tượng đã chiếm dụng tiền hoàn thuế hơn 80 tỷ đồng. Sau phi vụ bất hợp pháp trên, Lê Dũng được Tuyền chia 150 triệu đồng, 20.000 USD và chiếc xe Honda SH gần 200 triệu đồng, Hứa Châu được hưởng 40% với số tiền hơn 32 tỷ đồng…

THUÊ NGƯỜI ĐƯA HỐI LỘ

Theo quy định, hồ sơ xuất khẩu phải được cán bộ hải quan xác nhận mới được lập hoàn thuế, Tuyền thuê Nguyễn Ngọc Mẫn (SN 1974, ngụ phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) có quen hệ tốt với Nguyễn Tiến Lộc (SN 1962), Lê Hà (SN 1959) và Đinh Văn Trí (SN 1965, đều công chức Hải quan TP.HCM). Để Mẫn tiếp cận được cán bộ trên, Tuyền giao nhiệm vụ nhân viên giao nhận tự do tại công ty.

Mẫn nhiều lần móc mối với Lộc thực hiện các thủ tục xuất khẩu hàng hóa không phải qua kiểm toán theo quy định.

Mẫn đã giúp Tuyền thực hiện 12 lô hàng xuất khẩu gồm 16 tờ khai hải quan, trị giá hàng hóa ghi khống trên tờ khai hơn 700 tỷ đồng, thuế GTGT được hoàn gần 70 tỷ đồng.

Theo lời khai của Tuyền, để hồ sơ trên được giải quyết nhanh gọn, Mẫn nhận của Tuyền hơn 12 tỷ đồng để chi cho Lộc, Hà và Trí.

Tuy nhiên, Lê Hà không thừa nhận. Lộc và Trí cho rằng, bản thân có nhận tiền bồi dưỡng của Mẫn nhưng một lần khoảng 1 triệu đồng (?).


Một số cán bộ hải quan tiếp tay cho lừa đảo

Một số cán bộ hải quan tiếp tay cho lừa đảo

Từ tháng 7-2012 đến tháng 9-2013, Mẫn nghỉ việc. Tuyền thuê Tô Nguyễn Trung Hiếu (SN 1981, ngụ phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) tiếp cận với Lâm Thị Thủy (SN 1970, ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang, đã bỏ trốn) để đưa hối lộ.

Được Thủy đồng ý, Tuyền liền dùng hồ sơ xuất khẩu hàng hóa khống của Công ty Thực phẩm Sài Gòn bán hàng cho Công ty ở Campuchia qua Cửa khẩu Khánh Bình, An Giang để tạo dựng bộ hồ sơ xin hoàn thuế GTGT.

Thủy đã móc mối chi 0,3% tiền hoàn thuế GTGT chiếm đoạt được cho Nguyễn Văn Biên (SN 1964), Chi cục trưởng, Nguyễn Thanh Lâm (SN 1969), Đội trưởng.

Hai cán bộ trên chỉ đạo cấp dưới là những cán bộ nhận hồ sơ, kiểm toán, kiểm soát, ký duyệt thông qua trên các tờ khai xuất khẩu cho Công ty Thực phẩm Sài Gòn.

Tháng 1-2013 đến tháng 9-2013, Thủy đã chi cho công chức Hải quan tại Cửa khẩu Khánh Bình gần 1,2 tỷ đồng.

Số tiền trên, Nguyễn Văn Sơn (SN 1965, cán bộ Đội kiểm soát chống buôn lậu) giữ 5% khoảng 55 triệu đồng để đưa vào bếp ăn tập thể và chi phí tiếp khách.

Phần còn lại chi làm 8 phần. Cụ thể, Chi cục trưởng Nguyễn Văn Biên 23%; Thái Văn Nguồn và Nguyễn Phi Công, cùng giữ chức Chi cục phó và Nguyễn Thanh Lâm và Nguyễn Văn Thanh, cùng Đội trưởng, mỗi người được chia 11%.

Số còn lại chia cho 4 công chức hải quan trực kiểm hóa và giám sát. Nguyễn Văn Biên nhận nhiều nhất hơn 224 triệu đồng và ít nhất hơn 990 ngàn đồng.

Trong vụ án này có 46 bị can thì có 30 bị can là công chức Hải quan An Giang và 3 bị can là công chức Hải quan TP.HCM.

Ngày 24-9-2013, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm tra 2 container của Công ty Thực phẩm Sài Gòn với mặt hàng thuốc lá điếu hiệu Caraven “A”, trọng lượng 3.000 thùng, một thùng 50 cây, mỗi cây 10 gói, mỗi gói là 20 điếu trị giá gần 24 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra, 2 container trên chỉ là gạo trắng.

Khi lực lượng làm việc, Hứa Châu đã cung cấp 2.040 thùng thuốc lá không đúng với số lượng khai báo hải quan nhờ Tô Nguyễn Trung Hiếu tráo 2 container chứa gạo nhưng bị thu giữ.

Ngày 3-10-2013, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định khởi tố vụ án “Buôn lậu” và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại