Hai kiểu "hiếu thảo giả tạo" của con cái, bề ngoài cha mẹ tưởng được nhờ nhưng thực ra nội tâm rất khổ sở

Hiểu Đan |

Quan trọng hơn vật chất chính là cái tâm, sự thấu hiểu của con cái khi đối xử với cha mẹ, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Vợ chồng bà Lý (Trung Quốc) đều đã hơn sáu mươi tuổi. Người chồng không muốn ngồi nhàn rỗi nên làm những công việc lặt vặt ở các nhà máy trong thị trấn, kiếm được 40 - 50 NDT/ngày (khoảng 150 ngàn đồng).

Hai ông bà có một vườn nhỏ sau nhà, rau xanh tươi ăn quanh năm. Con trai họ cũng rất ngoan, tốt nghiệp đại học ở lại thành phố làm việc. Sau khi con trai lấy vợ, bà Lý thường xuyên chăm sóc con dâu mang thai và sau đó chăm luôn cháu gái ở thành phố.

Vài năm sau, khi cháu đi học mẫu giáo, bà về quê cùng chồng, cuộc sống quê nhà khiến bà cảm thấy nhàn hạ. Nhưng không lâu sau, hai vợ chồng con trai bà bày tỏ hy vọng cha mẹ có thể chuyển đến thành phố sống cùng.

Người con nói: "Điều kiện y tế ở nông thôn không tốt, nhà ở cũng hư hỏng rồi. Cha mẹ nên lên thành phố hưởng thụ đi". Ý định của người con trai rất tốt và thái độ lại rất chân thành nên đôi vợ chồng già đã nghe theo. Đúng là các con bận công việc, không có thời gian về thường xuyên, bà Lý luôn nhớ con cháu rất nhiều. Họ bàn với nhau lên ở một thời gian rồi lại về quê.

Tuy nhiên, bà Lý đi và không bao giờ quay lại, chỉ có ông Vương thỉnh thoảng mới về thăm ngôi nhà cũ. Con trai và con dâu của họ đều rất bận rộn trong công việc, trong nhà, sự phân công lao động rõ ràng: Ông Vương đưa đón cháu đi học, còn bà Lý phụ trách đi chợ, nấu ăn và dọn dẹp vệ sinh.

Gần con cái, tuy nhiên, bà Lý và ông Vương cảm thấy cuộc sống của họ không hạnh phúc. Một là không còn tự do, cháu gái phải đón đưa đi học đúng giờ, hai là phải chuẩn bị bữa ăn chờ con tan làm, muốn đi đâu cũng khó.

Hai kiểu hiếu thảo giả tạo của con cái, bề ngoài cha mẹ tưởng được nhờ nhưng thực ra nội tâm rất khổ sở - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, niềm vui tuổi già cũng không còn nữa. Ông Vương thích trò chuyện với mọi người, trong thành phố không quen biết ai. Bà Lý thích ra đồng hái trái cây và trồng rau, ở đây làm gì có đất để trồng trọt. Bao nhiêu lần muốn về quê, con trai lại ra sức khuyên răn, cho rằng nếu không có cha mẹ thì không có ai quản nhà cửa. "Liệu cha mẹ có muốn các cháu phải cho người lạ chăm sóc không?", cậu con trai nói.

Nhiều người cho rằng, nếu con cái thực sự hiếu thảo với cha mẹ thì nên chiều theo ý nguyện của người lớn tuổi, để họ lựa chọn lối sống mình thích và sống hạnh phúc, viên mãn sau này. Còn một số con cái lấy chiêu bài "tôn kính cha mẹ" nhưng thực chất là đang muốn cha mẹ phục vụ cho cuộc sống của mình.

Chẳng hạn, hai kiểu "giả hiếu thảo" sau đây:

Đầu tiên, những "chuyến thăm" bòn rút khiến cha mẹ kiệt sức

Mỗi cuối tuần, cha mẹ đều mong con cháu quây quần ở bên mình và tận hưởng hạnh phúc gia đình. Người già cặm cụi mua rau, thịt sớm và nấu nướng rất lâu để chờ đợi sự xuất hiện của con mình. Sau khi đến, con cái ăn uống vui vẻ, ra về kiểm tra xem có thứ gì đáng mang đi hay không để bòn rút.

Cha mẹ cảm thấy có trách nhiệm về mặt tình cảm đối với hạnh phúc và kinh tế của những người thân yêu, ngay cả con cái đã trưởng thành. Đó là một khuynh hướng tự nhiên. Mối nguy hiểm đối với các bậc cha mẹ già nằm ở chỗ con cái trưởng thành biến sự thao túng tinh vi đó thành lạm dụng tài chính hoàn toàn.

Đặc biệt, có một lực lượng lao động trẻ ở các thành phố với nhu cầu “mua nhà” rất cao. Hầu hết sau vài năm làm việc ở thành phố, họ sẽ tích lũy được một khoản tiền nho nhỏ, sau đó, yêu cầu cha mẹ ở quê bán đất đai, vay ngân hàng để họ mua nhà thành phố, trở thành công dân đô thị. Việc này không sai, nhưng sai là họ đã mặc nhiên đổ gánh nặng tài chính lên vai cha mẹ già.

Về nhà giúp cha mẹ làm nhiều việc, khiến họ nhàn hạ hơn, mua thêm đồ ăn, biếu cha mẹ ít tiền tiêu vặt. Đây có lẽ mới là cách thực sự để thăm viếng và tỏ lòng tôn kính cha mẹ.

Khiến cha mẹ sống "kiểu bảo mẫu"

Việc để cha mẹ về sống với mình dường như là một biểu hiện hiếu thảo của con cái. Tuy nhiên, nếu ép cha mẹ chăm sóc con cháu như bảo mẫu thì đó là điều không nên. Đã vất vả nuôi con cả đời rồi nhưng về già vẫn phải tiếp tục chăm sóc cháu chắt, điều này sao có thể gọi là hiếu thảo được?

Con cái nên tôn trọng sở thích của cha mẹ, để họ lựa chọn con đường mà mình muốn. Chăm sóc trẻ nhỏ đòi hỏi nhiều sức lực, thời gian, không dễ dàng với bất kỳ ai. Người trẻ chăm con vất vả một thì cha mẹ già vất vả mười. Trừ khi cha mẹ thực sự muốn, còn không đừng trói buộc cuộc sống của họ.

Lòng hiếu thảo chân chính không chỉ giới hạn ở hình thức mà còn là khiến cha mẹ cảm thấy cuộc sống của mình thật thú vị và ý nghĩa. Quan trọng hơn vật chất chính là cái tâm, sự thấu hiểu của con cái khi đối xử với cha mẹ, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại