Hàn Quốc mở rộng lệnh trừng phạt Nga
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 26/12 đưa tin, cùng ngày Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo sẽ bổ sung 682 mặt hàng vào danh sách kiểm soát xuất khẩu sang Nga.
Động thái này sẽ mở rộng tổng số mặt hàng phải kiểm soát lên 1.159. Lệnh cấm mới có hiệu lực từ 15/1/2024.
Các mặt hàng bổ sung là những mặt hàng được Hàn Quốc đánh giá có khả năng sử dụng cao cho mục đích quân sự như thiết bị xây dựng hạng nặng, pin thứ cấp, máy công cụ, linh kiện máy bay.
Theo hãng tin Reuters (Anh), trước động thái của Hàn Quốc, Nga đã đưa ra cảnh báo rắn rằng "đừng ngạc nhiên nếu Moscow trả đũa Seoul vì đã mở rộng danh sách hàng hóa...".
"Đây là một động thái không thân thiện được thực hiện theo yêu cầu của Washington. Nó sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và ngành công nghiệp của Hàn Quốc", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (27/12).
"Chúng tôi có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả và không nhất thiết phải là các biện pháp đối xứng. Họ (Hàn Quốc) đừng ngạc nhiên (nếu và khi chúng tôi làm vậy)", quan chức Nga nhấn mạnh.
Hàn Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Seoul đã đình chỉ các thỏa thuận với các ngân hàng Nga và ủng hộ việc ngắt kết nối một số ngân hàng khỏi SWIFT.
Vào tháng 3/2022, Hàn Quốc đã cấm xuất khẩu sang Nga các bộ vi xử lý và vi điều khiển, thiết bị sản xuất, thử nghiệm và kiểm tra chất bán dẫn, silicon đa tinh thể (vật liệu cho tấm pin mặt trời), bộ lọc và điện trở.
Sau đó, Seoul cũng đưa ra các hạn chế xuất khẩu các thiết bị công nghiệp và xây dựng, công nghiệp hóa chất, công nghiệp ô tô, đá quý... sang Nga.
Nga cảnh báo Nhật về tên lửa Patriot
Bên cạnh Hàn Quốc, Nga cũng đã gửi cảnh cáo tới Nhật Bản về tên lửa Patriot PAC-3.
Hãng tin RT (Nga) ngày 27/12 đưa tin, Nga chỉ trích quyết định gửi tên lửa phòng không Patriot PAC-3 của Nhật Bản tới Mỹ, cảnh báo động thái này sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ giữa Moscow và Tokyo, đặc biệt nếu vũ khí này được chuyển đến Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ở Moscow hôm thứ Tư (27/12), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, trên thực tế Nhật Bản đang đánh mất quyền kiểm soát vũ khí bởi hiện Mỹ hiện đang di chuyển chúng đi khắp nơi.
"Nếu tên lửa Nhật Bản rơi vào tay Lực lượng vũ trang Ukraine, những hành động như vậy sẽ được coi là hành động thù địch rõ ràng đối với Nga và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với Nhật Bản", bà Zakharova nói.
Nhật Bản đã đồng ý cung cấp tên lửa PAC-3 mà nước này sản xuất theo giấy phép của Mỹ cho Washington vào tuần trước sau khi chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu quân sự được áp đặt theo hiến pháp hòa bình của nước này vào năm 1947.
"Khi thực hiện hành động này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần bảo vệ một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp, đồng thời đạt được hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố sau khi Nội các Nhật Bản đồng ý hủy bỏ thỏa thuận lệnh cấm xuất khẩu.
Theo RT, mặc dù tên lửa do Nhật Bản sản xuất dự kiến sẽ không được chuyển thẳng đến Ukraine, nhưng chuyến hàng này có thể cho phép Washington gửi thêm tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất tới Kiev, thay thế chúng trong kho của nước này bằng tên lửa do Nhật Bản sản xuất.
Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đều là đồng minh thân thiết của Mỹ ở châu Á. Hiện Nga đã đưa Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vào danh sách các quốc gia không thân thiện.