Hai “đại gia” ngân hàng đã chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng như thế nào?

Nguyễn Hưng |

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi điểm lại con đường phạm tội theo kiểu dây chuyền của hai “đại gia” Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn.

Phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đang trong thời gian nghị án.

Do đây là đại án kinh tế có tính chất rất phức tạp, hành vi phạm tội của bị cáo này liên đới đến hành vi phạm tội của bị cáo khác, trong đó có một số bị cáo như: Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn đang phạm tội trong vụ án kinh tế này lại tiếp tục bị khởi tố trong một vụ án kinh tế khác với tính chất rất nghiêm trọng nên những diễn biến tiếp theo cần thời gian mới sáng tỏ.

Kết quả điều tra xác định, đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.

Do muốn thâu tóm một số ngân hàng thương mại cổ phần về Oceanbank nên Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank đến gặp Hứa Thị Phấn-Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ (đại diện cho nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Đại Tín) đặt vấn đề giao lại ngân hàng này cho Thắm.

Sau khi cho người vào tiếp quản ngân hàng, Thắm phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi nên thoả thuận chuyển nhượng lại Ngân hàng TMCP Đại Tín cho Phạm Công Danh-Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (viết tắt là Công ty Thiên Thanh) với tổng giá trị hơn 4.600 tỷ đồng.

Tiếp quản Ngân hàng TMCP Đại Tín, Danh đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng. Giữa tháng 11-2012, Thắm và Danh bàn bạc về việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbank để tăng tính khả thi cho Ngân hàng TMCP Xây dựng.

Do Danh không có tài sản thế chấp nên Thắm bảo Danh mượn tài sản của Phấn. Phấn đồng ý cho Danh mượn tài sản thế chấp là một số hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng dự án tại TP Hồ Chí Minh.

Thống nhất xong về việc vay vốn, Thắm và Danh bàn tiếp về việc sử dụng pháp nhân để vay tiền là Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và dịch vụ Trung Dung (viết tắt là Công ty Trung Dung, do Danh lập và thuê Trần Văn Bình làm Tổng Giám đốc).

Trong đó phần góp vốn của Bình là 250 tỷ đồng, tương đương 100% vốn điều lệ của Công ty Trung Dung.

Mặc dù Công ty Trung Dung không thực có vốn như trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có bất kỳ hoạt động gì, nhưng Danh vẫn chỉ đạo Bình và các nhân viên Công ty Thiên Thanh làm báo cáo về hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, báo cáo thuế của Công ty Trung Dung và các tài liệu khác theo yêu cầu của nhân viên Oceabank để hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

Từ các giấy tờ không có căn cứ này, Bình đã sử dụng để ký hợp đồng tín dụng với Nguyễn Văn Hoàn, lúc đó là Phó Tổng Giám đốc Oceanbank để vay 500 tỷ đồng và được Oceanbank giải ngân sau đó.

Số tiền 500 tỷ đồng này được Danh rút ra thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm Phấn tại Ngân hàng TMCP Đại Tín. Đến nay Oceanbank không thu hồi được khoản vay trên.

Với hành vi như trên, Thắm, Danh và Phấn bị truy tố về tội vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179 BLHS).

Quá trình xét xử vụ án này, Thắm bị Viện Kiểm sát đề nghị hình phạt từ 18-20 năm tù; Danh bị đề nghị hình phạt từ 16-17 năm tù; Phấn bị đề nghị từ 17-18 năm tù.

Trước khi bị xét xử ở vụ án này, ngày 24-1-2017, Danh đã bị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm và tuyên phạt 30 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS).

Theo bản án phúc thẩm này, Phạm Công Danh vào thời điểm là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước 9.000 tỷ đồng.

Trong đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank, bị cáo Hứa Thị Phấn bị Viện Kiểm sát truy tố đã cùng với các bị cáo khác sử dụng tài sản không có thật, chưa đủ tính pháp lý nhằm hợp thức hóa khoản vay để Danh sử dụng tiền vay thanh toán khoản nợ của Phấn khi mua lại Ngân hàng TMCP Đại Tín mà không vì mục đích như phương án vay.

Ngoài đề nghị trách nhiệm hình sự, Viện Kiểm sát còn đề nghị HĐXX buộc Phấn bồi hoàn khoản vay 500 tỷ đồng cùng lãi suất và mức tiền phạt theo quy định của ngành Ngân hàng.

Trong khi bị cáo Phấn còn đang chờ phán quyết của HĐXX sơ thẩm trong đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank thì chiều 26-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện lệnh tống đạt các quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 14 bị can nguyên là cán bộ Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank, tiền thân của Ngân hàng TMCP Xây dựng) để điều tra về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong số các bị can này, Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ, cố vấn cao cấp Trustbank) và ba bị can khác gồm: Bùi Thị Kim Loan-Thư ký của Phấn; cựu Phó Tổng Giám đốc Trustbank Ngô Kim Huệ; Giám đốc Công ty Lam Giang Lâm Kim Dũng bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Các bị can còn lại bị khởi tố vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hành vi của các bị can này liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.105 tỷ đồng đối với ngôi nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại