Hai cựu thù "không đội trời chung" ký hiệp ước quốc phòng lịch sử nhắm vào Nga

Hữu Hiển |

Máy bay săn ngầm của Đức sẽ sớm tuần tra Bắc Đại Tây Dương từ một căn cứ ở Scotland theo hiệp ước phòng thủ được Vương quốc Anh và Đức ký kết hôm 23/10.

Tạp chí Newsweek (Mỹ) đưa tin, Bộ trưởng quốc phòng hai nước Anh và Đức đã họp tại London hôm 23/10 để ký kết một hiệp ước mà phía Anh gọi là "thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt".

Thỏa thuận này là sự hợp tác quốc phòng chính thức đầu tiên giữa hai đồng minh NATO từng là "kẻ thù không đội trời chung" trong Thế chiến II, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc ứng phó với căng thẳng đang gia tăng giữa phương Tây và Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey (phải) ký Thỏa thuận Trinity House ở London, vào ngày 23/10. Ảnh: AFP

Thỏa thuận có gì?

Theo Newsweek, hiệp ước với tên gọi “Thỏa thuận Trinity House” này nhằm mục đích củng cố an ninh châu Âu bằng cách tăng cường hợp tác trong cả việc bảo vệ cơ sở hạ tầng và cải thiện khả năng tấn công tầm xa.

"Hôm nay là một ngày quan trọng đối với mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Đức và trong lịch sử của hai nước chúng ta", Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey phát biểu tại cuộc họp báo cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius.

Nhu cầu của cả châu Âu trong việc củng cố an ninh của châu lục và nhu cầu của Vương quốc Anh để đóng vai trò lớn hơn trong NATO "là động lực thúc đẩy chiến lược phòng thủ trong NATO với ‘nước Anh trên hết’ của chúng tôi, và thúc đẩy việc thiết lập lại quan hệ giữa Anh với châu Âu", ông Healey cho biết.

Theo thỏa thuận, máy bay P-3C Orion của Đức sẽ được triển khai định kỳ từ Scotland và được giao nhiệm vụ giám sát vùng biển Bắc Đại Tây Dương - một khu vực mà hải quân Nga đang gia tăng hoạt động.

Anh - Đức "sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng"

Ngoài ra, theo thỏa thuận, các đồng minh sẽ phối hợp để bảo vệ các tuyến cáp ngầm quan trọng ở Biển Bắc, vốn rất quan trọng đối với hoạt động truyền thông và cung cấp năng lượng trên khắp châu Âu.

Các quan chức Anh – Đức khẳng định rằng những động thái này sẽ đảm bảo một thế trận phòng thủ mạnh mẽ và phối hợp.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius nhấn mạnh rằng, trong trường hợp bị tấn công, họ muốn "sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng nếu cần thiết".

"Chúng ta không được coi nhẹ an ninh ở châu Âu", ông Pistorius nói. "Nga đang tiến hành chiến tranh nhằm vào Ukraine, họ đang tăng cường sản xuất vũ khí rất nhiều và đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công hỗn hợp vào các đồng minh của chúng ta ở Đông Âu".

Tuy nhiên, theo Newsweek, Hiệp ước Trinity House không chỉ giới hạn ở các cuộc tuần tra săn tàu ngầm.

Hiệp ước này cũng bao gồm việc phát triển chung các loại vũ khí tấn công tầm xa, dự kiến sẽ vượt xa tầm bắn của tên lửa Storm Shadow hiện tại của Anh. Công ty quốc phòng Đức Rheinmetall sẽ thành lập một nhà máy tại Anh để sản xuất nòng pháo sử dụng nguyên liệu thép của Anh, tạo ra 400 việc làm.

 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (phải) phát biểu tại cuộc họp báo sau khi ký Thỏa thuận Trinity House ở London, vào ngày 23/10. Ảnh: Getty

Quan hệ song phương ngày càng thắt chặt

Newsweek đưa tin, những sự hợp tác công nghiệp này là một phần của cam kết kinh tế rộng lớn hơn giữa hai quốc gia, với việc các công ty Đức cam kết đầu tư khoảng 10,36 tỷ USD vào Anh, qua đó củng cố thêm mối quan hệ song phương.

Không phải ngẫu nhiên mà thỏa thuận này diễn ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, tạp chí Mỹ nhận định. Các quốc gia châu Âu quan tâm nhiều hơn đến những thay đổi tiềm tàng trong chính sách đối ngoại của Mỹ tùy thuộc vào chiến thắng của Phó Tổng thống Kamala Harris - người đảm bảo duy trì cam kết của Mỹ đối với NATO, hoặc cựu Tổng thống Donald Trump - người đã tuyên bố sẽ "khuyến khích" Nga tấn công bất kỳ quốc gia NATO nào không đóng góp đủ tiền cho liên minh.

"Trong một thế giới nguy hiểm hơn, các đồng minh là sức mạnh chiến lược của chúng ta và chúng ta phải cùng nhau làm nhiều hơn nữa", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Healey nói.

Theo Newsweek, Anh và Đức cũng đang mở rộng hợp tác quân sự ở Đông Âu. Các lực lượng của hai nước đồn trú tại Estonia và Litva sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung, củng cố năng lực sẵn sàng ngăn chặn mọi hành động gây hấn tiềm tàng ở sườn phía đông của NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại