Ở Phần mở đầu báo cáo trong phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm 18/10, chủ tịch Tập Cận Bình trình bày về “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại mới”.
Tiếp đó, trong Phần 2, ông nêu “Sứ mệnh lịch sử của ĐCSTQ trong Thời đại mới”, và Phần 3 ông khái quát “Tư tưởng và Phương sách chiến lược của Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại mới”.
"Thời đại mới" của Trung Quốc là gì?
Báo cáo dài khoảng 32.000 chữ Hán, đọc trong gần 3 tiếng rưỡi đồng hồ, trong đó ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tới 36 lần "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại mới".
Ông giải nghĩa, "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại mới có nghĩa là dân tộc Trung Hoa từ Vùng đứng lên, Giàu có lên, chuyển sang Hùng mạnh lên; có nghĩa là Trung Quốc cống hiến trí tuệ và "Phương án Trung Quốc để giải quyết những vấn đề của nhân loại", đồng thời "tiến gần tới Trung tâm của vũ đài Thế giới".
Ông Tập Cận Bình nêu ra công cuộc hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa" mà ông khởi xướng khi mới lên nắm quyền, bằng cách theo đuổi "4 tự tin", gồm Tự tin vào Đường lối, Tự tin vào Lý luận, Tự tin vào Chế độ, Tự tin vào Văn hóa; và thực hiện "4 vĩ đại" là Đấu tranh vĩ đại, Công trình vĩ đại, Sự nghiệp vĩ đại, Giấc mộng vĩ đại.
Trong các phiên thảo luận sau đó của Đại hội, các Ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc đã cụ thể hóa báo cáo chính trị của ông Tập bằng việc kêu gọi nỗ lực nhận thức thấu đáo và thực hiện đầy đủ tư tưởng của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
Cụm từ "tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" được Thủ tướng Lý Khắc Cường, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, và Phó thủ tướng Trương Cao Lệ đề cập khi thảo luận với đoàn đại biểu các tỉnh tham dự Đại hội 19.
Phiên họp thứ hai của Đoàn chủ tịch Đại hội 19 ĐCSTQ ngày 20/10, với sự tham gia của 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)
Trong khi nêu cao khái niệm "Thời đại mới", dư luận các nước cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra phương hướng và sách lược để đạt được những mục tiêu khác biệt rõ ràng so với "Thời kỳ cũ", khi lãnh tụ Mao Trạch Đông đưa "Trung Quốc đứng lên" hay ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc cải cách mở cửa đưa "Trung Quốc giàu có lên".
Trung Quốc "hùng mạnh lên" là mục tiêu của "Thời đại mới" mà ông Tập nhắc đến, vì vậy ông nhấn mạnh tới 26 lần các từ "nước lớn" và "cường quốc" trong báo cáo ngày 18/10.
Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, Bí thư Ban bí thư Lưu Vân Sơn nói: "Tư tưởng [Tập Cận Bình] tồn tại trong thời gian dài và tiến cùng thời đại".
"Hiện đại hóa" là con đường
Theo Tân Hoa Xã, chiều ngày 18/10 khi thảo luận tổ, Bí thư thành ủy Bắc Kinh ông Thái Kỳ gọi ông Tập Cận Bình là "Tổng công trình sư của Cải cách mới và công cuộc hiện đại hóa".
Trước đây, Trrung Quốc đã gọi ông Đặng Tiểu Bình là "Tổng công trình sư của Cải cách và Mở cửa".
Trong thập niên 1950, Trung Quốc đã nêu ra "4 hiện đại hóa", gồm Hiện đại hóa nông nghiệp, Hiện đại hóa công nghiệp, Hiện đại hóc quốc phòng, và Hiện đại hóa khoa học kỹ thuật. Đây là phương châm chỉ đạo xây dựng đất nước trong thế kỷ 20.
Hội nghị toàn thể trung ương 3 Khóa 18 (từ 9/11 -12/11/2013) tại Bắc Kinh đã thông qua “Phương án đi sâu cải cách”, trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra “Hiện đại hóa thứ 5” để tiến hành "phẫu thuật những căn bệnh tiềm tàng trong hệ thống quản lý và năng lực điều hành đất nước".
Ông Tập yêu cầu "Không chỉ hiện đại hóa cơ quan nhà nước, năng lực và tố chất của quan chức mà còn phải hiện đại hóa việc nắm quyền của đảng".
"Hiện đại hóa" được coi con đường để tiến tới "Giấc mộng Trung Hoa", với thành quả cụ thể được mô tả là khôi phục vị thế của Trung Quốc như đã có trong thời kỳ "Đại đường thịnh thế" cách đây hơn 1.000 năm.
Thời kỳ nhà Đường (618-907) là giai đoạn thịnh trị của Trung Quốc. GDP của Trung Quốc thời kỳ này có thời điểm chiếm tới 58% tổng GDP của thế giới, vượt xa Ấn Độ, Anh hay Pháp.
Nhưng vài thế kỷ sau, Trung Quốc đã không theo kịp các nước phương Tây và cả Nhật Bản trong quá trình hiện đại hóa, điển hình là từ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở Anh.
Nhờ cuộc Duy Tân Minh Trị, Nhật Bản từ một nước lạc hậu hơn Trung Quốc đã vươn lên thành cường quốc kinh tế, quân sự và đánh bại Hạm đội Bắc Dương của triều Thanh trong trận hải chiến Giáp Ngọ năm 1894, buộc Bắc Kinh ký Hiệp ước Mã Quan (1895) về bồi thường chiến phí nặng nề.
Bởi vậy, không hiện đại hóa thì Trung Quốc không thể thực hiện được "Giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại". 47 lần nhắc tới cụm từ "Hiện đại hóa" trong báo cáo trước Đại hội 19, ông Tập Cận Bình đã thể hiện rất rõ lập trường này./.
Một số mục tiêu trọng điểm của Trung Quốc sau Đại hội 19