Lùm xùm vụ đấu tố ở HAGL và góc khuất về nghi án bán độ của cựu sao U23 Việt Nam

Linh Đan |

Bóng đá Việt Nam từng có không ít nghi án bán độ. Có vụ đã được đưa ra ánh sáng, nhưng cũng có vụ việc mãi mãi chỉ là nghi án.

KỲ VỌNG LỚN ĐỂ RỒI THẤT VỌNG NHIỀU

Mùa giải 2003, lần đầu tiên bóng đá Đông Nam Á có một giải đấu dành riêng cho nhà vô địch của các giải VĐQG trong khu vực. Giải có tên tiếng Anh là ASEAN Club Championship (ACC), nhưng người ta vẫn quen gọi nó là Champions League (cúp C1) Đông Nam Á.

Ở lần đầu tiên này, giải đấu được tổ chức từ ngày 13/7 đến ngày 26/7 và Indonesia là nước chủ nhà. CLB East Bengal của Ấn Độ tham dự với tư cách khách mời, hợp với 11 CLB Đông Nam Á (Timor Leste chưa góp mặt, chủ nhà Indonesia có 2 suất) chia thành 4 bảng, mỗi bảng 3 đội và chọn 2 đội đứng đầu vào tứ kết.

V.League 2003 trước đó đã kết thúc từ ngày 22/6 và HAGL trở thành đại diện của Việt Nam dự giải. Đây cũng là lần đầu tiên, đội bóng của bầu Đức tham dự một giải đấu quốc tế.

Lùm xùm vụ đấu tố ở HAGL và góc khuất về nghi án bán độ của cựu sao U23 Việt Nam - Ảnh 1.

HAGL thời điểm đó sở hữu trong tay đội hình chất lượng với nhiều tuyển thủ quốc gia Việt Nam và Thái Lan (Ảnh: Bạch Dương).

Với khí thế sau khi chức vô địch V.League đầy thuyết phục, HAGL được kỳ vọng sẽ để lại dấu ấn ở sân chơi khu vực và đặt mục tiêu lọt vào chung kết. Đây cũng được coi là bài kiểm tra về năng lực của đội bóng Phố núi khi bước ra sân chơi quốc tế, bởi năm sau họ sẽ tham dự AFC Champions League.

Tuy nhiên, Kiatisuk và các đồng đội lại chơi không thực sự ấn tượng. Ở vòng bảng, họ thua 1-2 trước Persita Tangerang (Á quân Liga Indonesia 2002) và thắng MCTPC của Lào. Đến tứ kết, HAGL để BEC Tero Sasana của Thái Lan đánh bại với tỉ số 1-2 và phải dừng bước.

Tuy nhiên những câu chuyện của HAGL ở ACC 2003 chưa dừng lại ở đó. Một nghi án bán độ lộ ra với lời tố cáo của trung vệ Mạnh Dũng. VFF nhanh chóng mời cơ quan điều tra vào cuộc và trong số người bị tố cáo có Nguyễn Việt Thắng, tiền đạo U23 Việt Nam khi đó đang tràn trề cơ hội dự SEA Games 22.

Lùm xùm vụ đấu tố ở HAGL và góc khuất về nghi án bán độ của cựu sao U23 Việt Nam - Ảnh 2.

Việt Thắng (khoanh đỏ) ăn mừng chức vô địch V.League 2003 trong màu áo HAGL.

GÓC KHUẤT SAU NGHI ÁN BÁN ĐỘ

Theo đó, Lương Trung Tuấn và Nguyễn Việt Thắng bị tố cáo đích danh vì cho rằng đã bán đứng đồng đội để dàn xếp tỉ số. Ngoài nghi vấn ở trận thua Persita, việc Việt Thắng dính thẻ đỏ tại tứ kết và Lương Trung Tuấn chơi không tốt càng khiến những nghi ngờ tăng lên.

VFF sau đó đã triệu tập các bên liên quan để làm rõ vụ việc và chuyển hồ sơ sang cho cơ quan công an. Tuy nhiên sau khi tiến hành điều tra, không có chứng cứ cụ thể nào được tìm thấy để khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. Dù vậy, Lương Trung Tuấn và Việt Thắng vẫn bị VFF treo giò 3 năm vì "Có biểu hiện tiêu cực".

Án phạt của Việt Thắng sau đó được giảm xuống còn 1,5 năm nhưng trên thực tế, anh và mẹ của mình đã từng lên tận trụ sở VFF để đề nghị làm sáng tỏ vụ việc vì không chấp nhận án phạt nói trên.

Lùm xùm vụ đấu tố ở HAGL và góc khuất về nghi án bán độ của cựu sao U23 Việt Nam - Ảnh 3.

Từ tiền đạo trẻ giàu tiềm năng của bóng đá Việt Nam, sự nghiệp của Việt Thắng rẽ sang một hướng khác vì nghi án bán độ tại ACC 2003.

Trong một cuộc nói chuyện với người viết nhiều năm sau khi vụ việc đã khép lại, Việt Thắng khẳng định bản thân mình hoàn toàn trong sạch.

"17 tuổi tôi đã được lên chơi cho đội 1 CA TP.HCM, 19 tuổi được gọi vào ĐTQG và 20 tuổi vô địch V.League với HAGL. Từ khi còn trẻ tôi đã phải đối đầu với với nhiều thử thách rồi. Nhưng vẫn phải nói thử thách trong thời gian bị treo giò nó quá lớn, cảm giác như mình không thể đứng dậy được nữa", Việt Thắng giãi bày.

Anh nói tiếp: "Hồi ấy tôi được bầu Đức đề nghị trả phí lót tay 600 hay 800 triệu gì đó cho bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Mức lương ngày đó của tôi so với mặt bằng chung thì cực cao so với cả V.League, vì ngày đó ở HAGL thôi là đã cao hơn so với mặt bằng chung rồi.

Nhưng tôi không bao giờ để chuyện tiền bạc ảnh hưởng đến chuyên môn. Bản thân tôi tự quản lý tài chính và độc lập hoàn toàn. Tôi nghĩ do chuyện tôi muốn về Ngân hàng Đông Á bị lộ ra và người ta đã chơi không đẹp với tôi".

Lùm xùm vụ đấu tố ở HAGL và góc khuất về nghi án bán độ của cựu sao U23 Việt Nam - Ảnh 4.

Việt Thắng sau năm đó rời HAGL, có một thời gian sang tập luyện tại Porto B nhờ sự giới thiệu của HLV Calisto và tới chơi cho Đồng Tâm Long An từ mùa 2005.

"Tôi vẫn luôn tin một điều rằng công an Việt Nam rất giỏi, người ta vào cuộc vụ nào là "chết" vụ đó. Họ đã điều tra tôi và không có kết luận buộc tội gì cả. Bây giờ lên lật lại hồ sơ, quyết định của Liên đoàn ghi là "Có biểu hiện tiêu cực". Thế nào là biểu hiện? Có biểu hiện tức là tiêu cực hay không?

Còn không bao giờ có chuyện làm bậy mà thoát được khi công an vào cuộc điều tra đâu. Vụ Bacolod, vụ Ninh Bình, có vụ nào thoát đâu mà lại có mỗi mình một thằng cầu thủ 20, 21 tuổi như tôi ngoại lệ. Nếu không tin tôi thì hãy tin công an Việt Nam và mọi người sẽ tự biết câu trả lời.

Và cũng chẳng có cuộn băng ghi âm nào lộ ra cả vì nó không hề có. Có băng ghi âm chứng minh như thế thì tôi rũ tù rồi. Tất cả đều chỉ là nói bằng miệng hết. Người ta nói tôi thế này thế kia rồi buộc tội. Cuộn băng ghi âm duy nhất là ghi âm khi tôi cãi nhau với Mạnh Dũng, người tố cáo tôi, chứ không phải ghi âm chứng minh là tôi đã làm gì tiêu cực.

Tôi với mẹ từng lên tận Liên đoàn khi tôi bị kỉ luật, muốn nói rõ rằng các cơ quan hãy vào cuộc điều tra, nếu tôi bán độ thì tôi sẵn sàng vào tù, còn hơn mập mờ và bị kỉ luật 3 năm".

Lùm xùm vụ đấu tố ở HAGL và góc khuất về nghi án bán độ của cựu sao U23 Việt Nam - Ảnh 5.

Cảm xúc của Việt Thắng sau khi có được chức vô địch AFF Cup 2008 cùng ĐT Việt Nam.

Kể lại câu chuyện về mẹ mình, Việt Thắng cũng không khỏi day dứt bởi vì vụ việc của anh mà gia đình bị ảnh hưởng không ít:

"Mẹ tôi là một hiệu trưởng. Nhà giáo thì điều quan trọng nhất luôn là đạo đức. Ngày tôi bị kỉ luật, người ta còn chửi mẹ tôi "dạy cho cố vào mà không biết dạy con mình" ở giữa hội trường luôn. Đó là điều tôi cay nhất. Không biết có thể coi đó là một thứ "động lực" hay không, nhưng bản thân tôi lúc ấy rất muốn mình có thể chiến đấu để trở lại, không chỉ cho mình mà còn cho cả mẹ mình nữa".

Có lẽ cũng bởi vậy mà khi trở lại sau án treo giò và ca chấn thương đầu gối nặng, Việt Thắng chơi đầy nỗ lực trong màu áo Đồng Tâm Long An và góp công giúp đội bóng này vô địch V.League 2006. Sau đó, lại dưới bàn tay HLV Calisto, Việt Thắng góp công không nhỏ trong chức vô địch AFF Cup 2008 của ĐT Việt Nam.

"Giờ coi lại băng ghi hình cả đội ăn mừng chức vô địch AFF Cup 2008 chắc chắn không ai thấy tôi cả, đến lúc cuối mới có thể thấy tôi. Vì lúc đó tôi ngồi riêng một chỗ trong 15 phút để khóc, chứ không khóc trên sân như Tấn Tài hay những người khác. Khóc xong, lau cho hết nước mắt thì tôi mới đứng dậy và đi ra ăn mừng".

Lùm xùm vụ đấu tố ở HAGL và góc khuất về nghi án bán độ của cựu sao U23 Việt Nam - Ảnh 6.

"Đó là những giọt nước mắt của nhiều thứ và hơn hết là danh dự. SEA Games 2003, tôi hay Như Thành đã từng lỡ cơ hội, nhưng giờ tôi được đứng ở đây và đã có được chức vô địch.

Tôi vẫn còn lưu những bài báo người ta viết về mình ngày tình nghi bán độ rồi nhận án kỉ luật. Tôi lưu nó lại vì sao anh biết không? Để sau này mỗi khi gặp phải khó khăn, tự bản thân tôi lại nhìn vào những kỉ niệm đau đớn như thế để động viên mình rằng những thử thách này chưa là gì so với ngày đó cả", Việt Thắng bày tỏ.

Bài viết nằm trong loạt bài SỬ THI BÓNG ĐÁ VIỆT. Xem thêm tại đây!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại