Thời điểm năm 2003, Công Vinh vẫn còn là một cầu thủ trẻ ở SLNA và chưa có được chỗ đứng tại đội một. Dù thể hiện tốt trong màu áo U18, U20 Việt Nam cũng như U21 SLNA (giành Vua phá lưới giải U21 Quốc gia năm 2003) nhưng chân sút sinh năm 1985 vẫn đứng trước nguy cơ phải ra đi và điểm đến dự kiến là Huế.
Đầu tháng 11 năm 2003, SLNA tham dự JVC Cup, giải đấu được tổ chức tại sân Mỹ Đình để U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 22. Với việc những đàn anh Văn Quyến và Phan Thanh Hoàn lên tập trung cùng U23 Việt Nam, Công Vinh có cơ hội được đá chính cho SLNA. Trớ trêu thay, đây rất có thể là lần đầu và cũng là lần cuối cùng của tiền đạo này ở đội một.
Một chi tiết đáng chú ý khác, do HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh đang bận làm nhiệm vụ trợ lý cho HLV Alfred Riedl tại U23 Việt Nam, nên người nhận nhiệm vụ dẫn dắt SLNA ở JVC Cup 2003 là Nguyễn Hữu Thắng. Ít ai ngờ chính từ giải đấu này, người hâm mộ được biết đến tài cầm quân của cựu trung vệ Hữu Thắng, cũng như những bước chạy thần tốc cùng khả năng săn bàn của Công Vinh.
Công Vinh khoác áo SLNA ngày còn trẻ.
Bước vào giải đấu, SLNA thắng CLB Perak (đương kim vô địch giải VĐQG Malaysia) với tỉ số 4-2 và hòa Ngân hàng Đông Á 0-0 ở vòng bảng. Tại bán kết, Công Vinh cùng các đồng đội hạ tiếp Persik (CLB của Indonesia) 3-0.
Tiếc rằng kịch bản trận chung kết trong mơ giữa SLNA và U23 Việt Nam đã không thể xảy ra, khi thầy trò HLV Riedl thất bại 2-4 trên loạt sút penalty trước Perak ở bán kết.
"Chúng tôi từng đánh bại Perak đến 4-2 ở vòng bảng, nhưng HLV Hữu Thắng cấm các học trò của mình khinh địch. Perak đã chứng tỏ được bản lĩnh của một nhà vô địch quốc gia, đồng thời càng chơi càng hay. Nhưng tôi có niềm tin là mình sẽ ghi bàn.
Tôi thích áp lực, và đây là trận chung kết đầu tiên của tôi với SLNA trong đời cầu thủ. Nếu có thể chia tay SLNA với một danh hiệu, đấy sẽ là một lời tạm biệt ý nghĩa với nơi đã đào tạo ra mình", Công Vinh viết trong tự truyện của mình.
Và quả thật những lo lắng của HLV Hữu Thắng là không thừa. Ngay phút thứ 7, lưới của SLNA đã tung lên sau pha phá bóng lúng túng thẳng vào chân đối phương của trung vệ Alphonse. Bàn thua sớm khiến CĐV lo lắng về một kịch bản xấu cho SLNA, nhưng rồi đây cũng chính là thời điểm thích hợp để Công Vinh tỏa sáng cứu nguy cho đội nhà.
5 phút sau khi SLNA bị thủng lưới, tiền vệ Phan Như Thuật thực hiện đường chuyền vượt tuyến từ sân nhà lên phía trên, đưa bóng rơi vào khoảng trống phía sau lưng hai trung vệ Perak đang dâng cao. Công Vinh chỉ chờ có thế, bứt tốc để thoát xuống, đi bóng rồi xử lý gọn gàng để vặn sườn hậu vệ đối phương, sau đó dứt điểm vào góc xa khiến thủ môn Perak bó tay.
Không lâu sau, khán giả SLNA có mặt tại Mỹ Đình tiếp tục được ăn mừng và người lập công vẫn là Công Vinh. Thanh Thưởng đi bóng ở giữa sân rồi bất ngờ thực hiện đường chọc khe đầy tinh tế. Lại một lần nữa, tốc độ của Công Vinh khiến hậu vệ đối phương phải "hít khói" và trong thế đối mặt, tiền đạo 18 tuổi bình tĩnh bấm bóng qua người thủ môn Perak, nâng tỉ số lên 2-1.
Thời gian còn lại của trận đấu, nhà đương kim vô địch Malaysia nỗ lực dồn ép, đặc biệt khi SLNA chỉ còn 10 người do Alphonse phải nhận thẻ vàng thứ 2 ở phút 77. Tuy nhiên hàng thủ SLNA đã đứng vững.
Trận đấu khép lại với chức vô địch dành cho SLNA, Công Vinh giành Vua phá lưới còn Hữu Thắng cũng được bầu chọn là HLV xuất sắc nhất giải. Thế nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó.
2 bàn thắng của Công Vinh tại JVC Cup, giải đấu tiền SEA GAMES 22 (Video: BLV Quang Huy)
Màn trình diện ấn tượng tại JVC Cup đã giúp Công Vinh tại nên bước ngoặt lớn trong sự nghiệp. Anh được HLV Riedl triệu tập bổ sung vào thành phần đội U23 Việt Nam dự SEA Games 22, đồng thời SLNA cũng quyết định giữ Công Vinh ở lại và bán Phan Thanh Hoàn cho Huế.
Đó chính là bước ngoặt ở "phút 89" giúp cuộc đời Công Vinh bước sang một ngã rẽ hoàn toàn mới. Và phần còn lại là lịch sử.