Chỉ thẩm định sơ bộ trên hồ sơ
Trao đổi với PV Infonet, ông Đặng Hữu Nhã, Chánh Thanh tra huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Về tình hình chung, đây là những cán bộ trưởng thành từ phong trào đoàn lên. Sau một quá trình làm việc thì yêu cầu phải chuẩn hóa. Một số không muốn cũng buộc phải làm thành ra dẫn đến sai”.
“Trường hợp chị Huyền, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Nhượng, sau khi kiểm tra thấy hồ sơ bị lệch, tìm hiểu sâu thì phát hiện cái bằng mà chị Huyền dùng trong hồ sơ để đi học tiếp, phục vụ công tác sau này lại là bằng của người khác cùng tên Huyền, hiện đang công tác tại Hà Nội”, ông Nhã nói thêm.
Cũng theo ông Nhã, sau đó chị Huyền về tìm được một cái bằng tốt nghiệp PTCS phô tô của chính mình, sinh ngày 15/9/1976. Tuy nhiên anh em đề nghị xuất trình học bạ hoặc giấy tờ tùy thân phù hợp với cái bằng này thì không có.
PV nêu câu hỏi, việc chị Huyền lấy bằng của người khác đi học, phục vụ công tác sau này, có bị truy cứu trách nhiệm hay không? Lý giải về vấn đề này, Chánh Thanh tra huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Về quy định thì có nhưng phải xem xét trên cơ sở lỗi cố ý hay vô tình.
Nếu lỗi do khách quan thì có thể xử lý một mức độ nào đó như kiểm điểm. Còn chủ quan thì phải xử lý bằng hình thức khác, cao hơn”.
“Còn trường hợp của anh Thanh lại khác, trên bằng của anh Thanh thì có tẩy xóa, nên khi yêu cầu xuất trình bằng gốc mà không có. Chúng tôi yêu cầu giám định nhưng anh Thanh thừa nhận sử dụng bằng của em trai nên không giám định nữa”, ông Nhã nói tiếp.
Cũng theo ông Nhã, anh Thanh là Công chức địa chính xã nên hình thức kỷ luật sẽ nặng nặng hơn vì sử dụng bằng cấp không hợp pháp. Quy trình xử lý là thành lập hội đồng, làm bản kiểm điểm, xã phải họp đề xuất, Hội đồng huyện họp rồi mới thông qua hình thức bỏ phiếu.
PV đặt vấn đề, quy trình kiểm tra, giám sát của các phòng, ban cấp huyện có vai trò như thế nào trong việc để lọt những cán bộ sử dụng bằng cấp sai quy định. Về vấn đề này, ông Nhã cho rằng, thực tế rất khó, vì quá trình xin bổ nhiệm do dưới xã làm quy trình.
Phía huyện chỉ thẩm định sơ bộ trên hồ sơ để xem xét về kê khai tài sản thu nhập. Còn bằng cấp thì chỉ công chứng lên cho họ xem thôi, để lục sâu vào trong hồ sơ thì cũng không làm.
Xác nhận của Tư pháp là được
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó phòng Nội vụ huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Về bản chất thì chị Huyền có học và tốt nghiệp PTCS, nhưng sau khi nghỉ học thì về tham gia công tác tại địa phương.
Ban đầu làm cán bộ xóm, rồi cán bộ xã. Khi phải đi học để chuẩn hóa kiến thức thì mới đi lấy bằng, mặc dù sai ngày sinh”.
Cũng theo ông Thịnh, đối với trường hợp của chị Huyền, tất cả mọi giấy tờ liên quan đến chứng minh, hộ khẩu thì sinh năm 1975, còn bằng thì lại sinh năm 1977, nhưng lại là bằng của người khác.
Khi chuyển hồ sơ sang Công an Cẩm Xuyên để điều tra xác minh thì lại xuất hiện cái bằng sinh năm 1976, cái này mới đúng là của chị Huyền.
PV thắc mắc, mặc dù hồ sơ công chức và lý lịch Đảng bị lệch ngày sinh với bằng cấp được học, tại sao khi bổ nhiệm cán bộ, các phòng, ban cấp huyện không phát hiện và xử lý? Phó phòng Nội vụ cho biết: “Sau đó chị Huyền lại có đính chính hai ngày sinh là một.
Hơn nữa chị Huyền không phải là công chức, mà lại đi lên từ kênh Đoàn, theo đường bầu cử. Khi lên chính quyền huyện thì chỉ phê duyệt để tính tiền lương thôi”.
Cũng theo ông Thịnh, xem xét bằng thời điểm đấy, người ta chỉ xem các văn bằng có đầy đủ không? Thời trước Tư pháp cũng dễ, họ xác nhận hai ngày sinh là một người là được.
“Trường hợp anh Thanh, là một công chức, quá trình tuyển dụng lâu rồi, trước đây cũng hoạt động Đoàn. Khi tuyển dụng công chức thì đầy đủ vì có bằng Trung cấp địa chính học ở Nghi Xuân.
Cho nên phát hiện sau này là phát hiện giai đoạn trước của họ. Trường hợp này thì phải buộc thôi việc. Chờ kết luận của Thanh tra tỉnh nữa là xử lý”.