Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Khan Younis, Dải Gaza, ngày 7/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu chủ trì một hội nghị ngoại trưởng EU, ông Borrell cho biết phản ứng quân sự của Israel sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas ngày 7/10 đã dẫn tới “số dân thường thương vong vô cùng lớn”. Quan chức của EU cũng nhấn mạnh rằng phản ứng quân sự của Israel là không cân xứng xét về số dân thường thương vong và những thiệt hại cơ sở hạ tầng và tài sản dân sự ở Gaza. Ông nhấn mạnh: “Những nỗi đau về người đang đặt ra một thách thức chưa từng thấy đối với cộng đồng quốc tế. Dân thường chiếm 60-70% tổng số người thiệt mạng, trong khi 85% dân số tại Gaza phải đi sơ tán”.
Ông Borrell so sánh: “Cơ sở hạ tầng bị phá hủy tại Gaza… lớn hơn những gì mà các thành phố ở Đức phải chịu đựng trong Chiến tranh thế giới thứ hai”.
Quan chức EU cũng cảnh báo “bạo lực của người định cư cực đoan tại Bờ Tây” cũng đáng báo động. EU phản đối quyết định của Chính phủ Israel phê chuẩn thêm 1.700 đơn vị nhà ở tại Jerusalem, hành động mà EU khẳng định là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Borrell cho biết đã trình một tài liệu thảo luận lên hội nghị ngoại trưởng EU nhằm “áp đặt trừng phạt người định cư cực đoan tại Bờ Tây”, những người đã tấn công cư dân người Palestine tại đây. Ông cũng sẽ sớm đưa ra đề xuất chính thức dựa trên một sáng kiến của Mỹ từ chối cấp thị thực cho những người định cư Do Thái cực đoan. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng vấn đề này chưa nhận được sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên EU.
Cùng ngày, lãnh đạo 4 nước EU là Bỉ, Ireland, Tây Ban Nha và Malta đã gửi một bức thư lên Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi khối nhất trí một quan điểm cứng rắn kèm theo trừng phạt nhằm tránh leo thang bạo lực tại Bờ Tây.
Bức thư đề ngày 8/12 nêu rõ: “Chúng ta phải tránh leo thang căng thẳng tại Bờ Tây. Để được vậy, chúng tôi đề xuất áp đặt lệnh cấm đi lại có mục tiêu, phong tỏa tài sản đối với những người định cư bạo lực đã tấn công người Palestine hoặc đánh đuổi người Palestine”. Nhấn mạnh “số thương vong, mức độ phá hủy và tình hình nhân đạo tồi tệ” tại Gaza, bức thư kêu gọi EU cần có một quan điểm rõ ràng và cứng rắn trong việc này. Bên cạnh việc cấm đi lại và phong tỏa tài sản, các nhà lãnh đạo 4 nước trên cũng kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo kéo dài” để chấm dứt thù địch, cho phép các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) thực hiện nhiệm vụ mà không bị cản trở, và khôi phục cơ sở hạ tầng tại Gaza. Thư cũng kêu gọi cần mở lại cửa khẩu Karem Shalom để cho phép thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhiên liệu vào Gaza. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo 4 nước trên nhấn mạnh số thương vong tại Gaza đã đến mức “không thể chịu nổi” và kêu gọi “cần khẩn cấp” một tiến trình chính trị để thực hiện giải pháp hai nhà nước cho xung đột giữa Israel và Palestine.
Cùng ngày, Quốc vương Abdullah II của Jordan tái khẳng định Jordan tiếp tục ủng hộ sự kiên định của người dân Palestine trên vùng đất của họ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh và thống nhất các nỗ lực của Arab nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza, giải quyết vấn đề Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước và thực hiện các quyền hợp pháp của người Palestine.
Quốc vương Abdullah tái khẳng định rằng Bờ Tây và Gaza phải là một phần của nhà nước Palestine tương lai, đồng thời cho biết Jordan bác bỏ mọi nỗ lực nhằm tách rời hai vùng đất này. Ông cũng nói thêm Jordan sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ cho người Palestine, bao gồm các dịch vụ y tế thông qua hai bệnh viện quân sự ở Gaza và một bệnh viện khác ở Nablus, bên cạnh hai trạm y tế ở Ramallah và Jenin.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm để trao đổi quan điểm về tình hình ở Dải Gaza, kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt, đảm bảo cứu trợ nhân đạo và quay trở lại giải pháp hai nhà nước. Cùng ngày, ông Amir-Abdollahian cũng điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong đó hai bên kêu gọi tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo vào Gaza, và chấm dứt xung đột.