Kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô
Trong các ngày 26 và 27/4, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã thực hiện chương trình Hội nghị lần thứ mười hai.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, với tinh thần trách nhiệm cao, sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các đồng chí Thành ủy viên và các đại biểu đã phát huy dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết vào các tờ trình, báo cáo, đề án. Các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm và đánh giá cao công tác chuẩn bị nghiêm túc, có chất lượng của Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND Thành phố; cơ bản đồng tình và nhất trí cao với các nội dung trình hội nghị; đồng thời, đã tập trung, thảo luận, phân tích, làm rõ thêm các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị
Nhấn mạnh thêm một số vấn đề lớn, quan trọng và khái quát lại những kết quả chủ yếu của hội nghị đối với từng nội dung cho ý kiến, Bí thư Thành ủy cho rằng, về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), trên cơ sở kết quả thảo luận tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cơ bản thống nhất với Định hướng nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp xác đáng của các Đại biểu dự họp để cập nhật, bổ sung trong quá trình lập Đồ án. Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của Đồ án, Bí thư Thành ủy đề nghị cần lưu ý 4 nhóm nội dung quan trọng gồm: Việc thống nhất thời hạn của Đồ án; yêu cầu bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương; bảo đảm định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển.
5 trục phát triển của Hà Nội
(1) Trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay;
(2). Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh;
(3). Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát, đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng;
(4). Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh;
(5). Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ-TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, đồng thời đề xuất một số sân bay trên địa bàn Thủ đô chuyển thành lưỡng dụng để phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài cho Thủ đô.
Trước đó, đối với việc nghiên cứu sân bay thứ hai, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sở dĩ quy hoạch đưa vào nội dung này vì Quy hoạch cảng hàng không sân bay toàn quốc có xác định Hà Nội là thủ đô lớn, mà thủ đô lớn thì có 2 sân bay được bố trí theo trục Bắc - Nam, vì vậy, sân bay thứ hai sẽ được nghiên cứu ở khu vực phía Nam thành phố. Đây cũng là vị trí thuận lợi để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng và quốc gia khác.
"Đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực của thành phố. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, tính toán định hướng phát triển Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa trong vùng Thủ đô bằng việc nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…, kể cả đường bộ và đường sắt", Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ.
Luật Thủ đô (sửa đổi): Thể chế hóa tối đa những điểm đột phá, đặc thù
Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy cho biết, hội nghị cơ bản tán thành với nội dung Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô đã bám sát và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Thành phố, đặc biệt là định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" theo tinh thần Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, trong quá trình nghiên cứu lập Quy hoạch, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học dưới các hình thức, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương theo quy định, đặc biệt là công bố công khai để lấy ý kiến của nhân dân Thủ đô để vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025)
Về Báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến tham gia, đóng góp rất sâu sắc, có chất lượng tập trung vào 12 vấn đề Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình xin ý kiến; nhiều ý kiến cũng đã tham gia, đóng góp, bổ sung các chính sách, giải pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tổng hợp, tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó, lưu ý một số vấn đề như nguyên tắc tiếp thu tối đa những nội dung có sự thống nhất cao; tiếp tục rà soát, tiếp thu, thể chế hóa tối đa những điểm đột phá, đặc thù tại các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội liên quan đến Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị trong thời gian qua về phát triển đô thị Việt Nam, về đất đai, về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng…
Khẳng định Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII đã thành công tốt đẹp, Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, trên cơ sở Nghị quyết và Kết luận của hội nghị, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh và sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy và cả hệ thống chính trị của Thành phố sẽ tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện các Đề án, Dự án, Báo cáo trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua theo đúng kế hoạch đề ra.
Nhấn mạnh năm 2023 là năm có ý nghĩa "bản lề" cho sự thắng lợi của cả nhiệm kỳ 2020-2025 đối với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các ngành, các địa phương và từng đồng chí Thành ủy viên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng của năm 2023, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố.