Hà Nội: Vì đâu cầu vượt thành “điểm nóng” ùn tắc?

Lê Tươi - Nam Khánh |

Vào khung giờ cao điểm, hàng loạt cây cầu vượt ở Hà Nội trở nên quá tải và ùn tắc nghiêm trọng. Người dân chấp nhận “chôn chân” chờ lên cầu vượt thay vì phải chờ 90-120 giây đèn đỏ ở phía dưới đường.

“Chôn chân” chờ lên cầu vượt

Sáng 30/10, PV Báo Giao thông trực tiếp lưu thông trên cầu vượt bắc qua nút giao Lê Văn Lương - Láng Hạ vào giờ cao điểm (8h30), hình ảnh đập vào mắt PV là cảnh hàng trăm phương tiện xe máy “chôn chân” chờ lên cầu vượt, “phớt lờ” biển cấm trước lối lên cầu.

Trong khi đó, phía dưới đường Lê Văn Lương khá thông thoáng. Nhiều phương tiện rẽ trái hướng đi ra Cầu Giấy cũng chấp nhận chờ đợi để lên cầu thay vì phải chờ đèn tín hiệu ở cung đường bên dưới.

Chiều rộng cầu vượt này chỉ khoảng 4m, vừa đủ cho một xe ô tô khách loại lớn lưu thông. Tuy nhiên, nhiều thời điểm ô tô xếp hàng 2, hàng 3 chen lấn nhau lên cầu.

Chờ đợi quá lâu, chiếc xe buýt nhanh BRT BKS 29B -154.43 phải bấm còi inh ỏi, đến khi cả đường trên cầu, dưới cầu đều không thể thoát được, lái xe buýt tỏ ra bất lực mở cửa kính quát to: “Giờ này xe máy phải đi xuống dưới đường, không được đi lên cầu”.

"Về điều chỉnh thời lượng đèn xanh - đèn đỏ ở khu vực các cây cầu vượt thường có số giây quá cao, chúng tôi sẽ yêu cầu Đội đèn tín hiệu đánh giá lại. Nếu có gì bất hợp lý sẽ cho điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn”.

Đại tá Đào Vịnh Thắng

Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội

Đáng nói, chính điểm ùn tắc giao thông khu vực lên cầu vượt này gây nên hiệu ứng dây chuyền, khiến cả cung đường từ đầu cầu vượt Lê Văn Lương đến qua ngã tư Khuất Duy Tiến - Tố Hữu bị ùn ứ phương tiện. 

Từ lâu tại điểm “nóng” này, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã bố trí một chốt trực thường xuyên để phân làn, giải tỏa giao thông.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, giờ cao điểm sáng, chiều chốt trực này lúc có, lúc không. Thậm chí, khi có mặt cũng chỉ có một CSGT nên bất lực trước tình cảnh giao thông ùn tắc.

Tìm hiểu của PV, ngoài việc xe máy đi lên cầu vượt vào khung giờ cấm, tại vị trí trước khi qua cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ, đường được chia thành hai hướng, một hướng lên cầu để sang phố Láng Hạ, bên dưới là đường qua ngã tư, có đèn xanh - đèn đỏ.

Tuy nhiên, chỉ khi đến vị trí lên cầu vượt, đường lên cầu và đường ở dưới mới được phân tách bằng dải phân cách cứng. Nhiều phương tiện khi đang lưu thông theo hướng làn đường bên dưới, đến đầu cầu bất ngờ chuyển làn lên cầu, trong khi làn đường này hẹp, gây ra tình trạng ùn ứ nghiêm trọng.

Tình trạng ùn tắc cũng diễn ra tại cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng. Cầu vượt này có thiết kế nhỏ, chiều rộng cả 2 chiều cầu chưa đầy 9m, trong khi có 2 làn ô tô, 2 làn xe máy.

Tương tự là cầu vượt Ngã Tư Sở. Ghi nhận của PV, ngay từ dưới chân cầu (hướng Nguyễn Trãi - Tây Sơn), hàng trăm phương tiện đã chen lấn nhau ken cứng đoạn đường dài lên tới cả cây số (đến 171 Nguyễn Trãi).

Sau khi vượt qua dải phân cách lên cầu, hàng loạt xe máy lại tiếp tục lạng lách qua những kẽ hở giữa các ô tô để vượt lên trước, tạo ra trạng thái giao thông hỗn loạn phủ kín toàn bộ mặt cầu. Ùn ứ càng thêm nghiêm trọng khi có sự xuất hiện của những chiếc xe khách, xe buýt cỡ lớn (45 chỗ).

Còn tại cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, lối lên cầu (hướng Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt) lại là một diễn biến giao thông vô cùng phức tạp. Để có thể lên được cầu, các phương tiện thường xuyên giành đường, gây nên tình trạng giao thông hỗn loạn.

Thời điểm có mặt, PV ghi nhận một chiếc xe khách Ecopark 30 chỗ số hiệu 05 BKS 29B-079.25 đang đi ở làn ngoài, đột nhiên tài xế điều khiển xe xiên lên cầu vượt.

Cùng đó, hàng trăm phụ huynh từ cổng trường Tô Hoàng, sau khi đón con lập tức phi ngang sang cầu khiến giao thông tại đây bị ách tắc hàng chục phút.

Hà Nội: Vì đâu cầu vượt thành “điểm nóng” ùn tắc? - Ảnh 2.

Nhiều phương tiện chấp nhận chôn chân để lên cầu vượt thay vì chờ đèn tín hiệu. (Ảnh chụp tại cầu vượt Tây Sơn)

Cần tổ chức lại giao thông khu vực cầu vượt

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, những vị trí xây dựng một số cầu vượt: Thái Hà - Chùa Bộc; Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Ngã Tư Sở là hợp lý.

Tuy nhiên, thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại như: Đường giao thông hẹp dẫn đến cầu vượt vô hình trung trở thành nút thắt. Cùng đó, việc tổ chức giao thông ở đây cũng còn nhiều bất cập, nhất là đèn tín hiệu giao thông bên dưới.

Thực tế, theo quan sát của PV, sở dĩ các cây cầu vượt đường bộ nội đô bị quá tải vào giờ cao điểm, một phần không nhỏ là do sự thiết lập thời lượng đèn tín hiệu và điểm mở quay đầu xe chưa hợp lý ở cung đường phía dưới.

Cụ thể, tại điểm giao cắt Trường Chinh - Láng dưới cầu vượt Ngã Tư Sở, dù lượng người từ Nguyễn Trãi di chuyển lên rất lớn nhưng đèn đỏ tại đây lại có thời lượng lên đến 98 giây, đèn xanh chỉ có 24 giây.

Tại cung đường dưới cầu vượt Đại Cồ Việt có sự chênh lệch rất lớn giữa các tín hiệu đèn với hướng Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, đèn đỏ có thời lượng 120 giây, đèn xanh 14 giây.

Hướng ngược lại đèn đỏ chỉ 56 giây, đèn xanh lên đến 76 giây khiến xe đi chiều thẳng bị cản trở bởi các xe đi xiên từ đường Lê Đại Hành ra, xung đột giao thông dẫn đến ùn tắc lại tiếp diễn.

Hà Nội: Vì đâu cầu vượt thành “điểm nóng” ùn tắc? - Ảnh 3.

Hà Nội: Vì đâu cầu vượt thành “điểm nóng” ùn tắc? - Ảnh 4.

Thiếu tá Phạm Quang Minh, Phó đội trưởng Đội Điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, đã nhận được nhiều phản ánh của người tham gia giao thông cho rằng khu vực cầu vượt thời lượng đèn đỏ từ 90-120 giây là quá dài.

Thiếu tá Minh cho rằng, khu vực cầu vượt thường có thời lượng đèn đỏ cao - đèn xanh thấp để các phương tiện đi thẳng lên cầu vượt, ưu tiên cho các phương tiện qua các nút phía dưới. Do đó, tại nút đèn, phía đi thẳng có cầu vượt, thời lượng đèn đỏ thường cao.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết: “Thời gian tới, sẽ họp với các đội để có kế hoạch phân luồng, trong đó có khu vực cầu vượt.

Tại điểm lên cầu vượt cấm xe máy giờ cao điểm trên đường Lê Văn Lương - Láng Hạ, chúng tôi cũng đã yêu cầu đội CSGT số 3 hàng ngày phải túc trực ở khu vực cầu để vừa phân luồng giao thông, vừa xử phạt các phương tiện vi phạm để giảm lưu lượng đi lên cầu vượt, tránh ùn tắc”, Đại tá Thắng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại