Ngày 20.11, trao đổi với PV Lao Động, ông Trương Minh Tiến – nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Việc đặt tên đường phố cho ông Trịnh Văn Bô – doanh nhân yêu nước có nhiều cống hiến cho cách mạng là một việc thể hiện sự tri ân, tôn vinh công lao của gia đình ông.
Ông Tiến cho hay, những năm trước đây, TP cũng đã có những dự kiến về việc đặt tên đường Trịnh Văn Bô.
Tuy nhiên vì những lý do khác nhau nên việc đặt tên đường cho ông Trịnh Văn Bô vẫn chưa được thực hiện. Nếu năm nay, TP thực hiện được việc đặt tên đường cho ông là điều rất tốt.
Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, để có thể đặt tên đường, phải có được sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương, sự đồng thuận của gia đình.
Cùng với đó, các ban của HĐND cũng phải tiến hành các bước thẩm định một cách kỹ lưỡng. Khi đề xuất được trình lên HĐND thì phải được sự đồng thuận của đa số đại biểu thì mới có thể đặt tên đường.
Tìm hiểu của PV, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội diễn ra vào đầu tháng 12 tới, UBND TP Hà Nội sẽ trình các đại biểu thống nhất thông qua việc đặt, đổi tên 47 tuyến đường.
Trong 47 tuyến đường, phố, Hà Nội sẽ lấy tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô đặt tên cho đoạn phố dài 900 m, rộng 50m từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn tiếp nối phố Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm.
Trước đó, từ năm 2017, UBND TP.Hà Nội đã đưa vào tờ trình HĐND TP đặt tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô cho tuyến phố dài 1,2km trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Đoạn phố này có điểm giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.
Tuy nhiên, TP Hà Nội quyết định tạm hoãn trình HĐND TP.Hà Nội thông qua việc đặt tên đổi tên đường phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô.
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thời điểm đó cho biết, lý do là chưa tìm được sự thống nhất với gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô trong việc đặt tên đường phố mới.
Nhà tư sản Trịnh Văn Bô là một thương nhân theo chủ nghĩa dân tộc, nổi tiếng giữa thế kỷ 20.
Năm 1932, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Minh Hồ, ái nữ của cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà nho và là thương gia giàu có đất Hà Nội xưa. Trong sự nghiệp kinh doanh của chồng, bà Minh Hồ đóng vai trò quan trọng.
Trong Tuần lễ Vàng năm 1945, hai ông bà đã ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng. Sở hữu ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang, đến Cách mạng Tháng Tám 1945, vợ chồng cụ dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc.
Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945. Sau đó gia đình cụ cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.
Ông Trịnh Văn Bô mất năm 1988, thọ 74 tuổi. Cách đây hơn một năm, vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ mất, thọ 104 tuổi.