Con trai cả người hiến hơn 5.000 lượng vàng: Không nên đặt tên đường "Ông bà Trịnh Văn Bô"

Hoàng Đan |

Theo ông Lương, gia đình không đồng ý việc đặt tên đường cụ Trịnh Văn Bô ở phố Đông Quan vì ngại việc đổi tên sẽ gây phiền hà cho nhân dân khi phải thay đổi giấy tờ hành chính.

Tối 24/11, ông Trịnh Lương, con trai cả, đồng thời là người đại diện hợp pháp của gia đình cụ Trịnh Văn Bô (người hiến hơn 5.000 lượng vàng cho Nhà nước) xác nhận, gia đình chưa đồng ý với dự định của Hà Nội đặt tên cụ cho con đường ở Cầu Giấy.

Theo ông Lương, đây không phải lần đầu gia đình không đồng ý mà vào năm 2013, sau một cuộc hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức đã đề nghị Hà Nội đặt một con đường, phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô để ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn của cụ đối với cách mạng, dân tộc.

Đến 2015, Hà Nội đã tiến hành việc xem xét, đặt tên đường mang tên cụ Trịnh Văn Bô và dự định khi đó việc đặt này sẽ thực hiện cho một con đường ở quận Hà Đông.

"Biết tin, tôi đến thì người dân ở đó không hiểu biết lại bảo tên Trịnh Văn Bô không đẹp, ý xấu. Sau đó, tôi có ý kiến với Sở Văn hóa, Thông tin là chưa đồng ý với việc đặt tên vì cụ Bô không sinh ở Hà Đông mà ở số 7 Hàng Ngang nên phải đặt tên ở khu vực Hà Nội cũ", ông Lương nói.

Việc đặt tên đường sau đó theo ông Lương đã tạm dừng cho tới gần đây khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ cụ Bô) qua đời thì Hà Nội đưa ra. Theo đó, Hà Nội dự định đổi tên phố Đông Quan (Cầu Giấy) sang tên cụ Trịnh Văn Bô, tuy nhiên, sau khi xem xét gia đình cũng chưa đồng ý.

"Chúng tôi không quan trọng việc con đường mang tên cụ Trịnh Văn Bô ngắn, dài hay nhỏ, đường xấu... mà gia đình rất ngại khi con phố đã có tên Đông Quan từ rất lâu giờ lại phải đổi sang tên cụ Trịnh Văn Bô.

Việc đổi tên có thể tốt ở sự vinh danh cho cụ, nhưng lại gây phiền hà cho nhân dân sống ở phố này khi phải thay đổi lại giấy tờ hành chính... Điều này trái ngược hoàn toàn với quan điểm sống của các cụ là không muốn gây phiền hà cho bất cứ ai", ông Lương nêu.

Con trai cụ Bô nhấn mạnh: "Bố mẹ tôi đã sẵn sàng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho Nhà nước rồi làm nhiều việc khác nữa cho cách mạng nên đặt tên đường không cần phải nhanh chóng quá mà cần nghiên cứu kỹ để đạt được sự hợp lý nhất, đảm bảo sự vinh danh đối với các cụ".

Ông bày tỏ, cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ là người gần gũi với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nên gia đình đề nghị, nếu đặt tên đường thì có thể gần các đường này.

"Tôi đã đề xuất với Hà Nội việc có một số tuyến đường mới đang được xây dựng nối giữa các đường Võ Chí Công - Võ Văn Kiệt với đường Phạm Văn Đồng thì có thể xem xét, đặt tên đường Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ.

Việc đặt này rất hợp với triết lý của các cụ là đường làm mới, chưa đặt tên, chưa có dân ở nên sẽ không gây phiền hà cho ai và cũng sạch sẽ, thoáng, sau này có xây dựng thì cũng quy hoạch gọn gàng...

Gia đình không quan trọng việc ngắn, dài hay không xứng tầm... mà chúng tôi mong con đường mang tên cụ có được sự gần gũi, quen thuộc", ông Lương đề xuất.

Về ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, nên đặt tên đường "ông bà Trịnh Văn Bô" thay cho việc đặt hai tên đường riêng, con trai cả của cụ Bô không đồng ý. Ông Lương nói, hai ông bà đều là người có đóng góp lớn cho cách mạng và được Nhà nước ghi nhận nên nếu đặt tên thì cần đặt riêng.

"Chính Bác Hồ lúc sinh thời cũng không hề gọi cô hay bà Bô mà đều gọi rõ là cô Minh Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi ghi nhận cũng nêu rõ công lao của cả cụ ông cùng cụ bà. Do đó, nếu đặt tên đường, gia đình đề nghị đặt riêng, không thể gộp được", ông Lương nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại