Hà Nội thí điểm cấm xe máy: Người dân than khó

HUY THANH - MAI SƠN |

Chuyên gia cho rằng lựa chọn thí điểm cấm xe máy trên tuyến đường nào thì phải xem xét các yếu tố phương tiện công cộng đã đủ hay hoạt động hiệu quả chưa.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, để thực hiện lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, TP đang nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng.

Hiện TP đang nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động.

Cấm theo hướng "vết dầu loang"

Ông Viện lý giải chủ trương dừng hoạt động xe máy từ năm 2030 tại các quận là một trong những nội dung của nghị quyết về tăng cường quản lý giao thông đường bộ được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 11 năm 2017.

Nghị quyết này nêu rõ chủ trương của Hà Nội là giảm tất cả các loại phương tiện giao thông cá nhân chứ không chỉ xe máy.

Việc cấm xe máy không tiến hành nóng vội mà sẽ được nghiên cứu thấu đáo để khả thi, bảo đảm điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của nhân dân ở khu vực liên quan. Trong quá trình xây dựng đề án, TP sẽ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng.

 Hà Nội thí điểm cấm xe máy: Người dân than khó  - Ảnh 1.

Mật độ tham gia giao thông ở tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương rất lớn Ảnh: HUY THANH

Ông Viện khẳng định khi cấm xe máy hoạt động ở tuyến phố Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, người dân có thể sử dụng xe buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa hoặc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện thay thế.

Cũng theo người đứng đầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thực tế việc TP Hà Nội cấm phương tiện giao thông hoạt động những ngày cuối tuần khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm cũng là từng bước thí điểm hạn chế phương tiện lưu thông trong nội thành.

Để tiến tới dừng hoạt động xe máy trong trung tâm TP vào năm 2030, TP sẽ thực hiện từng bước theo tuyến, theo khu vực theo hướng "vết dầu loang".

Ảnh hưởng hàng triệu người

Theo ghi nhận, tại 2 tuyến đường mà Hà Nội đang nghiên cứu để thí điểm cấm xe máy là Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi, mật độ tham gia giao thông rất lớn và thường ùn tắc vào giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Văn Hưng (45 tuổi, trú huyện Ứng Hòa) cho biết: "Vợ chồng tôi làm nghề buôn bán rau, hằng ngày chúng tôi cùng rất nhiều người dân trên địa bàn đưa hàng đến các chợ đầu mối ở trung tâm TP để giao hàng.

Đường Nguyễn Trãi là con đường ngắn nhất, huyết mạch để di chuyển hằng ngày. Chúng tôi không biết nếu cấm đường này thì việc làm ăn của bao nhiêu người dân buôn bán sẽ ra sao".

Cùng nỗi lo, bà Nguyễn Thị Tươi (54 tuổi, trú quận Hoàn Kiếm), chủ một đại lý phân phối bỉm sữa, cho biết hằng ngày bà phân phối hàng trên nhiều địa bàn của Hà Nội.

Đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi là cầu nối có thể di chuyển vào các vùng xa như Hà Đông, Ứng Hòa… nếu cấm xe máy sẽ rất khó khăn. Chưa kể dọc trên 2 tuyến phố này có những con ngõ rất nhỏ, chỉ có thể di chuyển bằng xe máy.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng nếu cấm xe máy quá sớm sẽ dẫn đến hàng triệu người không có phương tiện đi lại, trong khi các phương tiện công cộng chỉ đảm đương được từ 8% đến 10% nhu cầu, cùng lắm đến năm 2030 thì tăng được 20% đến 25%.

"Cấm 1 trong 2 con đường này là vô hình trung cấm hàng trăm con đường khác, như vậy là không khả thi và không thể cấm được" - ông Thủy nhận định.

Một chuyên gia quy hoạch giao thông cho biết xu hướng tất yếu của giao thông đô thị là chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng kết hợp cá nhân. Tuy nhiên, đó là khi vận tải công cộng phải được nâng cấp về chất lượng và năng lực vận chuyển.

Bên cạnh việc tái cấu trúc, tăng cường năng lực của các tuyến metro, xe buýt thì chính quyền phải triển khai song song các chính sách để hạn chế phương tiện cá nhân (không chỉ xe máy mà cả ôtô cá nhân).

"Cần xem xét ở những không gian nào thì xe máy được khuyến khích, đó là những nơi mà chỉ xe máy mới tiếp cận được. Ví dụ từ nhà ở trong ngõ ra các điểm trung chuyển, ga metro...

Trên những trục đường chính phải bảo đảm các phương tiện lưu thông với tốc độ cao thì cần xem xét hạn chế xe máy hoạt động. Giao thông Việt Nam hiện nay phải có sự kết hợp thay vì triệt tiêu cái này để cho cái kia tồn tại" - vị chuyên gia này phân tích.

Nghiên cứu dừng đăng ký xe máy mới

Theo ông Vũ Văn Viện, hiện nay Hà Nội có khoảng 6 triệu ôtô, xe máy và khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai gây áp lực lớn đến giao thông, môi trường và phải được kiểm soát.

Ông Viện cho rằng cùng với hạn chế xe máy, ôtô cá nhân trên một số tuyến phố, Hà Nội cũng đang cân nhắc nghiên cứu phương án dừng đăng ký xe máy tại nội thành. Nếu thực hiện việc dừng đăng ký xe máy, TP cũng sẽ đưa ra lấy ý kiến người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại