Dự thảo Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú của thành phố Hà Nội đang nhận được sự quan tâm, chú ý của đông đảo dư luận. Theo dự thảo, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2/người; tại 17 huyện và thị xã Sơn Tây 8 m2/người.
Theo nhiều ý kiến, Nghị quyết này cần thiết và cần sớm được ban hành, nhưng mới chỉ là một trong rất nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Trong khi đó, dự thảo còn một số nội dung chưa rõ ràng, cần có độ "mở" hơn và cần được nghiên cứu đánh giá tác động một cách toàn diện vấn đề dân số để có thể đưa vào thực tiễn.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, với mong muốn chất lượng sống (ăn, ở, đi lại, học hành) của người dân Thủ đô ngày càng được nâng cao thì điều kiện ở của người dân là một trong những yếu tố quan trọng. Bởi lẽ nếu chỗ ở quá chật chội, mất vệ sinh, không đảm bảo môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của người dân, nhất là với Thủ đô.
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội
Chính vì vậy, việc quy định diện tích tối thiểu khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người, khu vực nội thành là 15m2/sàn/người để có thể đăng ký thường trú tại Hà Nội là cần thiết, qua đó góp phần làm cho bộ mặt TP Hà Nội đẹp lên, bớt đi sự chật chội, nhếch nhác. Mặt khác, một số nghị quyết ban hành trước đây chưa dự báo được tình huống xuất hiện mới hoặc bất thường, vì vậy để phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay, thì việc ban hành nghị quyết này là vô cùng cấp thiết.
Tuy nhiên, bà Bùi Thị An đề nghị ban soạn thảo báo cáo đánh giá tác động khi nghị quyết có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân, ảnh hưởng thế nào đối với các huyện sắp lên quận. Nghị quyết cũng cần quy định rõ quyền lợi của người thường trú và tạm trú để tránh trường hợp liên tục tạm trú.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, vấn đề nan giải nhất của thành phố hiện nay là giảm dân số khu phố cổ. Từ năm 1995, Hà Nội đã đặt vấn đề giảm dân số ở khu vực này, sau đó đưa ra lộ trình và mục tiêu giãn dân nhưng "thất bại hoàn toàn".
"Để tránh lặp lại bài học này, cần đưa thêm quy định diện tích tối thiểu ở một số khu vực đặc thù như phố cổ hay các huyện được quy hoạch làm thành phố trực thuộc Thủ đô", ông Nghiêm đề xuất.
Còn theo luật sư Pham Minh Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, dự thảo nghị quyết của TP đương nhiên phải căn cứ theo luật, không thể trái luật nhưng dự thảo trên chưa phù hợp với Luật cư trú, cần phải xem xét lại. Việc không được đăng ký thường trú sẽ dẫn đến một số bất cập, đặc biệt là các thủ tục hành chính của người dân. Cụ thể, một vài thủ tục thường gặp như thủ tục khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, cấp căn cước công dân... và một số thủ tục thông thường như nhập học cho con, thế chấp ngân hàng đều cần dùng đến hộ khẩu thường trú.
Hà Nội là đô thị đặc thù nên cần có những cơ chế, chính sách riêng cho phù hợp với điều kiện TP. Tuy nhiên chính sách, cơ chế cũng cần đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật và thuận lợi cho người dân.
Dự kiến, dự thảo Nghị quyết sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội đầu tháng 7 này.
Vừa qua, tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức, thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết Nghị quyết số 11 ban hành năm 2023 của HĐND TP mới đề cập diện tích nhà ở cho thuê bình quân đầu người là điều kiện để thường trú, thực tiễn áp dụng còn khó khăn.
Trong khi đó, tình trạng dân số cơ học tiếp tục tăng nhanh cả ở nội và ngoại thành, nhất là khu vực nội đô lịch sử, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn thủ đô.
Hơn nữa, thời hạn áp dụng Nghị quyết 11 đã kết thúc vào ngày 31/12/2020, nên đòi hỏi cấp thiết ban hành Nghị quyết mới quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để đảm bảo việc thực thi Luật Cư trú 2020 có hiệu quả.