Hà Nội: Phấn đấu dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền điện tử

Phạm Linh |

Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về phát triển Chính quyền điện tử. Đặc biệt, 09 tháng đầu năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Chính quyền điện tử hướng tới phục vụ người dân nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch hơn

Chính quyền điện tử hướng tới phục vụ người dân nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch hơn

Tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử

Thành phố đã ban hành 22 danh mục cơ sở dữ liệu; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng TP Hà Nội năm 2021; Kế hoạch Phát triển hạ tầng Bưu chính - Viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, ngày 06/9/2021, UBND Thành phố phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội - xây dựng theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 với tầm nhìn “Đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử Hà Nội, đưa thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về phát triển Chính quyền điện tử, tạo tiền đề phát triển Chính quyền số, thành phố Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực”.

Đồng thời, Thành phố đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử TP Hà Nội để đảm bảo công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số thông suốt, liên tục, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

Hà Nội: Phấn đấu dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Hà Nội đề ra mục tiêu phát triển hạ tầng số - nền tảng xây dựng chính quyền số, kinh tế số

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội tiếp tục tăng cường triển khai mở rộng Hệ thống họp trực tuyến từ Thành phố đến tất các điểm cầu trực tuyến tại các Sở, cơ quan tương đương Sở, 30 Quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Đáng chú ý, Thành phố đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố tại các quận, huyện như: Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đông Anh, Quốc Oai, Thanh Trì, Hoàng Mai...

Bên cạnh các hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm... được duy trì, khai thác hiệu quả, Thành phố đã ban hành kế hoạch, các văn bản để khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; xây dựng, phát triển thương mại điện tử; triển khai hóa đơn điện tử, biên lai điện tử...

Đặc biệt, mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhưng Thành phố đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 thông qua các ứng dụng “Vietnam Health Declaration” “Bluezone” “NCovi” cài đặt trên diện thoại thông minh, thực hiện tiếp nhận TTHC trực tuyến tại Cổng dịch vụ trực tuyến của Thành phố, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ cá thể đối với các TTHC đã triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và qua Hệ thống bưu chính công ích.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, hiện nay, Thành phố đã triển khai xuyên suốt tất cả các nền tảng của Bộ TT&TT chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện, trong đó có 3 nền tảng chính là: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR code; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19...

Vừa qua, Sở TT&TT cũng đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an để triển khai hệ thống quản lý công dân vùng dịch qua hệ thống kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia.

Ngoài ra, Thành phố đã phát triển thêm các phần mềm quản lý F0, F1 để phân luồng tuyến các bệnh nhân F0 và khi F1 trở thành F0 sẽ được phân luồng vào các bệnh viện điều trị cho phù hợp. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang triển khai các hệ thống phần mềm giải đáp kiến nghị của công dân qua Tổng đài 1022.

Hà Nội: Phấn đấu dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Tổng đài 1022 - một kênh hỗ trợ công tác phòng, chống dịch hiệu quả của Hà Nội.

Tối ưu mức độ hài lòng người dân về giải quyết TTHC

Tính đến nay, Thành phố đang thực hiện giải quyết 1.685 TTHC cho người người dân, tổ chức và doanh nghiệp, đã tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến của Thành phố lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt tỷ lệ 31,02% - hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát và đề xuất các TTHC đáp ứng đủ yêu cầu điều kiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4, đảm bảo mục tiêu 100% cung cấp dịch vụ công mức độ 4 trong năm 2021, tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo đúng lộ trình và kế hoạch chung của Văn phòng Chính phủ.

Tại các Sở, ngành, quận, huyện để xây dựng, phát triển được Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, việc hoàn thiện hạ tầng CNTT được chú trọng, tăng kết nối trong xử lý công việc nội bộ và giải quyết TTHC, hình thành những “Công dân điện tử”.

Một số địa bàn đã xây dựng các nhóm Zalo để chỉ đạo điều hành rất hiệu quả, mỗi thông tin đưa lên nhóm lập tức có người xử lý. Các hoạt động nội bộ được chỉ đạo qua hệ thống quản lý văn bản - điều hành tác nghiệp có tích hợp chữ ký số; việc họp hầu hết được trực tuyến từ Thành phố đến tận phường, xã...

Hà Nội: Phấn đấu dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền điện tử - Ảnh 3.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ

Tại huyện Đan Phượng, vừa qua, đã khai trương 2 hệ thống phần mềm “thông tin báo cáo, chỉ đạo điều hành” và “tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp” xử lý kịp thời những bức xúc dân sinh, đồng thời để người dân giám sát công việc giải quyết của chính quyền.

Cùng với đó, một số đơn vị như quận Thanh Xuân, Tây Hồ đã tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thực hiện liên thông TTHC “Cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh” và “Cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế”, “Mô hình sử dụng biên lai điện tử trong việc thu phí, lệ phí tại Bộ phận Một cửa” tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện thủ tục.

UBND huyện Phú Xuyên đã triển khai phần mềm trực tuyến theo dõi đôn đốc nhiệm vụ của Huyện, liên thông các nhiệm vụ của Thành phố, huyện giao đến từng công chức của các phòng chuyên môn thuộc Huyện.

Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội cho biết, đơn vị đã trình UBND Thành phố phê duyệt Đề cương Đề án “Nghiên cứu, đánh giá và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Hà Nội”; Đề cương nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí phục vụ công tác khảo sát trực tuyến, thu thập thông tin, ý kiến của người dân về chất lượng cung ứng dịch vụ công” để nghiên cứu, nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Hà Nội.

Còn Bảo hiểm xã hội Hà Nội hiện đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trong đăng ký giao dịch điện tử cá nhân lĩnh vực bảo hiểm...

Thời gian tới, TP Hà Nội tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn Thành phố về Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Thành phố huy động các nguồn lực tài chính ưu tiên xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh; nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các cơ quan nhà nước của Thành phố.

Chủ động, tăng cường các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển Chính quyền số; tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, liên kết, phối hợp, chia sẻ các cách làm mới, sáng tạo trong triển khai Chính quyền điện tử, Chính quyền số với các tỉnh, thành phố trong nước và các thành phố, đô thị phát triển trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại