Hà Nội: Nhà dân gần cầu đang xây bị lún, nứt, ở trong nhà như ngoài trời

Gia Chính |

Đã 9 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, nhưng đến nay, cây cầu dài gần 200m vẫn chưa thể hoàn thành khiến người dân sinh sống tại đây gặp nhiều khó khăn.

 Người dân khổ sở vì cây cầu chỉ 200m làm gần thập kỷ chưa xong.

Có nhà nhưng phải đi thuê

Năm 2008, sau khi sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây về với Hà Nội, chính quyền thành phố có chủ trương xây dựng một cây cầu bắc qua sông Đáy nối hai huyện Chương Mỹ - Ứng Hòa để thay thế việc di chuyển bằng phà. 

Hà Nội: Nhà dân gần cầu đang xây bị lún, nứt, ở trong nhà như ngoài trời - Ảnh 3.

Công trình cầu Hòa Viên được khởi công từ năm 2009 đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Tháng 8/2009, cầu Hòa Viên được khởi công xây dựng với kinh phí 54,290 tỷ đồng từ 100% ngân sách nhà nước. 

Cầu có chiều dài 189m, khổ cầu cao 8m, 6 dầm nhịp đường cầu được thiết kế theo chuẩn đường cấp 4. 

Theo dự kiến, cầu sẽ hoàn thành trong vòng 18 tháng (nếu đơn vị thi công nhận được toàn bộ mặt bằng sạch), tức đến tháng 2/2011 sẽ hoàn thành.

Để thi công cây cầu này, BQLDA đã phải di dời một số hộ dân nằm trên đường đi của cầu. Việc giải phóng mặt bằng các hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp không gặp nhiều vướng mắc. Toàn bộ hành lang cầu Hòa Viên theo đúng thiết kế đã đảm bảo trước khi khởi công xây dựng. 

Hà Nội: Nhà dân gần cầu đang xây bị lún, nứt, ở trong nhà như ngoài trời - Ảnh 5.

Nhà chị Đào Thị Phương bị nứt lớn trước khi phải phá đi do không thể ở.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công có 7 hộ dân nằm trong khu vực phụ cận bị ảnh hưởng gián tiếp do quá trình khoan nhồi cọc bê tông.

Cụ thể, từ năm 2014, sau một thời gian dài chịu sự tác động của việc xây dựng công trình. Nhà của 7 hộ dân này xuống cấp trầm trọng, những vết nứt dọc, ngang xuất hiện quanh các ngôi nhà. 

Đặc biệt, gia đình chị Đào Thị Phương có nhà nhưng phải đi thuê bởi không thể sống trong ngôi nhà có những vết nứt lớn.

"Từ thời điểm xây dựng trụ cầu, nhà tôi xuất hiện nứt nẻ, việc xây dựng càng gần vào bờ, vết nứt ngày càng lớn khiến gia đình tôi không dám ở. Tôi phải đi thuê nhà cách nơi ở cũ 6km nên các cháu đi học rất xa", chị Phương bức xúc nói.

Hà Nội: Nhà dân gần cầu đang xây bị lún, nứt, ở trong nhà như ngoài trời - Ảnh 6.

Sau 9 năm cầu Hòa Viên vẫn chưa hoàn thành.

Cũng tương tự như nhà chị Phương, ngôi nhà 5 gian của thương binh Hồ Quý Nam (sinh năm 1947) chi chít vết nứt nẻ, nền gạch hoa vỡ toác vì đất lún. Những ngày mưa, nước dột qua các khe nứt, nên ngồi trong nhà mà ông Nam tưởng như đứng ngoài trời.

Dù vậy, do không thể chuyển đi đâu nên gia đình ông đành chấp nhận cảnh... sống chung với nhà nứt.

Người thương binh than thở: "Thi công kéo dài khiến những người sống ở đây bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi cứ nghĩ cầu xây lên sẽ giúp phát triển kinh tế, không ngờ lại mang tới bao hệ lụy như vậy".

Hà Nội: Nhà dân gần cầu đang xây bị lún, nứt, ở trong nhà như ngoài trời - Ảnh 7.

Nhà bà Trương Thị Vận gạch hoa bị bỡ nát.

"Tôi sống ở đây thấy họ cho rất ít công nhân làm việc, có thời điểm công trường bỏ không chỉ có một hai người ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ", bà Trương Thị Vận cho biết.

Là một người thường xuyên phải chở hàng qua tuyến đường này, anh Nguyễn Xuân Tuynh cho biết, cây cầu Hòa Viện xây nhiều năm vẫn chưa xong, nên anh  phải đi cầu tạm để qua sông.

Bởi theo anh Tuynh, nếu không đi cầu tạm, anh sẽ phải đi bằng đường khác, vừa xa, lại vừa phải mất phí 10.000 đồng cho đội xây dựng.

Hà Nội: Nhà dân gần cầu đang xây bị lún, nứt, ở trong nhà như ngoài trời - Ảnh 8.

Một cây cầu phụ được xây dựng để người dân đi tạm trong thời gian đợi cầu mới.

BQLDA quyết tâm hoàn thành cầu trong năm 2017

Theo BQLDA, cây cầu dự kiến hoàn thành trong 18 tháng nhưng hơn 9 năm vẫn chưa thể bàn giao là do việc giải phóng mặt bằng tại địa phương gặp nhiều vướng mắc.

Từ năm 2009, đơn vị thi công chủ yếu làm xây dựng trên phần lòng sông. Đến năm 2014, khi làm dầm cầu trên phần đất liền, nhà của một số hộ dân bị ảnh hưởng. Do vậy, việc thi công buộc phải dừng lại.

"Trong quá trình thi công công mố M0 và trụ T1 trên địa bàn Chương Mỹ, một số ngôi nhà dân đã xuất hiện các vết nứt, xô mái ngói. Nguyên nhân có thể do địa chất phần đất ven sông yếu, cộng với việc máy đầm liên tục", BQLDA giải thích.

Sau khi xuất hiện hiện tượng nứt, xô mái ngói nhà dân, BQLDA, chính quyền địa phương cùng các hộ nhân đã nhiều lần họp bàn, thống nhất phương án giải quyết.

Trong một thời gian dài, hai bên không thể thống nhất. Mãi đến giữa năm 2017, các hộ dân bị ảnh hưởng mới đồng ý phương án mà BQLDA đưa ra, đồng thời đồng ý để nhà thầu tiếp tục thi công.

Ở thời điểm hiện tại, BQLDA cho biết, đã thi công hoàn thành 5/5 trụ, 6/6 nhịp dầm, hoàn thành cơ bản đường lòng cầu. Trong thời gian tới sẽ dồn toàn bộ lực lượng để hoàn thành tiến độ xây dựng trong năm 2017.

Hà Nội: Nhà dân gần cầu đang xây bị lún, nứt, ở trong nhà như ngoài trời - Ảnh 9.

Nhiều nhà cao tầng đang xây dựng nằm sát thành cầu.

Ông Nguyễn Xuân Thanh (phó giám đốc BQLDA) cho biết: "Mặc dù, dự án này năm nay chưa được thành phố ghi vốn song Ban QLDA sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, quyết tâm đôn đốc nhà thầu thi công hoàn thành công trình trong năm 2017 và tiếp tục kiến nghị thành phố ghi bổ sung vốn để hoàn thành công trình".

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Phó chủ tịch UBND xã Hòa Chính) bày tỏ mong muốn, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm ổn định cuộc sống của người dân hai bên chân cầu.

"Từ năm 2015, chúng tôi bằng nhiều cách đã vận động bà con để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Nói chung, người dân ở đây chấp hành chủ trương, số ít hộ dân còn lại nay cũng đã chấp nhận đền bù.

Chúng tôi cũng thông tin để bà con thông cảm cho BQLDA về tiến độ của công trình và mong muốn cây cầu sớm hoàn thành để ổn định cuộc sống người dân", ông Sơn nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại