Hà Nội: Nghịch lý thị trường ảm đảm, người mua mong giá hạ, chủ đầu tư vẫn tăng giá biệt thự liên tục

Hải Nam |

Mặc dù thanh khoản chững lại, một số chủ đầu tư vẫn mạnh tay tăng giá biệt thự trong những lần ra hàng. Trong khi đó, nhà đầu tư và người mua ở thực vẫn kỳ vọng về mức giá biệt thự, liền kề giảm sâu.

Hà Nội: Nghịch lý thị trường ảm đảm, người mua mong giá hạ, chủ đầu tư vẫn tăng giá biệt thự liên tục - Ảnh 1.

Theo báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường, giá sản phẩm thấp tầng bao gồm biệt thự và liền kề, shophouse đều tăng giá.

Báo cáo của Savills Việt Nam ghi nhận, trong quý III/2023, giá biệt thự sơ cấp trung bình tăng 3% theo quý. Giá nhà liền kề đồng thời tăng 9% theo quý. Giá shophouse đồng thời ghi nhận mức tăng 6% theo quý.

Nguyên nhân của việc giá nhà thấp tầng vẫn neo cao chót vót, theo Savills là bởi tình trạng hàng tồn kho giá cao đẩy giá sơ cấp của loại hình này tăng. Cùng với đó, thị trường đang “đói” nguồn cung trầm trọng. Cụ thể, trong quý III, nguồn cung mới phân khúc thấp tầng giảm 76% theo quý và 94% theo năm.

Hà Nội: Nghịch lý thị trường ảm đảm, người mua mong giá hạ, chủ đầu tư vẫn tăng giá biệt thự liên tục - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Còn theo báo cáo của JLL Việt Nam, trong quý III, thị trường nhà liền thổ (biệt thự, nhà liền kề, nhà phố) Hà Nội tăng giá nhưng vẫn tiếp tục kéo dài trạng thái "ngủ đông". Các chủ đầu tư thận trọng, không còn tích cực mở bán rầm rộ như trước.

Ở góc độ là đơn vị trực tiếp phân phối sản phẩm thấp tầng, ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND cho rằng, sản phẩm thấp tầng tại Hà Nội trong thời gian cuối 2022 và đến thời điểm hiện tại 2023 vẫn khan hiếm nguồn cung. Số lượng dự án mới chào bán ra không nhiều. Trong khoảng thời gian 2-3 tháng trở lại đây, chủ đầu tư chỉ dè dặt ra hàng. Số lượng giao dịch chủ yếu tập trung ở nội đô Hà Nội còn đa số thị trường tỉnh vẫn còn trầm lắng.

Ông Thành nêu dẫn chứng thanh khoản tại một số dự án. Đơn cử, các sản phẩm shophouse trong tầm giá 16-20 tỷ vẫn có giao dịch với các sản phẩm hiện hữu và đầy đủ về mặt pháp lý.

Các phân khúc nhà ở thấp tầng 26-45 tỷ mặc dù vẫn có giao dịch nhưng số lượng giao dịch chậm chưa như kỳ vọng của chủ đầu tư. Điển hình như ở phía Tây Hà Nội, có dự án nằm phía ngoài vành đai 3, giá biệt thự dao động trong khoảng trên 28 tỷ. Với đơn giá trên 160 -170 tr/m2, số lượng bán chưa được như kỳ vọng.

Một số dự án khu vực phía Tây gần Mỹ Đình thời gian mới đây cũng đã mở bán lại. Song, số lượng căn mở bán cũng chỉ đang ở mức thăm dò thị trường. Tại dự án này, lượng giao dịch khá khả quan do mức giá được khách hàng đánh giá là chấp nhận được, dao động ở mức 135-140 triệu/m2 đối với một căn song lập 126m2. Tổng giá sau khi trừ chiết khấu khoảng 18-19 tỷ. Hoặc những căn vị trí đắc địa và đẹp mặc dù tổng tiền lên tới 45 tỷ vẫn có giao dịch. Sau 10 ngày ra hàng cũng đã bán được 1/3 bảng hàng trên tổng 29 căn.

“Nói chung, tại thời điểm này, số lượng giao dịch chủ yếu phục vụ nhu cầu thực, mức giá phải chăng, hiện hữu và pháp lý sạch”. Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận: “Mặc dù thị trường thấp tầng như liền kề, biệt thự thiếu hụt nguồn cung nhưng khi các chủ đầu tư ra hàng thì giá lại không hề như kỳ vọng của khách hàng ở thực và nhà đầu tư. Tức người mua kỳ vọng giá thấp nhưng chủ đầu tư khi ra hàng lại chào ở mức giá cao hơn”.

Theo ông Thành: “Dù thị trường chững lại song trong thời điểm “đất chật người đông” ở Hà Nội, giá biệt thự, liền kề, shophouse vẫn có giao dịch. Và giá vẫn có xu hướng đi lên. Việc lãi suất ngân hàng giảm sâu cũng là động lực khiến cho người mua xuống tiền”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại