Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại

Lộc Liên - Ngọc Anh |

Việc bắt gặp hình ảnh một con chó đeo rọ theo đúng yêu cầu của Nghị định 90/2017/NĐ-CP chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi chó không rọ mõm, thiếu dây xích chạy loạn, nhởn nhơ trong công viên hay đường phố mùa dại thì nhan nhản.

Những vụ việc thương tâm vì chó không đeo rọ mõm

Ngày 3/3/2020, một giáo viên thể dục ở Yên Thành, (Nghệ An) tử vong vì bị chó cắn, gần 2 tháng sau bé trai 7 tuổi trên địa bàn huyện này cũng bỏ mạng vì nguyên nhân tương tự.

Trước đó, vụ việc bé bé trai 7 tuổi ở Kim Động (Hưng Yên) tử vong vì bị đàn chó 10 con tấn công bất chấp sự có mặt của người lớn vào đầu tháng 4/2019 từng gây xôn xao dư luận.

Cũng trong tháng 4/2019, hai cha con trú tại Lương Sơn (Hòa Bình) được xác nhận tử vong do bị chó nhà nuôi cắn và một bé trai 7 tuổi ở Đại Từ (Thái Nguyên) bị chó lai cắn phải cấp cứu khâu 200 mũi nhưng do bị đa chấn thương, cháu bé đã không qua khỏi.

Đến tháng 7/2019, Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk thông tin về việc một bé 10 tuổi trên địa bàn tỉnh bị chó nhà hàng xóm cắn và tử vong sau đó một thời gian.

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính đến tháng 8/2019 cả nước ghi nhận 46 ca tử vong vì bệnh dại tại 24 tỉnh thành phố.

Còn theo báo cáo đầu năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mỗi năm có tới 400-500 ngàn người Việt bị chó cắn và phải đi điều trị dự phòng. Tổng đàn chó của cả nước hiện lên tới khoảng 5,4 triệu con ở 3,5 triệu hộ nuôi ( thường được nuôi thả rông) nhưng chỉ có 2,1 triệu con (39%) được tiêm phòng.

Do đó tình trạng chó cắn người khá phổ biến, gây nên nỗi lo sợ cho người dân và tổn phí về tiêm phòng, điều trị sau phơi nhiễm.

Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 1.
Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 2.

Chó không đeo rọ mõm, dây xích trong công viên Thống Nhất.

Những dẫn chứng nêu trên chỉ là một số trong rất nhiều trường hợp đáng tiếc liên quan đến chó dại thả rông, không đeo rọ mõm và không có người giám sát xảy ra khiến Nghị định 90/2017/NĐ-CP (ban hành ngày 31/07/2017) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y của Chính phủ được quan tâm hơn bao giờ hết.

Theo đó, tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 quy định: “Phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”.

Như vậy, chó dù có người dắt mà không được đeo rọ mõm thì chủ nuôi sẽ bị phạt tiền.

Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 3.
Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 4.

Một loại chó dữ được chủ thả rông trong công viên.

Đặc biệt, chia sẻ với Tiền Phong trong vụ việc bé trai tử vong vì bị chó dại cắn ở Hưng Yến, luật sư Lê Hằng (Công ty luật TAT Law Firm) cho biết: “Trường hợp chó không rọ mõm, cắn người gây thương tích tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tích 61% trở lên, chủ nuôi chó có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” theo Điều 295 Bộ luật hình sự 2017.

Cụ thể, mức hình phạt được quy định là phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 05 năm”.

Chó không rọ mõm, thiếu dây xích nhan nhản trong mùa dại và câu chuyện về ý thức

Đặt ra chế tài là một chuyện, còn việc các chủ nuôi chó có thực hiện đúng theo Nghị định trên hay không lại là một câu chuyện khác.

Bởi dễ dàng nhận thấy đến thời điểm hiện tại, việc bắt gặp hình ảnh một con chó theo đúng yêu cầu của Nghị định 90/2017/NĐ-CP với nhiều người chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi chó không rọ mõm, chẳng có dây xích chạy loạn, nhởn nhơ trong công viên hay đường phố thì nhan nhản.

Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 5.
Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 6.
Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 7.

Nhiều người dân lo ngại về việc chó không rọ mõm, dây xích được thả rông nhan nhản trong mùa dại.

Đơn cử như tại công viên Thống Nhất, vào mỗi buổi chiều, không khó để tìm ra các chú chó cưng thuộc đủ dòng chó dữ như Pit bull, Becgie, Husky, Alaska…được chủ nuôi thả rông.

Bày tỏ quan điểm về việc không đeo rọ mõm cho thú cưng, chị Nguyễn Hà Anh (một chủ nuôi chó ở Hà Nội) cho rằng: “Bình thường tôi không để ý đến việc rọ mõm, tôi cảm thấy như vậy khá bí bách cho “con” (thú cưng) của mình.

Tôi là người yêu động vật, đặc biệt là chó nên muốn chăm sóc và tạo điều kiện thoải mái nhất cho “con”.

Với lại tôi luôn cho “con” đi tiêm định kì để tránh bị các bệnh dại hay nhiễm khuẩn khác. Tôi nghĩ khi chó tiêm đúng hạn thì sẽ không gây hại cho những người xung quanh, nên tôi không quan trọng vấn đề rọ mõm lắm”.

Trái ngược với ý kiến nêu trên, bạn Nguyễn Vân Anh (Thái Bình) bày tỏ: “Nhà tôi cũng nuôi chó, 1 con husky lớn. Dù rất yêu chó nhưng thực sự vì nó quá to nên tôi cũng phải cảnh giác bởi hồi nhỏ vì bất cẩn nên bị chó cắn và bây giờ vẫn rất ám ảnh.

Do đó, thông thường khi dắt chó ra ngoài, tôi luôn đeo rọ mõm và buộc dây xích cẩn thận bởi chính bản thân tôi còn e dè thì những người xung quanh chắc chắc sẽ rất sợ”.

Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 8.

Đồng quan điểm với Vân Anh, nhiều người cũng cho rằng các chủ nuôi chó, mèo cần phải hết sức nghiêm túc trong việc thực hiện theo đúng Nghị định 90/2017/NĐ-CP bằng cách đeo rọ mõm, buộc dây xích và dắt chó khi ra đường, nhất là trong mùa cao điểm của bệnh dại (tháng 5 đến tháng 8 hàng năm) hiện nay.

Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 9.

Chó không rọ mõm ở khu vực hồ Thiền Quang.

Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 10.

Chó thả rông trên đường Đê La Thành.

Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 11.

Chó nhởn nhơ ngoài đường ở khu Mai Dịch (Cầu Giấy).

Đồng thời, theo ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ( phát biểu tại Hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc Việt Nam vào tháng 8/2019) thì phòng bệnh bằng vắc xin dại cho người và động vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người; nhận thức và tham gia của cộng đồng là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong công tác phòng chống bệnh dại.

Bởi lẽ, quy định, chế tài và bài học về việc phòng, chống dại chúng ta đã có quá nhiều nhưng việc thực hiện được hay không lại phụ thuộc phần lớn vào ý thức của các chủ nuôi và cộng đồng. Đừng để hồi chuông cảnh báo về việc thả rông, không đeo rọ mõm, dây xích cho chó, mèo được rung lên bằng một sự việc đáng tiếc nào nữa.

Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 13.

Chó được đeo rọ mõm và có dây xích ở công viên Thống Nhất.

Hà Nội: Chó dữ không rọ mõm thả rông nhan nhản trong mùa dại  - Ảnh 14.

Mặc dù được đeo rọ mõm nhưng chú chó này không có dây xích và vẫn tỏ ra vô cùng hung dữ, có thể gây nguy hiểm cho người đi đường.

Theo chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương năm 2018, bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật.

Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như tiêm vắc xin dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn, bên cạnh đó cần quản lý tốt đàn chó, và tiêm vắc xin cho chó.

Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút,nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch -đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại