Vì thế, quy định xử phạt nghiêm chủ chó không đeo rọ mõm cho con vật hoặc không buộc xích mà đưa ra nơi công cộng (thực hiện từ ngày 15/9) rất được người dân ủng hộ.
Chưa thấy ai bị xử phạt chưa thực hiện
Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác có hiệu lực từ ngày 15/9/2017.
Theo đó, nếu không đeo rọ mõm cho chó hoặc không buộc xích mà đưa ra nơi công cộng, chủ con vật sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng...
Dù nghị định đã có hiệu lực được gần 1 tuần nhưng đi trên đường phố Hà Nội vẫn dễ dàng bắt gặp tình trạng chó đi ngoài đường không đeo rọ mõm, dù có người dắt hay không.
Chiều tối 19/9 tại khu vực bờ Hồ có một vài chú chó chạy tung tăng không đeo rọ mõm mà chẳng biết chủ chúng là ai.
Quan sát tại công viên Thống Nhất chiều tối ngày 18/9 cũng có không ít người dắt chó đi dạo mà không đeo rọ mõm cho chó.
Hỏi chuyện bà Hà, người đang dắt chó đi dạo rằng bà có biết gì về nghị định mới xử phạt chủ chó vi phạm, bà Hà nói mấy ngày qua bà cũng nghe báo đài thông tin.
Tuy nhiên, nhiều luật của mình cứ quy định cho có sau có thấy thực hiện đâu.
“Cả ngày chó nhà tôi phải quanh quẩn ở nhà rồi, rảnh rỗi một tí tôi dắt nó ra công viên dạo cho thoáng, lại bắt nó đeo rọ mõm thì tù túng tội cho nó lắm.
Chó nhà tôi lành có cắn ai bao giờ đâu, hơn nữa tôi dắt nó chứ có thả rông đâu mà gây nguy hiểm cho mọi người. Tôi cứ chờ xem khi nào có người bị xử phạt, tôi mới đeo rọ mõm cho chó của mình” - bà Hà nói.
Suy nghĩ của bà Hà cũng là suy nghĩ của không ít người nuôi chó hiện nay, rằng cứ chờ xem nếu có người bị xử phạt thì mới thực hiện.
Khi bà Hà vừa đi khỏi, tôi hỏi chuyện chị Lan Anh, người đang đi bộ tập thể dục tại công viên, chị Lan Anh không giấu nổi bức xúc:
“Hồi bé tôi từng bị chó cắn phải đi tiêm phòng nên giờ cứ nhìn thấy chó tôi sợ lắm. Tôi đã nghe thấy những lời bà Hà vừa nói, tôi thấy cách suy nghĩ của bà ấy thật ích kỷ.
Bà ấy chỉ biết nghĩ tới chó của mình mà chẳng nghĩ cho mọi người. Chủ nào mà chẳng nói chó nhà mình hiền, nhưng bản chất giống chó là hung dữ, có thể cắn bất cứ người lạ nào mà nó gặp.
Bao nhiêu người đã thiệt mạng vì chó dại nên không phải tự nhiên mà có cái Nghị định 90 đó. Đã là quy định của pháp luật thì từng cá nhân nên có ý thức chấp hành, chứ cứ đợi người khác làm mình mới làm thì đến bao giờ luật mới đi vào cuộc sống”.
Cần tuyên truyền để dân hiểu
Nghị định 90 không phải là quy định mới mà “chuyển tiếp, bổ sung, sửa đổi nghị định cũ” và có tăng một số hình phạt, trong đó có việc xử phạt chó thả rông, không đeo rọ mõm.
Tại TPHCM, từ hàng chục năm nay, trong chiến dịch phòng chống bệnh dại, hạn chế tai nạn giao thông và giữ gìn vệ sinh môi trường do chó gây ra, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Chi cục Thú y đã triển khai lực lượng chuyên bắt chó chạy rông.
Lực lượng này lái xe ô tô chuyên dụng tuần tra trên những tuyến đường tại 14 quận, huyện trên địa bàn thành phố để bắt chó chạy rông.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, Chi cục Thú y TPHCM bắt giữ được 58 chó thả rông thì có 40 trường hợp chủ nuôi chó đến nhận lại. Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TPHCM cho biết, chó bị bắt giữ sẽ được nhốt tại địa chỉ 252 Lý Chính Thắng, quận 3, TPHCM trong vòng 72 giờ để chủ có thể liên hệ nộp phạt theo từng hành vi vi phạm theo Nghị định 90 để nhận lại chó.
Ông Đoàn Hồng Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, cho rằng, theo Nghị định 90/2017, Chi cục có thẩm quyền xử phạt nhưng thẩm quyền chính là thuộc về chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo quận Long Biên (Hà Nội) trước mắt quận chưa xử phạt mà tập trung tuyên truyền để người dân thực hiện theo luật. Thời gian sau đó sẽ xử phạt những người cố tình không chấp hành.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng Đoàn Luật gia TPHCM cho rằng, việc tăng mức xử phạt chưa đủ mà quan trọng nhất là khâu thực hiện. Trước mắt cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ quy định phát luật để họ nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật thay vì tìm cách đối phó./.
Theo báo cáo của Cục Thú y, tại Việt Nam trung bình mỗi năm có trên 70 người chết vì bệnh dại và gần 400.000 người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế điều trị, gây tốn kém cho người dân khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2016, cả nước đã ghi nhận trên 411.000 người bị chó cắn, 91 người tử vong tại 28 tỉnh thành, tăng 13 ca so với năm 2015; riêng trong 3 tháng đầu năm 2017 đã có 12 người tử vong do bệnh dại tại 8 tỉnh, thành phố.
Theo Nghị định 90 sẽ phạt từ 600.000 - 800.000 đồng đối với hành vi: Không tiêm vắc - xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt ra nơi công cộng. Chó thả rông sẽ bị bắt sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ đem đi tiêu hủy hoặc đưa vào các tổ chức cứu hộ động vật.