Bắt đầu từ hôm nay (11/1), thành phố Hà Nội cấm xe taxi công nghệ Uber, Grab như taxi truyền thống lưu thông trên 11 tuyến đường ở những khu vực thường xuyên bị ùn tắc giao thông.
Quyết định này nhận được sự đồng tình của người dân và các hãng taxi truyền thống.
Đây cũng được xem là biện pháp tình thế để Hà Nội tổ chức giao thông tốt hơn, trong khi thành phố chưa đầu tư được kết cấu hạ tầng giao thông tương xứng với lưu lượng phương tiện thực tế.
Từ hôm nay đến 11/2/2018, tức là trong thời gian 1 tháng, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ lắp đặt biển cấm đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại 11 tuyến phố là: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều từ đường Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy và đường Giải Phóng.
Như taxi, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ - trong đó có Grab, Uber sẽ không được lưu thông trên các đường nói trên trong các khung giờ từ 6-9h và 16h30-19h30.
Cũng từ hôm nay, 2 tuyến đường là Mai Xuân Thưởng và Hoàng Hoa Thám sẽ không cấm taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ như trước đây.
Sở Giao thông thành phố Hà Nội cũng gửi văn bản đến đơn vị quản lý xe Uber, Grab để ngừng kết nối trong thời gian và vị trí cấm theo quy định hiện hành.
Cùng với việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe, việc cấm Uber, Grab được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông trong nội đô thành phố.
Bà Vũ Thị Thanh ở số nhà 48 phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: "Tôi thấy ở đây hay ùn tắc giao thông lắm.
Việc cấm xe ô tô như vậy là đúng, tạo thuận lợi hơn cho người dân đi lại. Quy định rõ giờ nào được đi, giờ nào không được đi thì người dân sẽ biết để xử lý".
Hiện nay, Hà Nội có trên 15.000 taxi công nghệ được cấp phép thí điểm, trong đó có 11.400 xe Grab và 2.400 xe Uber.
Việc cấm các loại xe hợp đồng tại một số tuyến phố trung tâm sẽ giảm phương tiện cá nhân vào nội đô, giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Vì vậy, Hà Nội chủ trương không mở rộng đơn vị mới, tăng thêm số lượng phương tiện.
Anh Trần Văn Hải, tài xế xe taxi Group Hà Nội nói: "Tôi thấy Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra biện pháp cấm thế này là tương đối hợp lý để sự cạnh tranh giữa hai bên taxi công nghệ và taxi truyền thống lành mạnh hơn.
Như trước đây, cấm taxi truyền thống mà không cấm Uber, Grab khiến chúng tôi rất bức xúc. Trong giờ cấm đó, chúng tôi mất rất nhiều khách vì các hãng taxi công nghệ kia họ vẫn được hoạt động".
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đối với loại hình phương tiện vận tải Uber, Grab, cần xác định những biện pháp quản lý như taxi.
Sở đang xem xét phương thức để quản lý được toàn bộ phần mềm ứng dụng mà các đơn vị đang quản lý, sử dụng trong hoạt động của các phương tiện taxi công nghệ.
Việc sử dụng ứng dụng phần mềm phải kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện.
Biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ vừa được gắn tại ngã tư Hàng Bài-Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. |
Hiện nay, xe taxi Uber, Grab được xác định là xe hợp đồng nên không có quy định hạn chế và quy định quản lý cũng chưa rõ ràng.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị điều chỉnh Nghị định 86, quy định một số điều về quản lý phương tiện vận tải.
Ngoài việc cấm một số tuyến đường như taxi truyền thống theo biển báo như hiện nay, việc quản lý loại hình vận tải Uber, Grab cũng sẽ được UBND thành phố Hà Nội tổ chức chặt chẽ hơn bằng các biện pháp như: Tăng cường kiểm tra, xử phạt các vi phạm về giao thông; quy định bắt buộc xe Uber, Grab phải đăng ký giá khi vận chuyển hành khách, thay vì “thả nổi” như hiện nay.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nói: "Việc bổ sung quy định cấm lưu thông tại một số tuyến đường đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ để đảm bảo quy định của chúng ta công bằng giữa quản lý xe Uber, Grab với xe taxi truyền thống, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.
Điều này cũng nhằm thực hiện đúng đề án quản lý phương tiện giao thông của thành phố.
Trong 10 ngày đầu, chúng tôi sẽ chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để anh em lái xe ý thức được việc này. Sau đó, chúng tôi sẽ kiểm tra để xử lý theo những vi phạm như đối với xe taxi khác".
Mặc dù đã có biển cấm, nhưng sẽ khó xử phạt xe Uber, Grab đi vào đường cấm hoặc giờ cấm vì khó nhận diện xe taxi công nghệ.
Theo quy định, xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải dán phù hiệu. Tuy nhiên, việc dán phù hiệu ở vị trí nào, kích cỡ là bao nhiêu, màu sắc như thế nào thì chưa có quy định cụ thể.
Vì vậy, tài xế thường không dán phù hiệu hoặc dán ở những chỗ khó phát hiện.
Để các lực lượng chức năng thuận lợi hơn trong việc xử lý tài xế Uber, Grab vi phạm khi đi vào đường cấm, giờ cấm, cần có quy định cụ thể về điều kiện quản lý đối với loại hình phương tiện này./.