Hà Nội: Bữa cơm chỉ có rau suốt nhiều tháng của 2 chị em khiếm thị

Mạnh Mường |

Cô Đỗ Thị Luyện (1967) và em gái là Đỗ Thị Út (1972) ở cụm 6 xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội là hai người mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Xã Hiệp Thuận ngày mưa gió sụt sùi, rét run. Bước qua cánh cổng gỗ cũ kỹ chừng như mục ải, không có một âm thanh nào của chủ nhà đáp lại lời chúng tôi.

Trước mắt chúng tôi là một căn nhà cấp 4 nằm gọn trên mảnh vườn cỏ mọc um tùm, rêu xanh đã phủ đầy nền sân gạch bát.

Ông Đàm Quyết Tiến – Chủ tịch Hội người mù huyện Phúc Thọ gọi lớn một hồi mới thấy hai người phụ nữ mò mẫm, tay quờ quạng, lần từng bậu cửa bước ra đáp lời.

Họ không nhìn thấy chúng tôi, chỉ nhận biết qua lời nói, qua tiếng động, âm thanh...!

"Bác Tiến chủ tịch Hội phải không ạ? Mời các bác vào nhà". Một trong hai người phụ nữ lên tiếng, đã nhận ra giọng người quen.

Hà Nội: Bữa cơm chỉ có rau suốt nhiều tháng của 2 chị em khiếm thị - Ảnh 1.

Ông Đàm Quyết Tiến – Chủ tịch Hội người mù huyện Phúc Thọ thăm hỏi, trò chuyện cùng hai hội viên của mình.

Qua lời chào hỏi, giới thiệu, cả hai bên biết hơn về người trong cuộc nói chuyện. Biết có thêm khách lạ là chúng tôi, hai người phụ nữ ấy có vẻ dè dặt và ít nói hơn.

Cô Đỗ Thị Luyện (1967) chính là chị ruột của cô Đỗ Thị Út (1972), hai chị em là thành viên Hội người mù huyện Phúc Thọ đã nhiều năm nay.

Hà Nội: Bữa cơm chỉ có rau suốt nhiều tháng của 2 chị em khiếm thị - Ảnh 2.

Cô Đỗ Thị Luyện (áo xám màu), cô Đỗ Thị Út (áo xanh đậm) sống mò mẫm, côi cút từ lâu.

Nghe nói, hai cô bị mắt kém từ nhỏ, rồi dần dần bị mù hẳn. Đến nay, ngày cũng như đêm, tất cả với hai người phụ nữ này chỉ có một màu đen bao trùm.

Cha mẹ của hai cô đều mất cả. Anh em họ hàng cũng có nhưng đều đi làm ăn xa, lâu lắm không gặp được. Hai chị em sống trong bóng tối chỉ biết dựa dẫm vào nhau.

Cuộc sống hàng ngày của cô Đỗ Thị Luyện và cô Đỗ Thị Út chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà cũ với mảnh vườn nhỏ chừng hơn 60m2.

"Ngày xưa tôi có đi bán tăm, kiếm thêm thu nhập, rồi còn hay chợ búa, nhưng giờ đường xá đông đúc lắm, xe cộ nườm nượp, mình thì mù nên rất sợ", chia sẻ của cô Đỗ Thị Luyện.

Hiện tại, cả hai chị em cô đều là Hội viên Hội người mù huyện Phúc Thọ. Mỗi tháng được nhận khoản trợ cấp 500.000đ/người. Toàn bộ chi phí sinh hoạt từ lớn đến nhỏ hoàn toàn chỉ dựa vào khoản trợ cấp này.

Hàng ngày, hai cô lấy việc nhổ cỏ, chăm sóc đám rau ngoài vườn vừa là thú vui, vừa để có nguồn cung cấp thực phẩm chính.

Cũng quá lâu rồi, hai cô không ăn thịt dù không phải có ý ăn chay, chỉ là vì sống nghèo từ bé cùng cha mẹ nên ăn rau mãi thành quen.

Hai cô cũng chẳng nhớ là từ bao lâu rồi không chợ búa. Mỗi bữa ăn hàng ngày chỉ là ít rau cải cúc trồng ở vườn hoặc lâu lâu mua cải thiện được quả bí ngô nấu lên chan cơm.

Cô Út nói: "Mấy tháng đi chợ một lần, nhưng cũng chỉ là mua quả bầu, quả bí đao hay bìa đậu. Nói thật, giờ cho ăn thịt, ăn cá cả ngày không ăn được, nhưng cho ăn rau cả ngày, hàng ngày lại ăn được, vì ăn nhiều quen rồi".

Nhìn quanh trong nhà, chúng tôi có thể đếm trên đầu ngón tay những thứ có giá trị của hai chị em cô Luyện và cô Út nhưng chắc chẳng có cái gì có giá quá vài trăm nghìn. Một cái đài cassette cũ là người bạn thân thiết, giúp cho hai chị em nghèo nghe ngóng tin tức.

Trung tâm nội thất của ngôi nhà chính là chiếc tủ cũ mà hàng xóm cho đã nhiều năm nay và 2 chiếc giường ọp ẹp. Một chiếc giường hai cô nằm chung, còn lại một chiếc hai cô cho người ta để nhờ quần áo từ thiện.

Hà Nội: Bữa cơm chỉ có rau suốt nhiều tháng của 2 chị em khiếm thị - Ảnh 3.

Nội thất chính của ngôi nhà là chiếc tủ đơn sơ, cũ kỹ này.

Từ trong ra ngoài, thứ có giá trị (vật chất) nhất chính là cây bưởi trước nhà. Có năm 2 cô thu hoạch được 100 quả bưởi, cũng có năm bị kẻ xấu hái trộm mà chẳng hay biết, mà rồi có biết cũng chẳng làm gì được.

Hai cô kể, có dạo, sáng nào dậy cũng phát hiện cổng gỗ bị mở ra từ lúc nào không biết, mãi cho đến hôm có hàng xóm bảo, thấy bưởi rơi ngoài cổng, ra vườn sờ thì mới biết người ta trộm mất nhiều bưởi mà hai cô định dành để bán.

Cũng có nhiều người tốt quan tâm động viên nhưng cũng có nhiều kẻ xấu lợi dụng, chưa kể, có người không tin các cô bị mù thật còn tìm cách để thử. 

Cô Luyện kể thêm: "Ngày còn đi bán tăm, khi về mệt quá, lăn ra giường chợp mắt một chút, tỉnh dậy vào sờ túi để đi bán tăm tiếp thì không còn tiền nữa, ra cửa thì mò mẫm thì cửa đã bị mở toang, mà không biết người ta vào bằng lối nào, vào lúc nào nữa".

Hà Nội: Bữa cơm chỉ có rau suốt nhiều tháng của 2 chị em khiếm thị - Ảnh 4.

Có lúc hai cô tủi thân làm không khí cuộc trò chuyện nặng nề hơn.

Dù là người mù nhưng khát khao lớn nhất của hai cô lại là chiếc tivi. Nghe như đùa, nhưng thấy có lí, bởi vì, "tivi có nhiều phim, nhiều chương trình để nghe hơn cái đài cát séc cũ kia", cô Luyện nói vậy.

Ông Đàm Quyết Tiến – Chủ tịch Hội người mù huyện Phúc Thọ chia sẻ thêm về hai hội viên có hoàn cảnh đặc biệt của mình:

"Nhiều khi cũng muốn chị Luyện và chị Út lên huyện hội sinh hoạt cho đỡ tủi nhưng vì nhà khoảng cách xa quá, thi thoảng có việc phải lên Hội tham dự sự kiện gì cũng phải mất một khoản tiền thuê xe ôm. Từ đây (nhà cô Luyện và cô Út) lên huyện hội trả 50 nghìn là xe ôm không muốn đi đâu".

Cô Đỗ Thị Luyện (1967) và cô Đỗ Thị Út (1972) ở Phúc Thọ

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại