Bà ốm đau vẫn gánh gạch lo tiền cho cháu trị bệnh nan y

Mạnh Mường |

Cậu bé Hoàng Anh Tú (2007) ở thôn Nà Hoan, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn bị bệnh nan y từ khi lọt lòng đến nay nhờ một tay chăm lo của bà nội già cả, bệnh tật.

Nhọc nhằn những gánh gạch thuê nuôi cháu qua ngày

Quê ngoại của Hoàng Anh Tú cách nhà nội hơn 70 cây số, từ khi biết nhớ rồi biết đau bởi bệnh tật hành hạ, cậu bé không biết mẹ mình là ai.

Trong những lúc đau đớn nhất, cháu lại ôm lấy bà nội mà khóc rằng: "Con chỉ muốn một lần được nhìn thấy mẹ, để biết mẹ trông thế nào?".

Bà Nông Thị Chiếu (bà nội cháu Tú) nói chuyện với chúng tôi như vậy rồi tay vội cầm vạt áo lau nước mắt, tay xoa lưng cho cháu nội đỡ đau.

Bà ốm đau vẫn gánh gạch lo tiền cho cháu trị bệnh nan y - Ảnh 1.

Bà Nông Thị Chiếu (60 tuổi) và cháu nội Hoàng Anh Tú tại bệnh viện.

Trong không khí ồn ã ở hành lang Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, câu chuyện buồn của hai bà cháu người vùng cao Bắc Kạn này thu hút ánh nhìn của nhiều người.

Bởi lẫn trong câu chuyện có nước mắt của người phụ nữ luống tuổi khổ hạnh với bao nỗi lo toan và có hình ảnh cháu bé ốm đau, nhọc nhằn ôm theo đống dây dợ, ống nước đang truyền...

Được biết, ở quê, hai bà cháu sống trong căn bếp nhỏ chỉ vẻn vẹn có 15m2 không có đồ đạc giá trị gì, chỉ kê một chiếc tủ xiêu vẹo và chiếc giường cũ kỹ.

Bà ốm đau vẫn gánh gạch lo tiền cho cháu trị bệnh nan y - Ảnh 2.

Hình ảnh hai bà cháu khi còn ở quê.

Ở xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông không ai không biết cảnh khổ của bà Chiếu. Chồng bỏ đi lấy vợ khác, bà sống cùng người con trai duy nhất sinh năm 1982.

Anh con trai lấy vợ đầu sinh năm 1984 rồi cùng có với nhau một cháu bé đặt tên Hoàng Anh Tú (2007).

Những tưởng con trai sớm yên bề gia thất, bà Chiếu cũng an tâm khi tuổi ngày càng cao. Nào ngờ, ngày vui cũng chóng qua mau, mọi việc xui cứ dồn dập kéo đến.

Bố mẹ của bé Hoàng Anh Tú li dị, ai đi đường nấy, còn Tú hàng ngày đối diện với căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) mà ban đầu chẳng ai ngó ngàng tới.

"Nay bố cháu đã lấy vợ hai và có gia đình riêng, cháu lại bệnh liên miên, có nhiều điều nói ra thì xấu hổ lắm, tôi thương con trai, thương cháu nên nói với con trai và con dâu cho hai bà cháu ở riêng ra một gian bếp cho tiện", bà Chiếu giãi bày cùng chúng tôi như vậy.

Bà ốm đau vẫn gánh gạch lo tiền cho cháu trị bệnh nan y - Ảnh 3.

Lúc nào Tú cũng kéo theo cây treo ống truyền...

Thalassemia hay tan máu bẩm sinh chính là một trong những biến chứng di truyền rất hay gặp phải trên thế giới, tại Việt Nam cũng đã có rất nhiều người bệnh gặp phải căn bệnh này.

Tất cả người bệnh đều phải truyền máu trong một thời gian dài với chi phí vô cùng tốn kém, ảnh hưởng không nhỏ đối với cuộc sống của họ.

Cứ một tháng đôi lần hai bà cháu lại bắt xe khách từ thôn Nà Hoan, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) xuống Hà Nội lọc máu. Những khi không có tiền đưa cháu đi lọc máu kịp thì da dẻ cháu xám xịt lại, người gầy quắt queo, gầy mòn hẳn.

Bà ốm đau vẫn gánh gạch lo tiền cho cháu trị bệnh nan y - Ảnh 4.

Dấu vết những đầu ngón tay Tú bị thâm đen, sần sùi và sưng khi chưa kịp thải sắt.

Mỗi lần đưa cháu đi viện, đối với bà Chiếu đều là những lần mất ăn mất ngủ vì không biết xoay sở ở đâu để có tiền đi viện. Chưa kể bà rất say xe nên cung đường đi và về thực sự là một cực hình, đầy thách thức đối với tuổi già của bà.

Bà kể, trước đây khi sức khỏe ổn định, bà vẫn làm ruộng và buôn bán gạo nên cũng đủ ăn rồi dành dụm chút ít. Mấy năm gần đây, do tuổi cao, sức khỏe yếu, không lao động được nên cũng phải ăn dần vào số tiền dành dụm ít ỏi đó.

Khó khăn chồng chất vẫn nghĩ cho người khó khăn hơn mình trước

Cuộc sống hiện nay của hai bà cháu, một phần nhờ anh em họ hàng giúp đỡ, còn đâu nhờ vào khoản tiền công còm cõi mà hàng ngày bà Chiếu đi gánh gạch thuê có được.

"Những lúc chân không đau thì tôi đi gánh gạch thuê cho người ta. Nhưng mình già rồi, không gánh được nhiều nên mỗi ngày người ta cũng trả cho mình 40 nghìn thôi". Bà chiếu chia sẻ.

Ngoài khoản hỗ trợ từ bảo hiểm thì mỗi lần đi viện truyền máu, thải sắt thì hai bà cháu tốn khoảng hơn 2 triệu đồng. Mỗi lần đó bà tính toán chi tiêu tiết kiệm nhất, chỉ dành mua 20.000 đồng đủ một suất cơm cho cháu ăn, còn bà thì chỉ dám mua suất cơm 3.000 đồng ăn kèm chút muối lạc mang theo.

Bà Chiếu nói: "Những ngày ở bệnh viện như thế này, hai bà cháu sống nhờ những suất cháo, cơm và bánh mì của các nhóm từ thiện. Hôm nào không có thì hai bà cháu ăn chung một suất cho tiết kiệm, cháu ăn trước, còn lại bao nhiêu thì bà ăn".

Nói rồi, bà Chiếu lấy ra trong túi áo 3 phiếu ăn màu hồng ghi mệnh giá 25.000 đồng, và nói, "chỗ này 2 bà cháu ăn được một ngày rưỡi rồi".

Bà ốm đau vẫn gánh gạch lo tiền cho cháu trị bệnh nan y - Ảnh 5.

Ở bệnh viện ai cũng thương cảm cho cảnh ngộ của hai bà cháu.

Thương cho người phụ nữ khổ sở này, cả đời vất vả chẳng dám nghĩ cho mình. Bởi bản thân bà cũng mang đủ thứ bệnh vẫn cố gắng làm thuê kiếm tiền trang trải chạy chữa cho cháu.

"Năm trước còn đi gánh gạch được cho người ta, nhưng giờ hai đầu gối bà đau lắm rồi, bà chịu rồi... thương cháu lắm nhưng bà hết cách mất rồi". Tiếng nấc nghẹn của bà Chiếu, tiếng sụt sùi cố giấu đi càng khiến chúng tôi nặng lòng vô cùng.

Bà Nông Thị Chiếu không giấu nỗi xúc động khi nói về cháu nội đang đau ốm.

Với khoản trợ cấp ít ỏi 400 nghìn đồng/tháng cho cháu Hoàng Anh Tú mà trước mắt hai bà cháu có quá nhiều nỗi lo. Nào là cơn đau của bà Chiếu tái phát, rồi hàng tháng truyền máu, thải sắt cho Tú, rồi món nợ ngân hàng 50 triệu đồng.

Ấy vậy mà, người đàn bà nghèo khổ ấy đã nhiều lần từ chối nhận tiền ủng hộ vì nghĩ: "Nhiều người còn khổ hơn bà cháu tôi, các anh chị dành tặng cho họ thôi, bà cháu tôi không sao đâu".

Chúng tôi càng cảm phục hơn tình yêu thương lớn lao của người bà dành cho cháu nội mình, cảm mến tinh thần sẻ chia của người phụ nữ vùng cao này, trong những lúc khó khăn nhất vẫn nghĩ đến những người thực sự khó khăn ngoài kia, vất vả hơn mình.

Thầm mong, sẽ có những tấm lòng hảo tâm, đến và giúp đỡ hai bà cháu, để kéo dài thêm những tháng ngày hai bà cháu được sống bên nhau.

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hoặc gửi trực tiếp theo địa chỉ: Bà Nông Thị Chiếu - thôn Nà Hoan, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại