Khi nhắc đến Hà Lan, bạn nghĩ tới điều gì? Chắc là nhiều thứ lắm nhỉ! Từ sữa, hoa tulip, xe đạp, rồi thậm chí là cả... phố đèn đỏ đình đám ở Amsterdam nữa chứ.
Nhưng thực ra, ở Hà Lan vẫn còn vô vàn những điều thú vị, một số còn kỳ quặc đến mức ngay cả người địa phương cũng không thể giải thích.
Đó là những gì mà Natalia Kooiman nhận ra sau nhiều năm đến đây sinh sống, và cô đã chia sẻ chúng trong các bài viết trên blog cá nhân của mình.
*Bài viết được lược dịch theo lời kể của Natalia Kooiman, đăng tải trên Bright Side
Người Hà Lan có cách nuôi dạy con cực lạ
Trẻ con ở Hà Lan, hầu hết đều phải lên giường đi ngủ từ 7h tối. Lý do cho việc này thì... chịu, chẳng ai giải thích được, ngay cả chồng tôi.
Có lẽ lý do là vì các bậc phụ huynh muốn tận hưởng một buổi tối yên bình, để có thể xem TV hoặc làm những điều họ muốn sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Trẻ em cũng được học cách kiếm tiền từ khá sớm. Theo quy định của Hà Lan, một đứa trẻ có thể bắt đầu đi làm khi tròn 13 tuổi, với những công việc đơn giản như sắp xếp lại kệ hàng trong siêu thị, hoặc đi phát tờ rơi.
Đến 15 tuổi, trẻ có thể làm thu ngân, nhân viên bưu điện, hoặc phục vụ trong các quán cafe.
Dĩ nhiên, số tiền mà trẻ con kiếm ra không nhiều, dù làm cùng vị trí với người lớn. Mọi thứ ở quốc gia này sẽ tăng dần khi bạn lớn lên - tuổi càng cao, lương càng cao, và thuế phải trả cũng nhiều hơn.
Ở đất nước này, có những ngôi nhà được xây dựng để quy tụ toàn những người trên 55 tuổi, không cho phép trẻ em sống cùng.
Nguyên do là bởi khi tuổi đã cao, khả năng vận động của con người cũng kém đi, mà trẻ em có thể khiến họ gặp rắc rối trong quá trình vận động. Vậy nên mọi thứ trong nhà đều phục vụ mục đích tạo sự thoải mái cho người ở.
Ngôi nhà chúng tôi đang ở được thuê lại từ một bà cụ - hiện đã chuyển tới sống trong nhà dưỡng lão. Trên thực tế, có khá nhiều người ở Hà Lan làm như vậy: Họ sử dụng tiền hưu để tới sống trong nhà dưỡng lão, còn nhà của mình thì đem cho thuê.
Những thói quen có thể khiến bạn xấu hổ mà chẳng ai giải thích được
Một trong những điều buồn cười nhất tại Hà Lan, là những gì quan trọng đều gắn với... phòng tắm.
Chẳng hạn, người Hà Lan coi việc quên sinh nhật của nhau là không thể tha thứ, nên họ treo một cuốn lịch đánh dấu tất cả sinh nhật của người thân xung quanh ngay trong nhà tắm. Mà đôi khi còn treo cả ảnh nữa cơ.
Lần đầu tiên tôi chứng kiến điều này là khi tới thăm nhà của con gái riêng của chồng. Sau một lúc trò chuyện, tôi đứng lên đi tìm nhà vệ sinh, và thứ đập vào mắt tôi là một thứ gì đó tựa bức tranh, với tên của tôi ở đó.
Ban đầu tôi đã nghĩ: "Mình quan tâm tới con bé như thế, mà nó lại để tên mình trong nhà vệ sinh."
Nhưng khi nhìn kỹ hơn, tôi thấy cả tên bố mẹ ruột của con bé nữa. Hóa ra, đó là một tờ lịch. Ý nghĩa của nó thì đơn giản thôi: Khi ngày nào bạn cũng nhìn thấy, bạn sẽ khó mà quên được nó.
Người Hà Lan cũng rất thích huýt sáo. Chẳng hạn khi đến chơi nhà nhau, họ thường trò chuyện rất lâu. Nhưng khi một chủ đề kết thúc, họ sẽ huýt sáo trong thời gian đợi câu chuyện khác thú vị hơn xuất hiện.
Người Hà Lan có nếp sống khá kỷ luật, luôn lên kế hoạch trước. Một người bình thường sẽ có thời gian biểu theo ngày - tuần - tháng, thậm chí là năm.
Vậy nên, việc đột ngột đến chơi nhà ai đó mà không báo trước thực sự không phù hợp ở quốc gia này. Và nếu thực sự làm như vậy, chủ nhà sẵn sàng mời bạn về.
Một điểm thú vị khác là cách người Hà Lan tổ chức tiệc sinh nhật - nó rất đặc biệt. Ví dụ như khi tới bữa tiệc, việc đầu tiên bạn làm là phải chúc mừng nhân vật chính của bữa tiệc, rồi mới đi bắt tay, chào hỏi khách khứa.
Đa phần người Hà Lan trước khi ghé chơi nhà ai đó, họ sẽ ăn trước ở nhà. Tại một buổi tiệc, ai cũng sẽ được mời trà, cafe, bánh quy hoặc một miếng bánh ngọt, và bạn ít nhất cũng phải ăn một chiếc.
Tuy nhiên nếu ăn đến chiếc thứ 2 sẽ bị xem là bất lịch sự, và đến chiếc thứ 3 thì bị xem là hơi.. trơ trẽn.
Đường phố luôn sạch đẹp - có bí mật cả đấy
Thực sự không dễ để vứt rác tại Hà Lan. Để được vứt rác thải sinh hoạt mỗi ngày, bạn cần phải đăng ký với hội đồng thành phố để được cấp cho một chiếc thẻ, và dùng nó để mở thùng rác công cộng.
Quá trình làm và cấp phát thẻ sẽ kéo dài trong vòng 2 tuần.
Bạn cũng không thể đến bãi rác địa phương một cách tùy tiện, mà phải gọi điện và hẹn lịch trước. Tại cửa vào, bảo vệ sẽ đưa ra một danh sách, và hỏi bạn về những loại rác nào muốn vứt. Sau đó, họ sẽ đưa bạn tới khu chứa rác phù hợp.
Chẳng hạn, nệm sẽ được vứt ở một thùng riêng, trong khi rác kim loại thì ở khu khác - tương tự với các loại rác còn lại.
Chính nhờ quy trình này, bãi rác của Hà Lan không có mùi đặc trưng như các bãi rác trên thế giới, cũng không bị chất đống đến mức quá kinh khủng.
Một trong những lý do làm nên sự sạch sẽ và ngăn nắp của người Hà Lan có lẽ là vì họ đã luôn gặp vấn đề với biển.
Cần biết rằng, Hà Lan có 1/3 diện tích nằm dưới mực nước biển, nên họ cực kỳ trân quý những mảnh đất quý giá đang có.
Thậm chí ngay cả ở vườn nhà, người Hà Lan cũng phải giữ cho nó sạch đẹp. Nếu không, hàng xóm sẽ thể hiện thái độ ghét bỏ ngay.
Ngoài ra, sự sạch sẽ còn đến từ một lý do nữa: pháp luật. Có án phạt khá lớn dành cho việc vứt rác bừa bãi - ít nhất là 140 USD (hơn 3,2 triệu đồng).
Nếu vi phạm quy định phân loại, bạn có thể bị phạt tới 95 USD (gần 2,2 triệu đồng), và nếu vứt rác ra ngoài khu vực quy định, hình phạt thậm chí lên tới 390 USD (khoảng 9 triệu đồng).
Mối quan hệ kỳ lạ giữa hàng xóm
Với người Hà Lan, việc hàng xóm kết bạn, giúp đỡ nhau chăm sóc thú cưng khi đi vắng là điều hết sức bình thường. Nếu bị ốm, bạn có thể nhờ hàng xóm đưa đi viện.
Nhưng không chỉ có hoa hồng đâu, hàng xóm ở Hà Lan cãi nhau cũng dữ dội lắm.
Chẳng hạn nếu nghe nhạc quá to hoặc chú chó bạn nuôi cứ sủa suốt ngày, điều này có thể gây ra xung đột.
Ban đầu sẽ là giữa 2 bên, sau đó lên tới địa phương để giải quyết. Và nếu không thành công, cảnh sát có thể xuất hiện để hòa giải. Nhưng nếu để cảnh sát xuất hiện lần 2, họ có thể tịch thu thứ gây ra sự khó chịu - dù là dàn loa hay chú chó cưng của bạn cũng không ngoại lệ.
Thường thì chuyện cãi nhau giữa hàng xóm hiếm khi phải cần đến cảnh sát, nhưng cách họ phản ứng thì vô cùng khó hiểu.
Chẳng hạn như hàng xóm nhà tôi có một người khá... kích động. Một lần, ông ta hét ầm lên và dọa sẽ gọi cảnh sát vì chồng tôi mở máy hút bụi để làm vệ sinh xe quá gần cổng.
Nhưng cũng chính là ông ta, sáng hôm sau cười nói và chào hỏi chúng tôi.
Sau đó 2 tuần, chồng tôi lúc đỗ xe vô tình để bánh hơi lấn sang ô cỏ nhà ổng. Sáng hôm sau, một vé phạt được ghim trên xe, mà bạn biết ai gọi cảnh sát rồi đấy.
Những cuộc hôn nhân không tưởng
Luật hôn nhân tại Hà Lan cho phép 3 kiểu. Loại phổ biến nhất là hôn nhân đồng sở hữu tài sản, quyền thừa kế, quyền nuôi dạy và quyền sử dụng tiền hưu trí. Với loại này, ly hôn chỉ có thể được thực hiện thông qua tòa án.
Loại thứ 2 là hôn nhân đối tác - với các luật tương tự về tài sản. Điều khác biệt nằm ở con cái, người cha cần phải xác nhận quan hệ cha con thì mới được quyền nuôi dạy đứa trẻ.
Với dạng hôn nhân này, khi ly dị chỉ cần nộp đơn công chứng hoặc cho luật sư là đủ, không cần ra tòa.
Loại thứ 3 là quan hệ sống thử. Cặp đôi sẽ không buộc phải đăng ký bất kỳ giấy tờ gì, nhưng có thể tự lập ra thỏa thuận riêng - thường liên quan đến việc chia tài sản, đâu là tài sản chung, ai được quyền ở lại ngôi nhà khi ly thân...
Định nghĩa riêng về vệ sinh
Vấn đề vệ sinh của người Hà Lan cũng khá đặc biệt. Thông thường, họ sẽ không rửa tay khi mới đi ra ngoài, sau khi đi vệ sinh và cả trước khi ăn uống. Nguyên nhân là bởi họ tin rằng "bẩn một tí" thì mới tốt cho hệ miễn dịch.
Ban đầu tôi cũng không thấy quen với điều này, khi thậm chí cả bác sĩ cũng không rửa tay sau khi khám bệnh, hoặc nhân viên nhà hàng nấu ăn mà không đeo găng.
Thậm chí, họ thường xuyên đi giày dép vào trong nhà. Họ không thấy khó chịu vì đi giày lâu à? Chẳng hiểu nữa.