Há hốc mồm với quá khứ của Iraq, Zimbabwe, Mali...

Bảo Hạnh |

Kinh tế của một đất nước có thể thay đổi chóng mặt trong vòng một thế kỷ hay vài thập kỷ. Chính vì vậy, rất nhiều quốc gia bị xem là nghèo khó hay có thu nhập trung bình ngày nay lại từng giàu mạnh nhất thế giới.

1. Thái Lan

Thái Lan có thể không phải là nước nghèo nhất thế giới nhưng GDP bình quân đầu người khoảng 6.000 USD lại cách khá xa so với mức trung bình của thế giới. Ngoài ra, số người dân đang sống trong tình trạng cực kỳ khốn khó vẫn còn khá nhiều, đặc biệt là ở khu vực Đông Bắc hay phía Nam.

Trong quá khứ, vào thế kỷ 16 và 17, Vương quốc Ayutthaya với biên giới gần trùng với Thái Lan ngày nay lại giàu có hơn rất nhiều quốc gia châu Âu. Ngoài việc được xem là trung tâm thương mại thế giới, kinh đô của vương quốc còn vượt xa Paris cả về diện tích lẫn sự lộng lẫy.

Khác với những nước trong khu vực, Vương quốc Ayutthaya luôn cởi mở chào đón những thương nhân nước ngoài và nhiệt tình trao đổi hàng hóa với Trung Quốc, Nhật Bản hay thậm chí là những nước xa xôi hơn như Pháp và Bồ Đào Nha.

Đáng tiếc thay giai đoạn hoàng kim lại không kéo dài. Giao dịch thương mại bắt đầu giảm dần vào đầu thế kỷ 18 và khiến kinh tế ảnh hưởng nặng nề. Tồi tệ hơn, những tranh đấu vương quyền đẫm máu còn đẩy những người kế vị tiềm năng ra khỏi ngai vàng. Hậu quả là chế độ quân chủ trở nên bất ổn và vương quốc trở thành mục tiêu xâm lược của nước láng giềng Burma (ngày nay là Myanmar).

Năm 1765, quân đội Burma đưa quân tấn công Vương quốc Ayutthaya và chiếm lấy kinh thành. Chỉ sau 2 năm, Ayutthaya đầu hàng và bị phá hủy phần lớn. Cuối cùng, vương quốc này lùi vào dĩ vãng và nhường chỗ cho Vương quốc Thonburi, tiền thân của Thái Lan ngày nay.

2. Mali

Mali hiện là một trong những nước nghèo nhất thế giới với GDP bình quân đầu người chỉ có 837 USD. Đất nước châu Phi khô hạn này có tên trong danh sách 47 nước kém phát triển nhất của Liên Hiệp Quốc. Không những thế, phần lớn dân số Mali phải dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp để sống qua ngày.

Thế nhưng Mali của hàng trăm năm về trước lại là một quốc gia hoàn toàn khác. Khi đó, đất nước này nằm ở trung tâm của Đế quốc Mali lừng lẫy, một trong những đế quốc hùng mạnh nhất và giàu có nhất châu Phi với diện tích 1,1 triệu km2.

 Há hốc mồm với quá khứ của Iraq, Zimbabwe, Mali...  - Ảnh 1.

Mali từng là một đế quốc hùng mạnh với diện tích 1,1 triệu km2. Ảnh: Wikimedia Commons

Thời kỳ hoàng kim của Đế quốc Mali nằm dưới sự thống lĩnh của hoàng đế Mansa Musa I từ năm 1312 đến năm 1337. Mansa Musa I là một trong những nhân vật giàu có nhất từng sống trên thế giới khi sở hữu số tài sản tương đương với 415 tỉ USD trong suốt 25 năm trị vì.

Khi đó, Mali là nước sản xuất vàng quan trọng. Hoàng đế Musa I nắm trong tay quyền xử lý một nửa nguồn cung cấp số kim loại quý trên thế giới và giao dịch với các thương nhân từ nhiều nơi xa xôi như Ai Cập, Ba Tư, Genoa và Venice.

Kinh đô Timbuktu, nơi được mệnh danh là viên ngọc quý của Sahara, là trung tâm nổi tiếng về giáo dục, văn hóa và thương mại. Đế quốc Mali tồn tại đến thế kỷ 16 nhưng lúc này sự phồn vinh và hùng mạnh đã giảm đi phần lớn. Sự nghèo khó của Mali cũng bắt đầu từ giai đoạn trên.

3. Thổ Nhĩ Kỳ

Dù không phải là nước nghèo nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đặc biệt giàu có. Quốc gia này được đánh giá là nền kinh tế thị trường mới nổi với GDP bình quân đầu người khoảng 11.000 USD. Dù tương đương với mức trung bình của thế giới nhưng con số này vẫn thấp hơn phần lớn các nước châu Âu.

Trở về quá khứ vào thế kỷ 16, Đế quốc Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, có GDP bình quân đầu người cao hơn 2/3 so với Tây Âu. Đến giữa thế kỷ 16, đế quốc phồn vinh này bao trùm Anatolia và những vùng đất rộng lớn ở Đông Nam châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông.

 Há hốc mồm với quá khứ của Iraq, Zimbabwe, Mali...  - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ từng là một siêu cường quốc dưới thời Suleiman Đại đế. Ảnh: Shutterstock

Đến triều đại của Suleiman Đại đế, người cai quản đất nước từ năm 1520 đến năm 1566, Ottoman đạt được vị thế siêu cường và tiến vào thời kỳ hoàng kim về sức mạnh quân sự, sự thịnh vượng chưa từng có tiền lệ và những thành tựu nghệ thuật vĩ đại.

Quá trình mở rộng lãnh thổ suy yếu vào cuối thế kỷ 16 và Đế quốc Ottoman bị các cường quốc thực dân châu Âu vượt qua vào những năm 1700. Với nỗ lực theo kịp, người Ottoman cố gắng hiện đại hóa nền kinh tế vào thế kỷ 19 nhưng không đạt được thành công nào.

Những chia cắt nội bộ bắt đầu lan rộng và đến đầu thế kỷ 20, Đế quốc Ottoman về phe Đức trong Thế chiến I và bị tịch thu hầu hết lãnh thổ vì thua trận. Sau đó, Chiến tranh giành độc lập Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra và Đế quốc Ottoman tái sinh vào năm 1922 dưới cái tên Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

4. Ấn Độ

Mức GDP bình quân đầu người của Ấn Độ rất thấp, chỉ khoảng 7.000 USD. Mặc dù quá trình phát triển đã tăng tốc trong những năm gần đây để khắc phục sự nghèo đói nghiêm trọng trong nước, hàng trăm triệu người Ấn Độ vẫn đang sống trong cảnh bần cùng.

Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là nước nghèo khó từ trong quá khứ. Tiền thân của họ là Đế quốc Mughal thành lập năm 1526 và có lãnh thổ trải dài gần như toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ trong thời kỳ đỉnh cao vào thế kỷ 17. Bước sang thế kỷ 18, đế quốc này đã qua mặt Trung Quốc để trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm gần 25% GDP toàn cầu, tương đương 21.000 tỉ USD ngày nay.

 Há hốc mồm với quá khứ của Iraq, Zimbabwe, Mali...  - Ảnh 3.

Ấn Độ từng là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vào thế kỷ 17, 18. Ảnh: British Library

Ấn Độ còn là nước dẫn đầu về sản xuất, tạo ra một phần tư sản lượng công nghiệp thế giới cho đến đầu thế kỷ 18. Tiền lương thực tế và mức sống ở Mughal thậm chí còn cao hơn ở Anh, nước có chất lượng cuộc sống tốt nhất châu Âu lúc bấy giờ.

Cuối thế kỷ 18, Đế quốc Mughal chia rẽ vì mâu thuẫn nội bộ và bị Anh xâm lược năm 1858. Đến lúc này, sự cạnh tranh từ châu Âu, lúc này đã được công nghiệp hóa, tàn phá ngành công nghiệp Ấn Độ. Hậu quả là quốc gia thuộc địa này đánh mất phần lớn quyền lực và sự giàu có.

5. Latvia

Sau hàng thế kỷ bị nước ngoài đô hộ, Latvia tuyên bố độc lập vào năm 1918 và thông qua hiến pháp tự do năm 1922. Trong giai đoạn 1920-1930, đất nước này giàu mạnh hơn cả những nước Baltic láng giềng như Phần Lan và Đan Mạch và đạt được rất nhiều thành tựu.

Nền kinh tế Latvia tăng trưởng ngày càng mạnh nhờ xuất khẩu nông nghiệp nổi và gỗ trong khi mức sống vượt qua cả những nước ở khu vực Scandinavia.

 Há hốc mồm với quá khứ của Iraq, Zimbabwe, Mali...  - Ảnh 4.

Latvia có quá khứ hoàng kim khá ngắn ngủi. Ảnh: STES

Khi đó, Latvia không chỉ là nước có người tiêu dùng thịt, sữa và bơ lớn nhất châu Âu mà còn là nơi có tỉ lệ sinh viên đại học cao nhất châu lục. Đáng buồn thay, giai đoạn thịnh vượng của quốc gia này lại khá ngắn.

Trong Thế chiến II, Latvia bị chiến tranh tàn phá. Vào năm 1944, đất nước này trở thành một nước vệ tinh và nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô đến năm 1990. Sau khi giành lại độc lập, Latvia gia nhập Liên minh châu Âu và tăng trưởng nhanh về kinh tế. Tuy nhiên, với mức GDP bình quân đầu người khoảng 14.000 USD, Latvia vẫn tụt hậu khá xa so với những nước trong khu vực Scandinavia.

6. Iraq

Trong giai đoạn 1960-1970, Iraq trở thành nước phát triển rất nhanh. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi với trữ lượng dầu khí dồi dào, quốc gia Trung Đông này kiếm được bộn tiền nhờ sự bùng nổ giá dầu diễn ra sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ và cấm vận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ vào năm 1973.

Khi đó, Iraq là một trong những nước có chất lượng cuộc sống cao nhất trong khu vực. GDP bình quân đầu người tăng vọt kể từ những năm 1950 và cao hơn gấp đôi trong những năm 1970. Không những thế, Iraq còn có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và y tế hết sức hiện đại.

 Há hốc mồm với quá khứ của Iraq, Zimbabwe, Mali...  - Ảnh 5.

Giai đoạn huy hoàng của Iraq chấm dứt khi cựu Tổng thống Saddam Hussein lên nắm quyền vào năm 1979. Một năm sau, ông Hussein đẩy Iraq vào cuộc chiến khốc liệt kéo dài 8 năm với Iran, dẫn đến nền kinh tế kiệt quệ. Không những thế, tham nhũng nội bộ và sự sụt giảm giá dầu còn làm trầm trọng thêm tình hình tài chính tồi tệ của Iraq.

Chiến tranh Iraq từ năm 2003 đến năm 2011 tiếp tục giáng một đòn mạnh vào quá trình tăng trưởng của đất nước Trung Đông. Sau đó, nền kinh tế bắt đầu phục hồi đáng kể dù tình hình an ninh bất ổn. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Iraq là 5.000 USD.

7. Zimbabwe

Từ vị thế là một đất nước đang lên của châu Phi, Zimbabwe lại rơi xuống vũng bùn của thảm họa tài chính, siêu lạm phát nghiêm trọng và suy thoái sâu sắc.

Trong những năm 1980, nền kinh tế Zimbabwe phát triển mạnh mẽ nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nền nông nghiệp thăng hoa. Tuy nhiên, những vết nứt bắt đầu xuất hiện khi tình hình tài chính của Zimbabwe xấu đi vào những năm 1990.

 Há hốc mồm với quá khứ của Iraq, Zimbabwe, Mali...  - Ảnh 6.

Zimbabwe đẹp đẽ của quá khứ. Ảnh: Wikimedia Commons

Vào năm 2000, chính quyền cựu Tổng thống Robert Mugabe bắt đầu tịch thu những trang trại có năng suất cao do người da trắng làm chủ, một chính sách bị xem là thảm họa. Nguyên nhân là vì những người chủ mới không có đủ kinh nghiệm và kỹ năng về nông nghiệp, dẫn đến tình hình sản xuất tụt dốc và kéo theo nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng kinh tế càng trở nên tồi tệ vì tình trạng tham nhũng và chiến tranh. Siêu lạm phát bùng nổ vào năm 2003 và tỉ lệ thất nghiệp lên tới 95%. Dù ông Mugabe đã bị phế truất nhưng những triển vọng kinh tế của Zimbabwe vẫn rất mong manh. Tân Tổng thống Emmerson Mnangagwa đang cố gắng thu hút đầu tư từ Trung Quốc để khởi động nền kinh tế nhưng có lẽ cuộc sống của người dân Zimbabwe vẫn sẽ còn khó khăn trong một thời gian.

8. Nauru

Quay ngược quá khứ về những năm 1970, hòn đảo tí hon Nauru trên Thái Bình Dương luôn được phủ đầy tiền. Nhờ trữ lượng phosphate dồi dào, một thành phần quan trọng của phân bón, quốc đảo nhỏ bé này sở hữu GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, đạt mức 20.000 USD.

Chính vì vậy, chính phủ Nauru không ngại vung tay chi tiền khi sắm sửa hàng loạt máy bay, tàu thuyền, khách sạn hạng sang và sân golf trong khi dân chúng sở hữu loạt siêu xe nhập khẩu và những căn nhà đắt tiền.

 Há hốc mồm với quá khứ của Iraq, Zimbabwe, Mali...  - Ảnh 7.

Chính phủ Nauru từng giàu có đến mức vung tiền sắm sửa máy bay lẫn tàu thuyền. Ảnh: Wikimedia Commons

Vì dự đoán được tình trạng cạn kiệt tài nguyên phosphate, chính phủ Nauru quyết định đầu tư 1 tỉ USD vào các quỹ tín thác nhưng do sử dụng sai cách, số tiền này nhanh chóng cạn kiệt. Đến khi nền công nghiệp khai thác thất bại vào những năm 1980, Nauru chìm trong biển nợ và khốn khó nghiêm trọng.

Đầu những năm 2000, hệ thống viễn thông và ngân hàng sụp đổ. Kể từ đó, Nauru bị phá sản, phải nhận viện trợ quốc tế và phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập đến từ một trung tâm giam giữ người nhập cư của Úc được xây trên đảo.

Hiện tại, GDP bình quân đầu người của Nauru chỉ còn khoảng 8.000 USD, tình trạng nghèo đói lan rộng và tương lai thì hết sức ảm đạm. Xui xẻo hơn, chính phủ Úc còn đang cân nhắc việc đóng cửa trung tâm nhập cư. Điều này sẽ khiến Nauru mất đi nguồn thu nhập nước ngoài duy nhất.

9. Venezuela

Trong những năm gần đây, từ vị thế một trong những nước có nền kinh tế giàu mạnh nhất Mỹ Latin, Venezuela đang tuột dốc không phanh. Vào năm 2018, nền kinh tế Venezuela sụt giảm 35% so với năm 2013 trong khi GDP bình quân đầu người đi xuống với con số gây sốc 40%.

Cuộc khủng hoảng tài chính của Venezuela nghiêm trọng đến mức nền kinh tế của nước này còn tồi tệ hơn so với Mỹ trong giai đoạn Đại khủng hoảng và so với Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.

 Há hốc mồm với quá khứ của Iraq, Zimbabwe, Mali...  - Ảnh 8.

Những kệ hàng trống trơn tại Venezuela vì cuộc khủng hoảng tài chính. Ảnh: Shutterstock

Vì quá phụ thuộc vào dầu khí, kinh tế Venezuela đi xuống ngay khi giá dầu trên thế giới giảm mạnh vào năm 2014. Ngoài ra, việc chỉ đầu tư vào dầu khí khiến chính phủ thất bại trong việc đa dạng hóa nền kinh tế trong những thời điểm tốt khi giá dầu tăng cao.

Việc kiểm soát giá cứng nhắc của chính phủ và từ chối nhận viện trợ nước ngoài khiến tình hình càng trở nên xấu đi và dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Đến nay, nạn đói đang lan trong khi các loại tội phạm gia tăng không kiểm soát và căng thẳng xã hội leo thang ở đất nước một thời giàu mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại