Vì sao con "trượt" khi thi vào lớp 1
Mới đây, phó giáo sư – tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, giám đốc nghiên cứu và phát triển chương trình POMATH - chương trình phát triển tư duy cho trẻ em thông qua môn Toán đã chia sẻ quan điểm của mình xoay quanh câu chuyện thi vào lớp 1 của con trẻ.
Bài viết của PGS – TS Chu Cẩm Thơ đã đánh trúng vào tâm lý của rất nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ chuẩn bị bước vào năm đầu tiên của bậc tiểu học.
Phó giáo sư – tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, tác giả bài viết đang nhận được sự quan tâm lớn từ các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1.
"Nói về chuyện thi vào lớp 1, lại nhớ đến trường hợp Bác mình. Con nhà Bác đã bị "trượt" khi thi vào trường thực nghiệm nhưng sau này anh ấy vẫn được những giải rất cao khi thi quốc gia và giờ đây anh là một chuyên gia về công nghệ có tiếng ở môi trường quốc tế.
Khi kể chuyện thi lớp 1 với mình, bác luôn có cảm xúc tiêu cực, đó là sai lầm khi cho con thi.
Thực ra, khái niệm thi "trượt" nặng nề này đến khi các bé phải bước vào vòng bị lựa chọn. Các cha mẹ hoặc người thân có con trượt thường than thở và kêu ca sự khó khăn của nhà trường.
Rồi có khi còn tố cáo việc thi là sai "quy định". Nhưng ít ai hiểu vì sao các trường lại phải tổ chức thi.
Những trường phải tổ chức thi là những trường có thương hiệu tốt (là các trường dân lập hoặc trường có thu), bố mẹ muốn con mình được học ở đó.
Nhưng nhu cầu của bố mẹ thì quá nhiều. Số lượng tuyển sinh thì có hạn, không tổ chức 1 kì "thi" để lựa chọn thì làm sao mà lấy 200 học sinh trong khi có hơn 1000 người đăng kí.
Vì biết con mình phải tham gia lựa chọn, nên bố mẹ cho con đi luyện. Nhưng họ đâu biết rằng "luyện thi" cho trẻ 5 tuổi thật không mấy tác dụng. Vì mấy lẽ:
- Các con 5 tuổi, ở cái khoảng thời kì "tiền thao tác" và "thao tác cụ thể", tức là con sẽ nhận thức và bộc lộ mình thông qua những sự việc, cụ thể ở bối cảnh thực. Vì thế, luyện những bài thi mang tính "có tri thức", "mẹo mực" thì làm sao con nhớ, làm theo một cách tự nhiên được.
- Trẻ biết nhiều bằng cách học trước có gì hay nhỉ? Tự trẻ biết, hứng thú là một chuyện khác hoàn toàn.
Thế nên khi quan sát những đứa trẻ khi được lựa chọn trong cái mà cha mẹ gọi là "bài thi" người ta dễ dàng phân biệt được việc biết nhờ luyện và có khả năng "biết" là rất cao. Tôi biết có nhiều cháu làm đúng nhưng vẫn bị loại vì giao tiếp, thể hiện không tự nhiên.
- Trẻ 4-5 tuổi thì cần có những gì khi vào các kì lựa chọn đó. Chắc chắn là phải có sức khỏe tốt, có khả năng tự chủ, tự phục vụ, giao tiếp tốt, các kĩ năng tiền tư duy tốt: quan sát, vận động, ghi nhớ, tưởng tượng...
Theo tác giả bài viết, không vào được ngôi trường tiểu học mơ ước không phải là dấu chấm hết cho cơ hội phát triển của con trẻ.
Do vậy, thay vì luyện những bài thi thì cha mẹ cần cho con khỏe, tự lập (vệ sinh, ăn,...qua giao tiếp con sẽ thể hiện được - mà dù cha mẹ có dặn thì con cũng không kể theo kiểu học thuộc, cảm xúc với người thân, sự hiểu biết về thế giới xung quanh...).
Trải nghiệm để học qua hứng thú, tích lũy kinh nghiệm, có phương pháp tiếp nhận thông tin và xử lí (mà chỉ qua trải nghiệm mới có được).
Không vào được trường mơ ước, cũng không phải là chấm hết cho cơ hội phát triển.
Vì sao, vì 5 -6 tuổi đa số trẻ chưa bộc lộ hết khả năng. Và nếu chưa được tạo cơ hội trải nghiệm thì con cũng không có cơ hội ấy. Khả năng tư duy của con, trí tuệ tâm lí của con sẽ còn được hoàn thiện và phát triển trong 1 thời gian dài sau đó.
Thế giới rất rộng lớn. Con chúng ta có nhiều cơ hội hơn chúng ta có rất nhiều."
"Điều cốt lõi là phải để con cái khám phá bản thân, rèn kĩ năng quan sát, thu nhận thông tin, tưởng tượng và tương tác – chứ không phải nhồi nhét kiến thức"
Nói về lí do thôi thúc bản thân bày tỏ quan điểm về việc thi vào lớp 1 của con trẻ và thực trạng nhiều phụ huynh đang bắt ép trẻ học thêm quá nhiều khi đang ở độ tuổi nhỏ, PGS – TS Chu Cẩm Thơ tâm sự:
"Bây giờ đang đúng là mùa tuyển sinh của các trường. Nhiều trường tiểu học dân lập đã công bố kết thúc đợt tuyển sinh. Xã hội hóa giáo dục đã khiến các trường có động lực để làm tốt và được ghi nhận.
Vì thế, nhiều phụ huynh có mong muốn, có điều kiện đã tìm hiểu, lựa chọn trường cho con, nhất là lớp 1.
Tuy nhiên, qua theo dõi nhiều năm gần đây, một bộ phận phụ huynh đã cho con luyện thi vào lớp 1 bằng cách học chữ trước, sưu tầm đề thi đầu vào để cho con tập giải..., rồi có những phụ huynh khi con không đạt nguyện vọng thì chán nản, trong đó có cả những người quen của tôi.
Tôi viết bài đó để bày tỏ suy nghĩ tức thời của mình, khi mà những ngày trước đó tôi được nghe chia sẻ từ những phụ huynh đó.
Tôi hy vọng những phụ huynh có thể bình tâm, suy nghĩ lại mục tiêu học tập của con cái mình, không chán nản, bi quan khiến các cháu thiệt thòi, ảnh hưởng đến tâm lí"
Gia đình nhỏ hạnh phúc của PGS - TS Chu Cẩm Thơ.
Bản thân là một người mẹ của hai cháu nhỏ, một cháu 9 tuổi và một cháu 7 tuổi, TS Cẩm Thơ cũng không tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở trong hành trình sát cánh cùng con trên con đường học vấn như nhiều bậc phụ huynh khác.
Nhưng đối với chị, điều quan trọng nhất là các con khỏe mạnh, tự lập. Và chị cho biết, hiện nay các cháu đã thể hiện được điều đó. Từ đó, các bé biết tự giác trong học tập, đọc sách, chủ động học hỏi người lớn hơn, biết trợ giúp cả thầy cô, bạn bè trong học tập.
Mặc dù nhận thấy các con mình chưa đạt được những vị trí cao trong học tập, nhưng anh chị chưa bao giờ buồn cũng như yêu cầu con phải làm được điều đó.
"Tôi biết con mình cần cơ hội để khám phá những thế giới khác nữa, như nghệ thuật, thể thao, tìm hiểu các vấn đề của xã hội để sớm nhận ra và có quan điểm sống, có giá trị và tự mình phấn đấu vì điều đó"
Để trẻ tự tin và mạnh dạn hơn, người lớn chúng ta hãy là người bạn đồng hành cùng trẻ trên chặng đường vào lớp 1, đừng vì sự lo lắng thái quá của bản thân mà gây áp lực đối với trẻ (Ảnh minh họa)
Thực tế hiện nay, có một bộ phận phụ huynh cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1. Không chỉ là để vào trường như nguyên vọng mà còn vì lo lắng rằng khi đi học con mình sẽ bị tụt lại so với các bạn nếu không được học trước.
Nỗi lo này là không phải không có cơ sở, khi có những trường tiểu học có tới 67 học sinh/lớp. Vì thế giáo viên không thể quan tâm, chăm sóc cho tất cả học sinh trong lớp.
Nhưng ngược lại, tâm lí của một số phụ huynh lại làm cho việc học ở lớp 1 trở nên nặng nề, tác động không tốt đến việc học tập ở nhà trường, cách học của các em.
Nhất là, họ đã không biết được rằng, ở lớp 1 học theo kiểu luyện đều không có giá trị gì cho việc phát triển trí tuệ và cách học của con trẻ.
PGS – TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, điều cốt lõi là phải dạy và cùng các con khám phá ra bản thân mình, rèn kĩ năng quan sát, thu nhận thông tin, tưởng tượng và tương tác – chứ không phải nhồi nhét kiến thức vào đầu chúng.
Làm như thế, trẻ mới có cơ hội tìm ra chính mình và có kĩ năng học tập, qua trải nghiệm.