Năm 2015, một người đàn ông ở Trung Quốc đã gửi 19 triệu NDT (khoảng 67 tỷ đồng) vào ngân hàng rồi ra nước ngoài làm việc. Năm năm sau, khi quay trở lại, anh ta tá hỏa khi ngân hàng thông báo số dư tài khoản chỉ còn vỏn vẹn 34 NDT (khoảng 120 nghìn đồng). Anh ta yêu cầu phía ngân hàng phải có lời giải thích thỏa đáng. Tuy nhiên, phía ngân hàng lại khẳng định mọi hoạt động giao dịch trên tài khoản của anh ta đều diễn ra bình thường và họ không chịu trách nhiệm cho việc này.
Quá phẫn uất, người đàn ông đã đâm đơn kiện ngân hàng nhưng liên tục bị tòa án bác đơn. Vậy 19 triệu NDT của người đàn ông này có thể lấy lại được hay không?
Qua sự giới thiệu của một người bạn, anh Hồ đã gửi 19 triệu NDT vào một ngân hàng địa phương. Lúc đó, anh Hồ không hy vọng số tiền này sẽ sinh lời nhiều, anh chỉ nghĩ rằng gửi tiền vào ngân hàng là an toàn và không có rủi ro.
Sau khi gửi tiền, anh Hồ tạm biệt vợ con, ra nước ngoài làm việc. Do công việc được trả lương rất hậu hĩnh nên anh Hồ không cần dùng đến số tiền này. Vì vậy, anh đưa thẻ ngân hàng cho vợ giữ.
Thời gian trôi qua, năm 2020, anh Hồ trở về đoàn tụ cùng vợ con. Lần này, anh quyết định nghỉ việc ở công ty để về nước thành lập công ty riêng, tiền vốn chính là số tiền 19 triệu NDT. Anh đưa thẻ ngân hàng cho nhân viên và yêu cầu rút toàn bộ tiền.
Tuy nhiên nhân viên báo lại, số dư trong thẻ chỉ có 34 NDT. Nghe vậy, anh Hồ tức giận, lớn tiếng chất vấn. Để tránh tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, quản lý đã mời anh vào văn phòng để tìm hiểu sự việc. Dẫu vậy, họ vẫn không đưa ra được phương án giải quyết.
Trước thái độ thờ ơ của phía ngân hàng, anh Hồ đã quyết định báo cảnh sát. Phía ngân hàng cuối cùng đã đồng ý cho in sao kê tài khoản của anh. Điều bất ngờ là tài khoản của anh ghi nhận nhiều lần rút tiền.
Anh Hồ chưa từng dùng thẻ ngân hàng để rút tiền, tại sao lại có nhiều giao dịch đến vậy?
Bất ngờ nghi phạm lại là người quen
Phần lớn số tiền này đã được sử dụng để mua cổ phiếu, một phần khác đã được chuyển đến các thẻ ngân hàng khác. Lúc này, phía ngân hàng lên tiếng, họ cho rằng tất cả các giao dịch chi tiêu của anh Hồ đều được thực hiện một cách bình thường, vì vậy phía ngân hàng không phát hiện ra bất kỳ điều gì bất thường. Nói cách khác, việc anh Hồ bị mất tiền là hoàn toàn do lỗi của anh.
Sau khi rà soát hết những người trong diện tình nghi, người đàn ông họ Diệp được chú ý hơn cả. Trước đây, chính anh ta là người đã giới thiệu và khuyên anh Hồ nên gửi tiền vào ngân hàng này. Theo lời nạn nhân, anh quen biết người này đã lâu, hắn cũng thường xuyên giới thiệu cho anh một số kênh đầu tư.
Vào năm 2010, đối tượng Diệp nghe nói anh Hồ đang có trong tay 19 triệu NDT tiền mặt nên nhiều lần khuyên anh gửi số tiền này vào ngân hàng nơi anh ta làm việc. Khi đó, anh ta đã nắm giữ vị trí quản lý khách hàng.
Thấy anh Diệp nói chuyện rất chân thành, anh Hồ nghĩ rằng gửi tiền vào ngân hàng của bạn bè sẽ an toàn hơn nên đã đồng ý. Lúc đó, do anh Hồ phải ra nước ngoài ngay sau khi gửi tiền nên thẻ ngân hàng đã được lập bằng tên vợ anh, mật khẩu thẻ chỉ có hai người biết. Chẳng lẽ vợ anh đã bí mật tiết lộ mật khẩu cho người họ Diệp? Anh Hồ lập tức trở về nhà và hỏi vợ, người vợ thừa nhận đã làm vậy.
Điều khiến anh Hồ sốc hơn nữa là sau khi anh đi, đối tượng họ Diệp đã cùng vợ anh ký một bản hợp đồng ủy quyền quản lý tài chính. Vì vậy, hắn mới có thể ngang nhiên chuyển tiền từ thẻ ngân hàng của anh.
Về việc tại sao lại ủy quyền cho hắn, vợ anh Hồ giải thích rằng đối tượng đã hứa với cô rằng chỉ đầu tư vào nơi hắn giới thiệu thì mỗi tháng sẽ thu được lợi nhuận cao. Dưới lời ngon tiếng ngọt của hắn, vợ anh Hồ đã xiêu lòng.
Ban đầu, vợ anh Hồ vẫn thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản. Nhìn số dư ngày càng tăng, cô hoàn toàn yên tâm. Nào ngờ, người đàn ông họ Diệp bắt đầu lén lút dùng tiền trong thẻ ngân hàng của anh Hồ để thực hiện một số khoản đầu tư mạo hiểm.
Không ngờ, đầu tư mạo hiểm không mang lại lợi nhuận cao mà còn thua lỗ. Lúc này, anh ta đành phải "liều ăn nhiều", rút toàn bộ số tiền và quyết định "đánh cược" lần cuối. Cuối cùng, anh ta đã trắng tay. Để tránh bị vợ anh Hồ tra hỏi, hắn đã làm giả một số giấy tờ chứng minh thu nhập để qua mặt cô.
Khi anh Hồ về nước, đối tượng này đã bỏ trốn. Sau khi cảnh sát điều tra, họ cuối cùng đã bắt được đối tượng khi đang ở Quảng Đông, Trung Quốc. Tuy nhiên, hắn không còn một xu trong tài khoản và không thể bồi thường cho anh Hồ.
Cuối cùng, người họ Diệp bị kết án 15 năm tù và phải trả lại cho anh ta số tiền 19 triệu NDT mà anh ta đã lừa gạt. Đây là bài học cho tất cả mọi người, không được chủ quan giao phó tài sản của mình cho người không đủ tín nhiệm.
(Theo 163)