Ngày hôm nay (12/6), Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại khách sạn Capella, Sentosa, Singapore. Dựa trên những biểu hiện và phát ngôn của hai nhà lãnh đạo, cuộc gặp thượng đỉnh này có vẻ đã diễn ra khá suôn sẻ hơn những gì được mong đợi.
Trong khuôn khổ cuộc gặp, hai ông Trump-Kim đã kí kết thỏa thuận chung. Theo lời ông Trump, đây là một bản thỏa thuận "rất toàn diện", và sẽ "giải quyết những vấn đề rất lớn lao và nguy hiểm trên thế giới" hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong giới phân tích nhận định thỏa thuận này yếu hơn các cam kết trước đó về phi hạt nhân hóa.
Ông Adam Mount, học giả thuộc Hiệp hội các Nhà khoa học Mỹ, bình luận với CNN rằng thỏa thuận chung của hai ông Trump-Kim không hề đề cập tới một quá trình phi hạt nhân hóa "có thể kiểm chứng" hay "không thể đảo ngược" như những gì chính quyền ông Trump luôn nhấn mạnh trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Rõ ràng hai nước Mỹ-Triều đã đạt được những thành quả nhất định sau 5 giờ họp thượng đỉnh, nhưng theo phóng viên Justin McCurrry của báo The Guardian (Anh), thỏa thuận chung của hai ông Trump-Kim không có nhiều khác biệt rõ rệt so với thỏa thuận chung được kí kết trước đó giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4.
Phân tích 4 điểm chính của thỏa thuận chung Mỹ-Triều
Thỏa thuận chung hai ông Trump-Kim đã kí kết bao gồm 4 điểm chính sau đây:
Điều này có nghĩa là Washington và Bình Nhưỡng sẽ ngừng các cuộc khẩu chiến nảy lửa như trước đây để bắt đầu một mối quan hệ hòa dịu hơn. Trong nhiều thập kỷ qua, Triều Tiên luôn coi Mỹ là một thế lực thù địch, âm mưu hủy hoại chế độ chính trị và chia rẽ nội bộ.
Ngoài ra, theo ông McCurry, điều khoản này còn thể hiện mong muốn tập trung phát triển kinh tế của ông Kim - mà rất có thể từ nay sẽ có thêm sự hỗ trợ của Mỹ - sau khi đã đạt được mục tiêu phát triển các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa có khả năng tấn công lục địa Mỹ, khiến Mỹ cảm thấy họ là mối đe dọa thực sự, và phải ngồi vào bàn đàm phán với họ.
Điểm thứ hai này không hề nhắc đến một cam kết trực tiếp nhằm đạt được hòa bình, ví dụ như một hiệp ước hòa bình để thay thế hiệp định đình chiến được Mỹ-Triều kí kết năm 1953 để tạm ngừng Chiến tranh Triều Tiên.
Ông McCurry cho hay, để có được một hiệp ước hòa bình như vậy cần có sự tham gia của các bên liên quan đến xung đột này như Trung Quốc, Hàn Quốc. Bởi vậy, việc ông Trump đưa ra những lời hứa đảm bảo an ninh "không rõ ràng" đối với Triều Tiên là điều dễ hiểu.
Ông McCurry nhận định rằng động thái của ông Trump khá 'tương xứng' với cam kết phi hạt nhân hóa vẫn còn rất mơ hồ của Triều Tiên.
Theo ông McCurry, đây là điểm quan trọng nhất, và có thể nảy sinh ra nhiều vấn đề nhất trong bản tuyên bố chung của hai ông Trump-Kim.
Điều khoản trên không hề đáp ứng được mục tiêu áp dụng quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác thực và không thể đảo ngược (CVID) đối với kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, mà chỉ nhắc lại những điều ông Kim từng cam kết với ông Moon.
Tất nhiên không ai mong đợi rằng lãnh đạo Triều Tiên sẽ chấp nhận cam kết thực hiện CVID ngay trong lần gặp thượng đỉnh đầu tiên với ông Trump. Quá trình đó - nếu được tiến hành - sẽ mất hàng năm và tốn hàng tỉ USD để thực hiện.
Điều này cũng không đưa ra được định nghĩa chính xác của cụm từ "phi hạt nhân hóa".
Theo định nghĩa của Washington, "phi hạt nhân hóa" đồng nghĩa với việc ông Kim phải từ bỏ toàn bộ tham vọng hạt nhân của mình. Tuy nhiên, Triều Tiên lại không có chung suy nghĩ đó với Mỹ. Chính quyền Bình Nhưỡng muốn Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc (có thể là toàn bộ 28.500 binh lính Mỹ) nếu Mỹ muốn nước này tiến hành phi hạt nhân hóa.
Mỹ và Triều Tiên cần thống nhất quan điểm về định nghĩa này nếu muốn đạt được những thỏa thuận thực sự.
Một trong những tàn dư của cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 là việc trao trả, nhận dạng hài cốt liệt sĩ mất tích và tù binh chiến tranh.
"Hài cốt của gần 5.300 quân nhân Mỹ mất tích đã được phát hiện tại Triều Tiên. Tuy nhiên, do quan hệ căng thẳng của hai nước, [Mỹ] đã không thể đưa những hài cốt đã được nhận dạng về nước kể từ năm 2005.
Có thể coi đây là điều khoản an toàn nhất trong số 4 điểm chính của thỏa thuận chung Mỹ-Triều. Tuy nhiên, Nhật Bản có thể sẽ thất vọng khi điều khoản này không nhắc đến số phận của các công dân Nhật Bản từng bị Triều Tiên bắt cóc trong Chiến tranh Lạnh.
Có thể ông Trump sẽ nhắc đến vấn đề của Nhật Bản trong những cuộc đối thoại sắp tới với ông Kim, như ông này đã cam kết trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm thứ Hai vừa qua (11/6).
Triều Tiên được lợi hơn từ thỏa thuận chung
The Guardian dẫn lời ông John Everard, cựu Đại sứ Anh tại Triều Tiên, cho biết ông Kim là người được lợi hơn từ Thượng đỉnh Mỹ-Triều khi ông Trump tuyên bố sẽ dừng tập trận với Hàn Quốc.
"Ông Kim không được hưởng lợi nhiều (trực tiếp) từ bản thỏa thuận. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hậu hội nghị, ông Trump đã tuyên bố sẽ ngừng tập trận với Hàn Quốc, động thái mà Triều Tiên luôn cực lực phản đối. Vậy là ông Kim đã 'trúng độc đắc' nếu xét về khía cạnh này".
Về phía Mỹ, ông Everard nhận định thỏa thuận này "khá mong manh": "Chỉ lời kể của ông Trump về một ông Kim Jong-un và một bản thỏa thuận mong manh thì không thể chứng tỏ điều gì cả".
"Những điều trong thỏa thuận chung hôm nay đều đã được đề cập tại Thượng đỉnh liên Triều. Tuy nhiên, hãy lưu ý đến những từ ngữ được sử dụng, thỏa thuận đề cập tới 'việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên', chứ không phải phi hạt nhân hóa riêng Triều Tiên".
"Bình Nhưỡng luôn tin rằng việc họ từ bỏ vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với việc các quốc gia khác, kể cả Mỹ, sẽ cam kết không tấn công tên lửa nhằm vào họ. Tôi không chắc ông Trump hiểu rõ mình vừa đồng ý với những điều khoản gì", ông Everard kết luận.
Ông Trump và ông Kim Jong Un cùng kí kết văn kiện quan trọng trong kì thượng đỉnh.