GS. Phan Văn Trường là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990. Ông là chuyên gia đàm phán quốc tế, nhà lãnh đạo và quản trị của nhiều công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới trong các lĩnh vực kinh doanh, xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước đô thị và dầu khí. Bên cạnh đó, GS còn tham gia các hoạt động giảng dạy ở nhiều trường đại học.
GS. Phan Văn Trường từng hai lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ (Đài ghi công - 1990, Bắc đẩu bội tinh - 2006), và được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" (2010).
Ông cũng chính là tác giả của nhiều đầu sách về quản trị, thương thuyết nổi tiếng như: Một đời thương thuyết, Một đời quản trị, Một đời như kẻ tìm đường, Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ…
Ở tuổi 78, GS vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động truyền cảm hứng, chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm và lời khuyên đến các bạn trẻ. Năm 2019, ông thành lập hệ sinh thái “Cấy nền”. Trong các hoạt động của “Cấy Nền”, GS Phan Văn Trường thường có nhiều buổi workshop, video chia những bài học giá trị, lời khuyên đến các bạn trẻ.
Trên kênh TikTok của “Cấy Nền Radio”, giáo sư từng giải đáp một câu hỏi, chia sẻ những quan điểm của mình về “số phận”. GS Phan Văn Trường chia sẻ rằng khi còn trẻ, ông cũng thường băn khoăn, suy nghĩ về số phận và tương lai như việc mình có giàu có hay thành công không? Tuy nhiên, khi lớn tuổi, ông nhận ra rằng, những điều đến trong cuộc sống là từ sự lựa chọn của mỗi người, là kết quả của những quyết định và lựa chọn cá nhân.
GS nói: “Số phận con người là một điều rất quan trọng. Ngay thời mà tôi còn trẻ, tôi rất đăm chiêu, suy nghĩ rất nhiều về số phận của mình, nghĩ rằng, không biết sau này mình sẽ như thế nào. Mình có làm to không? Mình có giàu không?... Tất cả những thứ đó đến tuổi này của tôi, thì tôi thấy rằng, thật sự buồn cười quá! Những năm đó mới đặt ra những câu hỏi mà bây giờ mình thấy rằng không cần có câu trả lời.
Mình thấy rằng, chuyện gì rồi cũng tới, mà nó tới làm sao nhỉ? Nó tới như là một cái sự lựa chọn mà trong đó, mình cũng có một cái quyền tự lựa chọn. Chẳng hạn như là không ai bắt tôi làm kỹ sư, tôi đã chọn làm kỹ sư. Mà rồi cái cuộc đời kỹ sư cũng đưa tôi tới những bờ bến rất là vui vẻ và thành công”.
GS cũng cho biết, ông cũng từng mong muốn giàu có, nhưng ông nhận ra sự giàu có không mang lại hạnh phúc, mà chính việc có đủ để sống và trân trọng những ân huệ của cuộc sống mới là hạnh phúc. Do đó, theo ông, điều quan trọng tiên quyết là thái độ trước cuộc sống.
“Tôi cũng đã từng "thèm tiền", phải nói thật là như thế. Rồi rất nhanh chóng tôi hiểu được rằng, tôi chẳng bao giờ giàu cả. Quả thực suốt cuộc đời tôi, tôi không bao giờ giàu hết. Không những thế, đến tuổi này tôi mới hiểu được rằng là cái giàu mới là cái khổ. Mình “đầy đủ” cuộc sống của mình mới là cái sướng. Nói tóm lại, nào là quyền thế, tài sản, tất cả những thứ đó, mình thay đổi quan điểm của mình theo thời gian.
Những cái điều mà mình thấy hay năm 20, nó không hay nữa năm 40, nó lại hay trở lại năm 50 và nó lại hoàn toàn vô ích năm 60. Thế thành ra các bạn ạ, hãy sống một cách vô tư, tự nhiên và cảm nhận được cái gì mà vũ trụ cho các bạn như những ân huệ, bạn phải biết trân quý. Điều mà sướng là tới từ việc mình nhận những ân huệ đó, cảm nhận được tất cả hạnh phúc của mình và may mắn của mình. Thành ra rốt cuộc nó là một cái thái độ các bạn nhé. Là thái độ trước cuộc sống chứ không phải là một số phận mà người ta định trước cho các bạn đâu”, GS chia sẻ.