GS Phan Văn Trường, 78 tuổi, từng đi qua 80 quốc gia, đàm phán 60 tỷ USD đưa ra lời khuyên: Bớt tính toán nặng nề, “thơ thới” mà sống

Minh Nguyệt |

GS Phan Văn Trường đã đưa ra những lời khuyên, chia sẻ nhiều bài học giá trị cho người trẻ. Theo giáo sư, nhiều người mắc một “cái bệnh”, đó là hay tính toán. Vị giáo sư 78 tuổi cho rằng, thay vì tính toán nặng nề, chúng ta nên sống vô tư, “thơ thới” hơn, cùng với đó mạnh dạn vượt khó khăn” để đào tạo trái tim, mài giũa trí óc và thử thách tâm khảm!

Khánh Vy (SN 1999) là "MC quốc dân" với nhiều thành tích ấn tượng, được nhiều bạn trẻ yêu mến. Cô nàng cũng là nhà sáng tạo nội dung gen Z có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Các bài đăng của Khánh Vy trên mạng xã hội đều có nội dung truyền năng lượng tích cực cho giới trẻ, do đó thu hút lượng lớn bạn trẻ quan tâm, theo dõi. Không chỉ được ngưỡng mộ bởi sự nghiệp thành công, cô nàng còn được nhiều người yêu mến bởi luôn toát lên năng lượng nhiệt huyết, tích cực và truyền cảm hứng.

GS Phan Văn Trường, 78 tuổi, từng đi qua 80 quốc gia, đàm phán 60 tỷ USD đưa ra lời khuyên: Bớt tính toán nặng nề, “thơ thới” mà sống- Ảnh 1.

MC Khánh Vy.

Trên các nền tảng mạng xã hội của Khánh Vy, cô nàng sáng tạo, đăng tải nhiều nội dung có ý nghĩa, lan tỏa năng lượng tích cực. Mới đây, trên kênh Youtube hơn 2 triệu người đăng ký của mình, Khánh Vy có chia sẻ video về cuộc trò chuyện với GS. Phan Văn Trường với tựa đề “Cách để Trở Thành Phiên Bản Tốt Nhất và Phi Thường Nhất của Chính Mình”.

GS. Phan Văn Trường là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990. Ông là nhà lãnh đạo, quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. GS từng đi qua 80 quốc gia, đàm phán các hợp đồng lên tới 60 tỷ USD. Năm 2019, GS. Phan Văn Trường còn thành lập hệ sinh thái “Cấy nền”, một hệ sinh thái với chuỗi các khoá học hoàn toàn miễn phí, hướng thanh niên khởi nghiệp và giải quyết những khó khăn nghề nghiệp và đời sống.

GS Phan Văn Trường, 78 tuổi, từng đi qua 80 quốc gia, đàm phán 60 tỷ USD đưa ra lời khuyên: Bớt tính toán nặng nề, “thơ thới” mà sống- Ảnh 2.

GS. Phan Văn Trường.

Trong cuộc trò chuyện với MC Khánh Vy, GS. Phan Văn Trường đã chia sẻ nhiều bài học giá trị và truyền cảm hứng tích cực đến mọi người.

Bài học từ những năm tháng tuổi trẻ gói gọn trong 3 chữ “tình yêu thương”

Ở tuổi gần 80, GS. Phan Văn Trường khiến nhiều người ngưỡng mộ khi ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết, truyền cảm hứng, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học đến với nhiều người. Trong cuộc trò chuyện với Khánh Vy, khi tua lại những năm tháng tuổi trẻ, GS. Phan Văn Trường nhớ lại: “Mình sinh ra trong một gia đình không thể nói là trung bình hơn được. Cha mình hồi đó chỉ là một công chức trung bình. Mẹ mình thì là một nhà nội trợ, cố gắng hết sức tam tòng tứ đức. Mình sinh ra mình được chiều chuộng nhưng trong nhà không có nhiều vật chất, chỉ có tình yêu. Người cha rất theo dõi sát phát triển của con. Đáng lẽ tất cả người trẻ Việt Nam phải được hưởng như thế thì mới đúng, thầy rất tiếc là có một số người không được hưởng như thế”.

Nghe những chia sẻ từ GS, cô nàng Khánh Vy cũng nhận ra điểm chạm tương đồng với cuộc sống của mình.“3 chị em nhà con cũng hay nói rằng bố mẹ hay dặn: “Tuy bố mẹ không để lại nhiều của cải, vật chất nhưng điều lớn nhất mà bố mẹ để lại cho các con là tinh thần”, nữ MC nói thêm.

GS Phan Văn Trường, 78 tuổi, từng đi qua 80 quốc gia, đàm phán 60 tỷ USD đưa ra lời khuyên: Bớt tính toán nặng nề, “thơ thới” mà sống- Ảnh 3.

Mở đầu cuộc trò chuyện, GS. Phan Văn Trường và Khánh Vy chọn bắt đầu với câu chuyện “tình yêu thương”. GS nhận ra bản thân rất thoải mái với cuộc sống bởi mình nhận được những tình thương và sẵn sàng cho lại tình thương. Theo GS, tình yêu thương ở đây sẽ bao trùm lên các khía cạnh về đạo đức. Có lẽ, bởi luôn chọn “tình yêu thương” làm điểm xuất phát trên mỗi hành trình của mình nên GS. Phan Văn Trường chia sẻ: “Thầy đi khá nhiều, chân thì mỏi rồi thế nhưng trái tim mỗi lần gặp thêm nó lại lớn lên chứ không nhỏ đi”.

Khánh Vy cũng bày tỏ sự đồng điệu về quan điểm của GS, cô nàng tin tình yêu thương là căn nguyên cốt lõi nhất của mỗi con người khi sinh ra. Cô nàng chia sẻ: “Con tin những điều rất tốt đẹp, bản chất của một người. Con nhớ đến từ mà thầy hay sử dụng trong “Cấy nền radio” là “vô tư”, “cứ vô tư đi các con”.

GS. Phan Văn Trường khuyên rằng nên vô tư và “thơ thới” mà sống, đồng thời ông cũng chỉ ra một “cái bệnh” của số đông mọi người, đó là hay tính toán. “Nặng nề đôi khi đi tới ê chề. Bài học đầu tiên mà chúng ta có thể rút ra được, sống một cách thơ thới, thơ thới mà sống. Sự thơ thới có một cái ảnh hưởng rất hay về mặt y khoa. Con người mà thơ thới thì rất lạc quan. Khi mình lạc quan thì mình khó nhúm bệnh lắm. Con người của thầy rất lạc quan, nên tinh thần rất mạnh”, GS chia sẻ.

Trái tim được đào tạo, trí óc được mài giũa và tâm khảm được thử thách

Nếu thường xuyên nghe những bài chia sẻ của GS. Phan Văn Trường, chắc hẳn nhiều người cũng biết, ở vị GS luôn tràn đầy tình yêu thương và sự tích cực. Những nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh, tích cực giúp chúng ta khỏe mạnh, hạnh phúc, gia tăng năng lượng, động lực và hiệu suất. Và ai cũng hiểu được điều này. Nhưng làm sao để tích cực? Tích cực liệu là tính cách của một người khi sinh ra đã có hay phải trải qua tôi luyện? Khánh Vy cũng đã đặt câu hỏi này với mong muốn được GS. Phan Văn Trường giải đáp.

Nhìn lại hành trình đã qua suốt gần 80 năm của mình, GS. Phan Văn Trường nhận ra những điều diễn ra trong những ngày tháng trước đó đều là sự chuẩn bị của những năm tháng sau này. Mọi thứ diễn trên hành trình ấy đều góp phần mang lại sự thay đổi.

GS Phan Văn Trường, 78 tuổi, từng đi qua 80 quốc gia, đàm phán 60 tỷ USD đưa ra lời khuyên: Bớt tính toán nặng nề, “thơ thới” mà sống- Ảnh 4.

GS. Phan Văn Trường chia sẻ: “Thầy có một cái may mắn là được nhìn lại cuộc đời của mình 80 năm. Bây giờ mình mới hiểu được những năm tháng đó chuẩn bị cho mình 80 năm sau. Tất cả quá trình đó đã biến đổi mình từ một đứa trẻ đã từng được chiều chuộng sang một đứa trẻ biết nhịn nhục, biết chịu thua, biết nhận ân huệ của cuộc đời đôi khi nó là sự ngược đãi của cuộc đời”.

“Sau này, bài học này sẽ dẫn mình trên một con đường khác. Dẫn trên con đường mình đi, càng có nhiều khó khăn, thử thách để rồi dần dần trái tim của mình được đào tạo, trí óc của mình được mài giũa, tâm khảm của mình được thử thách. Dần dần mình mới trở thành con người hoàn toàn khác”, GS nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại