LTS: Thiên tai, thảm họa tự nhiên ngày càng nguy hiểm, khó lường, và Việt Nam lại là một trong những quốc gia phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu mạnh mẽ nhất trên thế giới.
Bài phỏng vấn GS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng của CERED Việt Nam, người từng đạt giải Nobel năm 2007 (giải thưởng tập thể) cho công trình Báo cáo về Biến đổi khí hậu, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của APEC 2017 với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và an ninh lương thực.
- Phóng viên: Thưa GS.TS Nguyễn Hữu Ninh, xin ông cho biết, chủ đề chính của APEC 2017 liên quan đến biến đổi khí hậu là gì?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh:
Với chủ đề này, Việt Nam đã chọn ra 4 vấn đề ưu tiên, trong đó tôi nghĩ có vấn đề thứ nhất và thứ tư liên quan tới biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bao gồm:
Vấn đề thứ 1: Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm là một trong những ưu tiên hợp tác APEC Chiến lược APEC về tăng trưởng chất lượng giai đoạn đến năm 2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Cải cách cơ cấu và đổi mới sáng tạo cũng đóng vai trò rất quan trọng nhằm tạo năng động mới cho tăng trưởng, thông qua việc cải thiện năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm phân bổ nguồn lực hiệu quả. Đây là mô hình tăng trưởng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Vấn đề thứ 4: An ninh lương thực gắn với "nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu" giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn các tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu.
Thật vậy, vùng châu Á – Thái Bình Dương cung ứng khoảng 55% tổng sản lượng nông sản thế giới. An ninh lương thực cũng là mục tiêu thứ hai trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Và trong khuôn khổ APEC 2017, đã có nhiều hội nghị liên quan tới vấn đề an ninh lương thực, ứng phó thiên tai và phát triển bền vững diễn ra như: Hội nghị các quan chức cao cấp về Quản lý thiên tai; Diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; Đối thoại cao cấp về du lịch bền vững.
- Phóng viên: Được biết, hội nghị APEC 2016 diễn ra tại Lima (Peru), các nhà lãnh đạo thành viên APEC cũng họp bàn về vấn đề an ninh lương thực ứng phó với biến đổi khí hậu. Vậy, trong kỳ APEC 2017 lần này, vấn đề an ninh lương thực có gì mới mẻ, đột phá so với năm 2016 thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Kết quả đạt được của vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu của APEC 2017 nổi bật là:
+ Kế hoạch hành động thực hiện chương trình khung nhiều năm của APEC về an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu;
+ Kế hoạch thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn - đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng;
+ Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.
An ninh lương thực hay an ninh lương thực quốc gia được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu.
So với hội nghị APEC 2016, thì các bước đi để hiện thực hóa các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông thôn bền vững đã rõ ràng hơn nhiều.
- Phóng viên: Theo giáo sư, mối quan tâm về an ninh lương thực giữa một người dân ở Hà Nội chẳng hạn (hầu như không chịu thiên tai) với một người dân ở khu vực hay bị thiên tai (chẳng hạn như đồng bào Khánh Hòa vừa trải qua cơn bão số 12) khác nhau thế nào? Họ bị tác động thế nào bởi biến đổi khí hậu, cũng như nên ứng phó thế nào với vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh lương thực?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Có nhiều vấn đề liên quan tới chủ điểm an ninh lương thực, theo tôi nghĩ, nó có 2 nhóm chủ điểm chính: 1/ là vấn đề thiếu lương thực, và lương thực chất lượng; 2/ là vấn đề thừa lương thực và phân bố lương thực không đồng đều.
Khó có thể so sánh tức thì mối quan ngại về an ninh lương thực giữa người dân ở vùng ít chịu thiên tai với vùng chịu nhiều thiên tai, bởi mối lo này có ở nhiều dạng khác nhau.
Tuy nhiên, sau khi chịu ảnh hưởng của thiên tai, thì vấn đề cung cấp đủ lương thực cho người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng rất cần được quan tâm; đó là chưa nói tới các vấn đề về lương thực chất lượng.
Vì thế, bên cạnh việc nghe theo chỉ dẫn từ các nhà quản lý, mỗi người dân nên tự nâng cao nhận thức của mình, chủ động theo dõi thông tin thời tiết để có thể đưa ra các biện pháp tích trữ lương thực chủ động cũng như hoạt động ứng phó chủ động.
- Phóng viên: Thưa GS.TS Nguyễn Hữu Ninh, từ năm nào APEC bắt đầu đặt vấn đề về biến đổi khí hậu? Và từ đó đến nay, vấn đề này đã được quan tâm theo các mức như thế nào?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Hội nghị liên quan tới ứng phó thiên tai tại APEC đã diễn ra được 11 lần. Và thực tế, APEC đã quan tâm tới các vấn đề liên quan tới biển đổi khí hậu từ năm 1993.
Điều này được thể hiện qua tuyên bố về tầm nhìn kinh tế của các nhà lãnh đạo APEC về vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý nguồn năng lượng và năng lượng tái tạo để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững và bảo vệ tương lai của người dân.
Từ đó đến nay APEC đã có rất nhiều hoạt động liên quan tới các vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường biển…
- Phóng viên: APEC đã nói nhiều, bàn nhiều về vấn đề biến đổi khí hậu, vậy trong thực tế APEC đóng vai trò như thế nào trong việc giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu? GS có thể kể vài ví dụ về những thành tựu mà APEC đạt được trong vấn đề này không?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Đầu tiên, kết quả của các phiên thảo luận của APEC đóng vai trò thúc đẩy sự thay đổi chính sách của các nước thành viên. Bên cạnh đó các vấn đề về công nghệ cũng như các giải pháp cụ thể cũng giúp hiện thực hóa các giải pháp được đưa ra trong các phiên họp trực thuộc.
Điều này đóng vai trò rất lớn trong việc đảm bảo với việc phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân.
- Phóng viên: Năm 2017, Việt Nam là nước chủ nhà của APEC, vậy ông dự đoán vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam năm nay có thể tạo ra nội dung, chương trình đột phá nào không?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Với tư cách là nước chủ nhà của APEC 2017, và là một nước nông nghiệp, chắc chắn các đề xuất chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam năm nay sẽ cụ thể hoá tầm nhìn này trên cơ sở thực tế của Việt Nam ứng phó với thời tiết cực đoan trong những năm qua.
- Phóng viên: Cuối tháng 10/2017, Sophia là robot đầu tiên trên thế giới được Ả Rập Xê Út trao quyền công dân. Đây là một trong nhiều câu chuyện điển hình về điều người ta hay nói thời gian qua - cách mạng công nghiệp 4.0.
Vậy thì xin hỏi GS, với nông nghiệp - trong điều kiện phải ứng phó biến đổi khí hậu - thì "cách mạng 4.0" liệu chăng cũng là chuyện "robot thì ra đồng, còn người nông dân thì về nhà", hay sẽ là điều gì khác? GS có thể kể thêm một vài mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà chúng ta có thể tham khảo?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp chúng ta sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn. Nó không chỉ là việc hiện đại hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp mà bao gồm cả việc đưa ra các thông tin để sử dụng nông sản một cách hiệu quả.
Xét về các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta đã thấy: Hệ thống tưới tiêu tự động - hệ thống này giúp chúng ta sử dụng nước hiệu quả hơn, tránh lãng phí nước; Hệ thống cung cấp dinh dưỡng và phân bón cho cây trồng tự động dựa vào sự phân tích liên tục trạng thái cây trồng...
- Phóng viên: Tính cho đến nay, Việt Nam đã áp dụng được thành tựu gì từ cuộc cách mạng công nghệ cao cho nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực trước những hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Cụm từ công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp nghe có vẻ xa xỉ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là ứng dụng những công nghệp tiên tiến nhất của thế giới vào điều kiện Việt Nam, dù tên gọi là 3.0, 3.5 hay 4.0.
Việc thích ứng với biến đổi khí hậu cần có sự thay đổi của cả hệ thống, không chỉ đơn giản là sử dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp.
- Phóng viên: Là đại biểu tham dự trực tiếp vào các cuộc họp chuẩn bị cho Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017 diễn ra từ ngày 18-25/8/2017 tại Cần Thơ, GS có nhận định như thế nào về tầm quan trọng của việc thích ứng với biến đổi khí hậu đối với các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (trong về vấn đề lương thực nói riêng và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu nói chung?)
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu đang ngày một nghiêm trọng, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày một khó lường, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh con người, an ninh lương thực.
Chúng ta thấy giá nông sản lên xuống thất thường sau thiên tai; chúng ta cũng đã thấy người dân các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai thiếu lương thực – thực phẩm… Đó là hậu quả của hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu và vấn đề của việc sử dụng tài nguyên không hợp lý.
Điều ấy ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh con người, bởi vậy, việc thích ứng với biến đổi khí hậu của các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương trong về vấn đề lương thực nói riêng và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu nói chung là cực kỳ quan trọng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bạn có biết: APEC 2016 đã bàn gì về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực?
Theo thông tin từ báo Nông nghiệp VN, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã ước tính hiện nay trên thế giới vẫn còn gần 800 triệu người thiếu đói và hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển. Chính vì thế, an ninh lương thực đang là vấn đề nóng bỏng trên thế giới.
Đối với riêng các thành viên APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề an ninh lương thực trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, bởi, đây là khu vực chịu tác động của thiên tai mạnh mẽ nhất thế giới.
Trong kỳ APEC 2016 chủ đề "Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực" diễn ra tại Lima (Peru), trong Tuyên bố chung APEC 2016 đăng trên APEC.org, có đoạn:
"... Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn đối với sản xuất lương thực và an ninh lương thực. Chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các chính sách nhằm giải quyết mối quan hệ giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu theo những cách tôn trọng các điều kiện khác nhau trong từng nền kinh tế và hoan nghênh Chương trình APEC về An toàn Thực phẩm và Biến đổi Khí hậu.
Chúng tôi cũng cam kết tăng cường các nỗ lực để giảm nhẹ tác động của thiên tai, lũ lụt và các thảm họa từ biến đổi khí hậu liên quan đến sản xuất lương thực và an ninh lương thực..."