GS Mỹ: Với những "lần đầu tiên" của TT Trump, 6 tháng tiếp theo đây sẽ hết sức thú vị

Đức Huy |

Trả lời báo điện tử Trí Thức Trẻ, GS.TS William Frasure, chuyên gia ngành chính phủ - quan hệ quốc tế Đại học Connecticut (Mỹ) cho rằng, hiệp định TPP vẫn có thể tồn tại dù Trump đắc cử.

PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả cuộc bầu cử?

GS.TS William Frasure: Thẳng thắn mà nói thì đây là một kết quả đáng kinh ngạc, bởi đại đa số các cuộc thăm dò dư luận, các nhà phân tích chính trị, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, tất cả đều không lường trước được chiến thắng thuộc về Trump.

Chỉ một tuần trước ngày bầu cử, gần như tất cả giới phân tích, các cuộc thăm dò, đều dự đoán chiến thắng cho Hillary Clinton, và có cảm giác như kết quả đã được định đoạt.

Theo dõi diễn biến đêm bầu cử, tôi thấy khá thú vị. Nó khá giống với những gì tôi đã được chứng kiến trong sự kiện Brexit. Những người tường thuật trên truyền hình không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Kết quả bầu cử, cũng như sự kiện Brexit, cho thấy giới phân tích chính trị không thực sự nắm rõ được tình hình như họ nghĩ.

Điều này cũng nêu lên vấn đề về năng lực của những người làm thăm dò dư luận, của giới truyền thông đưa tin về bầu cử. Tôi cho rằng công chúng có quyền đặt dấu hỏi, bởi đại đa số các dự đoán đều sai hoàn toàn. Các trung tâm thăm dò dư luận và giới truyền thông đã bỏ qua quá nhiều yếu tố liên quan đến cuộc bầu cử lần này mà đáng ra họ phải xem xét kĩ lưỡng.

GS Mỹ: Với những lần đầu tiên của TT Trump, 6 tháng tiếp theo đây sẽ hết sức thú vị - Ảnh 1.

PV: Vậy là Trump đã trở thành Tổng thống đắc cử của nước Mỹ, ông nghĩ sao?

GS.TS William Frasure: Dù Trump đã chiến thắng với cách biệt lớn về đại cử tri, nhưng vẫn thua Clinton về lượng phiếu phổ thông. Trump phải nhận ra rằng sức ép phải làm tốt nhiệm vụ mà người dân đặt lên ông là rất lớn.

Trump chưa từng có kinh nghiệm làm chính trị, mà trong giới chính trị Mỹ áp lực luôn rất, rất nặng nề, nhất là với vị trí quyền lực nhất trên chính trường không chỉ nước Mỹ mà thậm chí toàn thế giới.

Áp lực sẽ đến từ nhiều hướng, trong đó mạnh nhất sẽ lầ từ giới tinh hoa của đảng Dân chủ, từ giới doanh nghiệp của đảng Cộng hòa, từ phố Wall, tất cả đều có thiên hướng ủng hộ thương mại tự do.

Trump cũng là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ lên nắm quyền mà trước đó chưa hề giữ chức vụ trong bộ máy chính trị hoặc mang hàm tướng quân đội. Rất nhiều công việc trong Nhà Trắng sẽ là trải nghiệm mới hoàn toàn đối với Trump. Ông sẽ có rất nhiều kiến thức mới để tiếp thu, và phải tiếp thu thật nhanh.

Người dân Mỹ cũng có sẽ có rất nhiều điều để "tiếp thu" về Tổng thống mới của họ. Trong suốt chiến dịch tranh cử, các phát biểu của Trump tuy rất màu mè, ồn ào nhưng không hé mở nhiều chi tiết cụ thể. Việc Trump chưa từng giữ chức vụ gì trước đó cũng khiến ta khó lòng đoán trước được điều gì.

Do đó, khoảng thời gian 6 tháng tới đây sẽ hết sức thú vị, hơn 2 tháng cho quá trình chuyển giao, và sau đó là 3-4 tháng đầu nhiệm kì, Trump sẽ có rất nhiều việc phải làm. Ông cam kết sẽ "đưa nước Mỹ trở về thời hoàng kim", sẽ mang công ăn việc làm trở về Mỹ, sẽ đánh bại IS, nhưng cụ thể làm như thế nào thì chúng ta chưa biết.

PV: Đành rằng Trump rất mơ hồ trong các phát biểu chính sách của mình, song liệu ông có thể đoán trước Tổng thống Trump sẽ làm gì trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền không?

GS.TS William Frasure: Một trong những điều chắc chắn Trump sẽ làm có liên quan đến đạo luật Obamacare. Hệ thống bảo hiểm y tế ở Mỹ hiện nay đang sụp đổ. Nhận định của tôi không có tính chất đảng phái, mà đó thực sự là những gì đang diễn ra. Đây thực sự đã trở thành một thảm họa (trainwreck).

Obamacare đang không phát huy tác dụng, phí bảo hiểm đang tăng ở mức cao khủng khiếp, nhiều người đã phát sợ, không thể chi trả, và rút khỏi chương trình bảo hiểm này. Các công ty bảo hiểm cũng đang tìm cách tháo chạy. Phải làm gì đó với vấn đề này.

Trump cũng đã nói rằng kế hoạch của ông là hủy bỏ đạo luật này và thay thế bằng một cái gì đó. Nhưng "cái gì đó" cụ thể là gì thì ông không nói rõ. Chưa ai biết ông sẽ đề xuất dự luật bảo hiểm y tế như thế nào để thay thế Obamacare.

Ngoài ra, trong vấn đề đối ngoại, tôi cho rằng Trump sẽ không đưa bộ binh tới chiến trường, sẽ không đưa nước Mỹ lún sâu vào một cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Hillary dường như là một Tổng thống "diều hâu" hơn Trump trong khía cạnh này.

Mặt khác, Trump thường xuyên có những phát biểu màu mè và ồn ào về việc loại bỏ khủng bố, ví dụ như tuyên bố sẽ "đập tan IS".

Nhưng để làm được như những phát biểu ấy, để đạt được tham vọng loại bỏ khủng bố, Trump sẽ không có cách nào khác phải dùng đến súng, phải dùng đến bộ binh, phải can thiệp quân sự trực tiếp.

GS Mỹ: Với những lần đầu tiên của TT Trump, 6 tháng tiếp theo đây sẽ hết sức thú vị - Ảnh 2.

Liệu Trump có thể vừa hiện thực hóa tham vọng đập tan IS, vừa không phải điều động bộ binh Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp? Ảnh: Reuters

Trong nhiều bài phát biểu, Trump đã nhắc đến việc rút Mỹ ra khỏi liên minh NATO. Nhưng theo tôi đây chỉ là nói cho ra vẻ vậy thôi, chứ ông sẽ không làm vậy, sẽ không có chuyện Mỹ rút khỏi NATO.

Nhưng một điều mà tôi nghĩ ông sẽ làm, và cũng là một điều tôi cho là đúng đắn, đó là gây áp lực lên các nước thành viên NATO khác, ép họ phải đóng góp một phần lớn hơn vào chi tiêu quân sự của liên minh.

Mỹ hiện chiếm khoảng 40% tổng GDP của NATO, nhưng lại đang chi tới 70% ngân sách quốc phòng hàng năm cho liên minh. Do đó chẳng có gì là quá đáng nếu Trump nói với các nước thành viên khác rằng: "Này các ông, chúng tôi sẽ không tiếp tục chi trả tới 70% ngân sách đâu, các ông phải đóng góp thêm đi".

PV: Cũng liên quan đến chính sách đối ngoại, ông nghĩ Trump sẽ có những chính sách gì trong quan hệ với các nước lớn như Nga, Trung Quốc?

GS.TS William Frasure: Trump đã nhiều lần bày tỏ ý định, và cũng bị đối thủ Hillary Clinton chỉ trích rất nhiều vì ý định này, sẽ tìm cách hàn gắn quan hệ với Nga, với Tổng thống Vladimir Putin.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã nhiều lần tìm cách đổ tội việc quan hệ Nga-Mỹ đang xấu như hiện nay là lỗi của Clinton khi bà còn là Ngoại trưởng, nhưng theo tôi điều đó không đúng. Putin là một nhân vật khá khó đoán, và theo tôi phần lớn trách nhiệm dẫn tới quan hệ Nga-Mỹ xấu đi thuộc về Putin, chứ không phải Obama và Clinton như Trump vẫn nói.

Tuy vậy, Trump đã nhiều lần ngỏ ý muốn khôi phục quan hệ với Nga, và Putin cũng thể hiện thiện chí. Chúng ta hãy chờ xem.

Với Trung Quốc, Trump có những thông điệp tương đối trái ngược. Trong một số phát biểu, Trump tuyên bố sẽ gắn cho Trung Quốc cái mác một quốc gia thao túng tiền tệ, và điều này đương nhiên sẽ khiến Bắc Kinh tức giận, hệ quả có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế cả hai nước, nhưng Mỹ sẽ là bên chịu thiệt hại nặng hơn. Đây là điều mà rất nhiều nhà kinh tế tại Mỹ đang lo ngại.

GS Mỹ: Với những lần đầu tiên của TT Trump, 6 tháng tiếp theo đây sẽ hết sức thú vị - Ảnh 3.

Liệu Trump có gắn cho Trung Quốc cái mác quốc gia "thao túng tiền tệ"?

Dù thể hiện thái độ cứng rắn là vậy nhưng mặt khác, Trump cũng không ít lần nói rằng ông muốn một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, và sẽ tìm cách để "tạo ra những thỏa thuận tuyệt vời" với Trung Quốc. Vậy nên như những gì tôi đã nói ở trên, chúng ta chưa thể đoán trước Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ làm gì.

Còn về vấn đề Biển Đông, tôi không có ý xấu gì với Trump khi nói điều này, nhưng tôi cho rằng ông không nắm rõ lắm về tình hình Biển Đông. Những phát biểu của ông trong chiến dịch tranh cử đề cập rất ít tới Biển Đông. Vậy nên ta cũng chưa thể đoán trước được chính sách Biển Đông của Mỹ dưới thời Trump sẽ là gì.

PV: Ông đánh giá thế nào về số phận của TPP khi Tổng thống Trump lên nắm quyền?

Bản thân tôi là một người ủng hộ TPP, tôi cho rằng hiệp định này sẽ rất có lợi cho Mỹ, cho các nước thành viên, và đặc biệt là cho Việt Nam. Nhưng Trump lại là một người phản đối kịch liệt hiệp định này, cũng như các hiệp định tự do thương mại nói chung.

Trump đã nhắc đi nhắc lại trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, và coi đây là tâm điểm trong thông điệp của ông, rằng "TPP sẽ chết". Vậy nên nếu nói ở thời điểm hiện tại, thì với việc Donald Trump trở thành Tổng thống, TPP gần như chắc chắn sẽ "chết".

GS Mỹ: Với những lần đầu tiên của TT Trump, 6 tháng tiếp theo đây sẽ hết sức thú vị - Ảnh 4.

Liệu Trump có đặt dấu chấm hết cho TPP? Ảnh: AP

Nhưng nên nhớ rằng trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump cũng đã nhiều lần nói rằng ông muốn đàm phán ra "những thỏa thuận tuyệt vời" (great deals). Với những điều khoản hiện tại, TPP trong mắt Trump không phải một "thỏa thuận tuyệt vời".

Điều tôi hi vọng là các nước thành viên trong TPP sẽ không vì điều này mà đồng loạt rút khỏi hiệp định, đặc biệt tôi kì vọng vào Việt Nam. Trong số các nước thành viên đàm phán TPP, Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân ủng hộ hiệp định này cao nhất, và cũng là nước có lợi lớn nhất nếu hiệp định được thông qua.

Việt Nam lúc này cần sớm có kế hoạch tiếp cận không chỉ Tổng thống mới đắc cử, mà cả ở các tầng lớp chính trị, kinh tế, trí thức,...

Trump muốn đàm phán ra một "thỏa thuận tuyệt vời", vậy thì phản ứng của Việt Nam sẽ là "OK, vậy thì cùng nhau tạo ra cái 'thỏa thuận tuyệt vời' đó thôi. Các ông cần phía Việt Nam chúng tôi làm gì? Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng".

Việt Nam cần phải mở rộng quan hệ với nhiều đối tác khác nhau, trong đó có Mỹ, và TPP cho Việt Nam một môi trường kinh tế hết sức thuận lợi để tạo ra đối trọng trước sự bành trướng về ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Việt Nam cũng cần thông cảm và cho Trump thời gian, có thể lên tới vài năm, để bình ổn lòng dân trong nước, những người bỏ phiếu ủng hộ ông vì chính sách chống lại các hiệp định thương mại tự do, sau đó sẽ cùng hợp tác với Trump để đi đến những điều khoản thích hợp, để cùng với các nước thành viên khác đàm phán ra một "hiệp định tuyệt vời" như Tổng thống đắc cử Mỹ luôn nhấn mạnh.

Tôi hi vọng đây sẽ là những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại