Ngay sau cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử diễn ra hôm 21-9, giới lãnh đạo thế giới cùng tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại New York.
Greta Thunberg , người khởi xướng phong trào biểu tình “Thứ Sáu vì tương lai” cũng được mời phát biểu tại hội nghị này.
Hơn 1.4 triệu người biểu tình trên đường phố Ba Lan hôm 20-9. ẢNH: REUTERS
Tại hội nghị, Greta xúc động bày tỏ sự thất vọng của cô về sự dửng dưng của giới lãnh đạo trước những hậu quả hiện tại và tương lai của tình trạng biến đổi khí hậu.
“Tôi đến đây hôm nay nhằm gửi đi thông điệp: chúng tôi sẽ luôn theo dõi các vị. Tất cả mọi thứ đều bị đảo ngược cả rồi. Lẽ ra tôi không nên ở đây. Lẽ ra tôi phải đang ở trường. Ấy vậy mà, các vị tìm đến người trẻ chúng tôi và đòi chúng tôi phải hy vọng. Sao các vị dám?” - cô bắt đầu bài phát biểu của mình.
Greta bày tỏ sự thất vọng của cô về sự dửng dưng của giới lãnh đạo. ẢNH: THE ATLANTIC
“Các vị đã đánh cắp ước mơ của chúng tôi, tuổi thơ ấu của chúng tôi (...) Hệ sinh thái đang dần sụp đổ và chúng đang bước vào một giai đoạn tuyệt chủng của thế kỷ. Giữa tất cả những diễn biến đó thì các vị chỉ vẫn chỉ biết nói về tiền và theo đuổi những viễn cảnh kinh tế dài lâu một cách viển vông. Sao các vị dám?” - Greta chia sẻ.
Theo những thống kê mới nhất của đội ngũ khoa học khí hậu Liên Hiệp Quốc, tốc độ tuyệt chủng loài trên thế giới đang ở mức 200 loài mỗi ngày. Nói cách khác, cứ mỗi ngày trôi qua thì hơn 200 loài sẽ không còn tồn tại trên Trái đất.
“Hơn 30 năm nay, khoa học đã chỉ ra rất rõ (về việc biến đổi khí hậu). Sao các vị dám làm ngơ nó? Rồi các vị đến đây, dám nói rằng các vị đang làm hết sức có thể. Các vị dám nói rằng các vị lắng nghe chúng tôi, rằng các vị hiểu đây là vấn đề cấp bách. Nhưng các vị biết tại sao tôi vẫn rất giận dữ không?” - cô gái 16 tuổi người Thuỵ Điển dũng cảm đặt câu hỏi.
“Nếu các vị hiểu rõ vấn đề nhưng vẫn không hành động thì liệu là các vị có đang quá ác độc với chúng tôi không?”, cô chia sẻ khiến cả khán phòng im lặng.
Ngồi giữa cô lúc này là hơn 60 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu của các ngành công nghiệp lớn trên thế giới. Trong số này có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi , nhưng lại không có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Máy quay tình cờ bắt gặp ánh mắt của Greta khi cô nhìn thấy Tổng thống Donald Trump. ẢNH: SKY NEWS
Được biết, Mỹ là nước có mức khí thải công nghiệp lớn thứ hai trên thế giới hiện nay (sau Trung Quốc) và là quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất trong lịch sử.
Mục tiêu được đề ra của hội nghị vừa qua là đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải công nghiệp nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Theo báo cáo gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc, Trái Đất sẽ nóng lên tầm 3-4 độ C trong 50-80 năm tới nếu tiếp tục phát triển công nghiệp với tốc độ như hiện nay.
Nhà hoạt động môi trường Isabel Cavelier chia sẻ sau hội thảo: “Trung Quốc vẫn từ chối hành động. Ấn Độ vẫn giữ những cam kết cũ. Mỹ, Canada và Úc thì không có mặt. Chúng ta đang nhìn thấy viễn cảnh những cường quốc tiếp tục làm ngơ về những hậu quả của biến đổi khí hậu đúng như lời Greta nói”.
Tuy nhiên, cũng ngay sau hội thảo, một nhóm 90 tập đoàn lớn trên thế giới cùng cam kết sẽ theo đuổi mục tiêu “không khí thải” từ nay đến 2050. Một số các quốc gia khác cũng cam kết hạn chế việc sử dụng khí đốt, năng lượng than.
Trong một chia sẻ trên mạng xã hội, Greta Thunberg viết: “Chúng tôi đến đây không phải để cầu xin các vị thay đổi để cứu lấy thế hệ chúng tôi. Chúng tôi đến để nói rằng dù các vị có không muốn thì thay đổi cũng đang đến rồi đấy”.