Theo một nghiên cứu mới được Hội đồng Khí hậu của Australia công bố, ước tính giá trị tài sản của người dân Australia có thể giảm mạnh trong thập kỷ tới nếu chính phủ nước này không hành động ngay lập tức để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, người dân Australia sẽ chịu thiệt hại 571 tỷ đôla Australia (AUD) giá trị tài sản vào năm 2030 do tác động từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt bất thường gia tăng và chi phí bảo hiểm tài sản cao hơn. Số tiền này tương đương khoảng 9% tổng giá trị tài sản của người dân trên toàn quốc và bằng giá trị thiệt hại của người dân do suy thoái bất động sản hiện nay.
Theo bà Amanda McKenzie, Giám đốc điều hành Hội đồng Khí hậu, ô nhiễm đang ngày càng nghiêm trọng tại Australia đã gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô trên Rạn san hô Great Barrier và nhiệt độ tại một số vùng của Australia lên tới 50 độ C. Các khu vực ven biển có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất và các khu vực đông dân cư như Sunshine Coast, Gold Coast và thành phố Melbourne.
Với tần suất hạn hán ngày càng tăng và tồi tệ hơn trong thời gian qua trên khắp các bang New South Wales, miền Nam bang Queensland và Victoria, sản xuất nông nghiệp cũng sẽ chịu thiệt hại đáng kể, kéo theo GDP của Australia giảm 1% mỗi năm.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cảnh báo nền kinh tế Australia có thể sẽ thiệt hại 4 nghìn tỷ AUD trong 80 năm tới nếu lượng khí thải carbon không giảm.
Một nghiên cứu khác của Viện tính toán bảo hiểm cảnh báo, vào cuối thế kỷ này có đến 1/10 tài sản sẽ không thể bảo hiểm do biến đổi khí hậu. Các công ty bảo hiểm sẽ liên tục cập nhật các chiến lược rủi ro và tăng phí bảo hiểm để đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như nước biển dâng, sóng nhiệt và lũ lụt.
Theo xu hướng hiện nay, sẽ có ngày càng nhiều người Australia phải vật lộn để trả tiền bảo hiểm nhà ở. Đến năm 2030, cứ 19 chủ sở hữu thì có 1 người không đủ khả năng trả phí bảo hiểm nhà ở hàng năm tương đương 1% giá trị ngôi nhà./.