Grab, Uber và Idemitsu Q8 - Từ ứng dụng "hủy diệt" đến dịch vụ "tàn sát"

Hiệu Minh |

Cuối thế kỷ 20 thị trường tin học điều chỉnh theo hướng Killer App - ứng dụng hủy diệt - đắt xắt ra miếng vẫn mua vì hiệu quả. Đầu thế kỷ 21 có Service Killer – dịch vụ tàn sát như taxi Grab, Uber và mới đây là xăng dầu Idemitsu Q8 đe dọa lấy đi hết khách hàng của các tên tuổi truyền thống.

Killer App và sự sống phía sau Apple

Vào đầu những năm 1980, những chiếc máy tính Apple đầu tiên ra đời với giá từ 2.000 USD đến 10.000 USD nhưng bởi chưa có nhiều ứng dụng chạy dòng máy này nên Apple khi đó chỉ được xem là một món đồ chơi đắt tiền.

Mọi chuyện thay đổi khi một phần mềm có tên VisiCalc, một phần mềm bảng tính điện tử giống Excel bây giờ, ra đời cho phép cộng ngang, cộng dọc, thay một số thì kết quả cộng trừ nhân chia thay đổi theo. Vào thời đó, ứng dụng này trở thành sự kỳ diệu của máy vi tính và gần như là lời điếu cho máy tính lớn chiếm cả một tòa nhà.

Phần mềm VisiCalc bán với giá 100 USD được người dùng ưa thích trong kế toán vì số liệu được lưu trữ trên máy và in ra rất bắt mắt. Để dùng phần mềm, không ít người chấp nhận bỏ ra hàng nghìn USD để mua chiếc Apple II.

VisiCalc được gọi là Killer Application (Killer App) bởi người dùng phải chi số tiền quá lớn để có được một tiện ích nhỏ nhưng hiệu quả, "đắt xắt ra miếng" như các cụ xưa nói.

PC phát triển kéo theo các phần mềm như WordStar, WordPerfect, Lotus 1-2-3, Microsoft Office và khi Internet phát triển có thêm email. Đó được coi là những Killer App sau này.

Thị trường thực thụ là thế, không hiệu quả thì một xu cũng không bỏ. Nhưng nếu nhẩm tính, bỏ ra vài ngàn mua cái máy tính và phần mềm mà thay được vài nhân viên lương gấp 3-4 lần thì tại sao không?

Killer App là nguồn cảm hứng cho nhân loại sắm máy tính dù giá phần cứng đắt gấp nhiều lần so với phần mềm. Từ khi máy tính cá nhân ra đời năm 1970 đến 2014 đã có khoảng 3,5 tỷ PC được bán ra bởi phần mềm mang lại sự hiệu quả và tiền bạc.

Công nghệ thay đổi, ý tưởng sáng tạo mới giết chết não trạng lỗi thời. Báo giấy ra đời tưởng như ngự trị truyền thông nhưng tivi, Internet giúp báo mạng và truyền thông đa phương tiện phát triển vượt bậc và đẩy báo in đến bờ vực ngắc ngoải.

Máy ảnh số thay thế cho máy chụp phim vừa đắt vừa không hợp với thời đại số. Sự tiện lợi, giá thành thấp đã đưa chiếc máy ảnh số thành Killer – kẻ sát thủ - dù sự phát triển của nó dựa trên tình yêu truyền thống đối với nhiếp ảnh chẳng khác máy ảnh phim là bao nhiêu.

Cái cúi đầu của người Nhật - một Killer Service với cả thế giới

Ở một phía khác, ngành công nghiệp vận tải bước sang thế kỷ 21 nhưng các hãng taxi truyền thống vẫn theo kiểu dịch vụ thế kỷ 20. Lái xe phải được đào tạo bài bản, ký hợp đồng, đóng tiền thế chấp, xe phải thuê hoặc mua của hãng.

Khách hàng thì gọi điện đến trung tâm dịch vụ, nói địa chỉ, giờ đi và đợi. Giá cả tùy thuộc vào hãng và do tài xế chọn đường đi. Muốn kiếm thêm thì vòng vèo, sửa đồng hồ cho chạy km nhanh hơn, không thối lại tiền lẻ… với nhiều trò ma mãnh.

Đúng lúc ấy dịch vụ Uber và sau đó là Grab taxi ra đời trên nền Internet. Không có trung tâm điều hành, không có biển hiệu, chỉ cần một ứng dụng trên smart phone là có thể tìm ra chiếc xe nào gần mình nhất, giá là bao nhiêu, trả luôn vào tài khoản của công ty. Lái xe chỉ cần có bằng và xe đăng ký.

Gọi Grab và Uber là sát thủ của taxi truyền thống không sai chút nào, luôn đúng với cả thế giới không riêng gì Việt Nam. Khách thấy tiện và giá thấp thì họ sẽ dùng. Vốn dĩ khôn có lý do gì xây dựng đất nước bằng cách trả tiền taxi cao hơn cho dịch vụ kém hơn, bởi yêu nước cũng phải có lý.

Hãng taxi Vinasun vừa lên tiếng tẩy chay Grab và Uber bằng cách dán vào đuôi xe những khẩu hiệu phản đối thay vì họ phải giảm giá, làm dịch vụ tốt hơn, khuyến mại như hai hãng "ma" trên. Người ta nói trâu buộc ghét trâu ăn, nhưng đây là trâu ăn nhiều ghét trâu ăn ít, một kiểu ghét ngược đời.

Câu chuyện Grab và Uber với taxi truyền thống chưa lắng xuống thì truyền thông Việt Nam lại nóng rực vì một ông Nhật cúi gập người chào khách giữa trời mưa tại một trạm bán xăng.

Ngày 5/10 vừa qua, trạm xăng bán lẻ Idemitsu Q8 đầu tiên đã được đưa vào vận hành tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam.

Grab, Uber và Idemitsu Q8 - Từ ứng dụng hủy diệt đến dịch vụ tàn sát - Ảnh 1.

Hình ảnh gây bão về vị giám đốc người Nhật đứng cúi chào khách hàng Việt trong mưa.

Mạng xã hội bàn tán một đoạn video ghi lại hình ảnh tại trạm xăng này. Trong khi đổ xăng, xe ô tô của khách hàng được lau kính và lau gương hoàn toàn miễn phí, người bán xăng cúi gập người chào khách, điều chưa từng có tại các trạm xăng dầu khác ở Việt Nam.

Đó mới thực sự là Killer Service – dịch vụ sát thủ không dính gì đến IT - đối với thị trường xăng dầu Việt Nam. Người tiêu dùng vốn quá quen với giá lên xuống, bán điêu toa, phục vụ thời bao cấp, nên chắc chắn Idemitsu Q8 sẽ là lựa chọn mới.

Grab, Uber và Idemitsu Q8 - Từ ứng dụng hủy diệt đến dịch vụ tàn sát - Ảnh 2.

Đã có người ẩn ý phải cẩn thận với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nhất là xăng dầu nằm trong danh mục hàng chiến lược. Tiếc thay, thị trường theo đúng nghĩa sẽ tự điều chỉnh, khó ai có thể định hướng.

Cuối thế kỷ 20 thị trường tin học điều chỉnh theo hướng Killer App - ứng dụng hủy diệt - đắt xắt ra miếng vẫn mua vì hiệu quả. Đầu thế kỷ 21 có Killer Service – dịch vụ tàn sát như taxi Grab, Uber và mới đây là xăng dầu Idemitsu Q8 đang đe dọa lấy đi hết khách hàng của các tên tuổi truyền thống.

Danh sách Killer Service sát thủ sẽ không dừng khi hội nhập ngày càng sâu rộng. Một khẩu hiệu ở phía sau xe taxi Vinasun không đủ sức giữ chân khách hàng nếu chính họ không có dịch vụ…sát thủ ra đời nhằm hạ bệ những đối thủ khác một cách ngọt ngào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại