Ngày 12/1, Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) đã gửi đơn lên TAND TP HCM nhằm kháng cáo toàn bộ bản án tuyên bồi thường thiệt hại cho Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) hơn 4,8 tỷ đồng.
Trong đơn kháng cáo, phía Grab đề nghị cấp phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đồng thời đình chỉ giải quyết vụ án.
Grab cho rằng, cấp sơ thẩm là TAND TP HCM đã có những vi phạm tố tụng nghiêm trong, vượt quá thẩm quyền xét xử vụ án. Phía bị đơn cũng cho rằng bản án sơ thẩm mà cấp tòa này đã tuyên đã vượt quá phạm vi yêu cầu bồi thường, cấp tòa cũng không triệu tập nhiều bên liên quan theo yêu cầu của Grab như đại diện Bộ GTVT, đại diện Công ty giám định Cửu Long...
Như trong những phiên xử diễn ra tại cấp sơ thẩm, trong đơn kháng cáo, Grab một lần nữa khẳng định không vi phạm đến quyền lợi của Vinasun mà do hãng taxi truyền thống này không chịu đổi mới công nghệ, cung cấp vận hành. Grab cho rằng, Vinasun không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab tác động đến thiệt hại thực tế của nguyên đơn.
Theo Grab, nếu cấp phúc thẩm không đình chỉ vụ án thì cũng cần sửa một phần bản án này, bác yêu cầu khởi kiện của phía Vinasun. Phía bị đơn cũng cho rằng, TAND TP HCM đánh giá không đầy đủ khách quan và yêu cầu bác bỏ việc cấp tòa kiến nghị Bộ GTVT xác định Grab kinh doanh vận tải, vi phạm pháp luật.
Đại diện Grab trong một lần ra tòa.
"Tòa cũng đi quá xa ngoài phạm vi chức năng của mình là đã xác định việc bị đơn là Grab đã vi phạm đề án thí điểm, vi phạm pháp luật về giao thông vận tải. Việc này thuộc chức năng quản lý của Nhà nước, của cơ quan Chính phủ", luật sư Lưu Tiến Dũng (bảo vệ cho Grab) nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí, đại diện Grab khẳng định đang chuẩn bị cho một vụ kiện Vinasun và một số bên khác nếu họ không rút lại các cáo buộc nhắm vào công ty này.
"Bất chấp phán quyết này, chúng tôi kiên quyết bảo vệ uy tín và thương hiệu của mình trước những cáo buộc vô lý, sai sự thật và vô văn cứ do phía Vinasun đưa ra nhằm chống lại chúng tôi tại tòa và dẫn dắt công chúng trong những ngày này.
Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi đang chuẩn bị cho một vụ kiện Vinasun và một số bên khác, nếu họ không rút lại các cáo buộc vô căn cứ nhắm vào Grab trong suốt nhiều tháng qua, nhằm đánh lạc hướng dư luận trong vụ kiện này" - Ông Jerry Lim (Giám đốc Grab Việt Nam) khẳng định.
Hồi tháng 6 năm ngoái, Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.
Vinasun cho rằng, dù Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.
Ngày 28/12, TAND TP HCM chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tòa kiến nghị bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có thẩm quyền xem xét Grab là loại hình dịch vụ kinh doanh vận tải để quản lý đúng theo quy định pháp luật; Kiến nghị Bộ Tài chính quản lý giá cước, thuế của Grab theo quy định; Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo Grab thực hiện đóng bảo hiểm cho các tài xế...