"Gót Achilles" của NATO: Đâu là chiến địa mà quân Nga sẽ vùi dập liên minh phương Tây?

Quang Huy |

Trong bài viết trên tờ Daily Beast, nhà báo David Ex cảnh báo rằng Hành lang Suwalki (Suwalki Gap) là khu vực dễ tổn thương nhất của NATO trước sức mạnh của Nga.

Theo Ex, nếu như căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng, cuộc xung đột vũ trang có thể bắt đầu tại chính khu vực này, và Điện Kremlin đang có ưu thế.

Hành lang Suwalki là gì?

Nga, như mọi cường quốc quân sự nào khác, thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận, di chuyển các lực lượng vũ trang trên lãnh thổ của mình và triển khai những đơn vị trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh.

Tuy nhiên, theo nhà báo David Ex, cuộc tập trận mới đây của Nga đáng được quan tâm ở chỗ, nó diễn ra ngay cạnh khu vực được biết đến là Hành lang Suwalki, hành lang đường bộ giả định, mà có thể kết nối lãnh thổ Belarus với tỉnh Kaliningrad của Nga.

Hồi tháng 9, Nga và Belarus đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn với sự tham gia của 12.000 binh sĩ và 950 phương tiện quân sự.

Gót Achilles của NATO: Đâu là chiến địa mà quân Nga sẽ vùi dập liên minh phương Tây? - Ảnh 1.

Quân đội Nga trong một cuộc tập trận phô trương sức mạnh tại Kaliningrad (Ảnh: Daily Mail)

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Phương Tây và Nga leo thang, cũng như những nỗ lực của Nga củng cố vị thế của mình tại Crimea, hành lang với chiều dài gần 100km chạy ngang qua biên giới Litva và Ba Lan ngày càng thu hút sự quan tâm của các đồng minh trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chính tại đây, theo ý kiến của tác giả bài viết, có thể nổ ra cuộc chiến trong trường hợp chiến tranh lạnh mới bùng phát.

Ông Ex lưu ý, đó sẽ là vấn đề đối với NATO. Với 29 thành viên bao gồm Mỹ, NATO sở hữu quân lực hùng mạnh hơn Nga nhiều lần. Song rất nhiều binh lực dự phòng của NATO đóng cách xa "chiến trường" tiềm năng như Hành lang Suwalki hàng trăm, hoặc trong trường hợp quân Mỹ là hàng nghìn km.

Trong khi binh lực của NATO tại đây được đánh giá là mỏng manh nhất, những lãnh thổ này lại bị giới hạn bởi Kaliningrad, nơi bố trí khá đông cụm các đơn vị lục quân của Nga.Từ vùng quân sự phía Tây, binh lực và phương tiện Nga chỉ cần di chuyển quãng đường ngắn để tiến tới Hành lang Suwalki.

Đồng thời, việc chiếm đóng khu vực này sẽ chia cắt các nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva khỏi những thành viên khác của Liên minh.

“Hành lang Suwałki là nơi hội tụ nhiều điểm yếu về lực lượng và chiến lược của NATO," cựu tư lệnh các đơn vị của Mỹ tại châu Âu, tướng Ben Hodges cho biết.

Hodges chỉ huy hàng ngàn lính Mỹ ở châu Âu trong giai đoạn 2014-2017. Ngay trước lúc nghỉ hưu, ông đã tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn của NATO dọc Hành lang Suwalki.

"Hành lang rất dễ bị tổn thương," tướng Mỹ cảnh báo.

"Nga có thể chiếm lĩnh các nước Baltic nhanh hơn chúng ta có thể bảo vệ họ," ông Hodges thừa nhận trên tuần báo Die Zeit của Đức năm 2016.

John Deni, giáo sư tại Viện nghiên cứu chiến lược Đại học chiến tranh quân đội Mỹ, đánh giá mối quan ngại của phương Tây "là Nga sẽ phong tỏa" Hành lang Suwalki bằng tổ hợp lực lượng trên thực địa ở Kaliningrad và Belarus, hoặc bằng "các khí tài không lực, tên lửa chiến thuật, hay pháo binh từ Kaliningrad".

Gót Achilles của NATO: Đâu là chiến địa mà quân Nga sẽ vùi dập liên minh phương Tây? - Ảnh 2.

Hành lang Suwalki được đánh giá là khu vực mà NATO có binh lực mỏng manh, so với lực lượng hùng hậu của Nga ở lân cận

Gót chân Achilles của NATO

Hãng RAND của Mỹ đã tính toán trong năm 2014 và 2015, trong trường hợp xung đột vũ trang tại khu vực này, Nga có thể ngay lập tức điều động 25 tiểu đoàn, có nghĩa vào khoảng 10.000 binh lính, trong khi NATO chỉ có thể điều động 17 tiểu đoàn, tương đương không quá 7.000 quân.

Tuy nhiên, điều cho thấy cân bằng lực lượng rõ nét nhất đó là việc khí tài thiết giáp chỉ được triển khai tại một trong tất cả các căn cứ quân sự của Liên minh đóng gần đó.

“Mặc dù Nga ít có khả năng triển khai chiến dịch quân sự chỉ để chiếm Hành lang Suwalki, họ sẽ cố gắng bảo vệ an toàn lãnh thổ này, trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột trong khu vực”, nhà nghiên cứu chính trị người Mỹ Agnia Grigas tuyên bố.

Bên cạnh đó, bà Grigas kêu gọi nên lo lắng không chỉ với "hiện diện quân sự đang gia tăng tại Kaliningrad và Belarus", mà cả "sức mạnh mềm" và các chiến dịch do thám của Nga tại Hành lang Suwalki.

Chuyên gia này cho biết, Nga có thể tận dụng lịch sử phức tạp trong mối quan hệ của Litva và Ba Lan bằng việc từng bước gia tăng sự hiện diện quân sự tại lãnh thổ của cả hai nước, trong bối cảnh thiếu sự trao đổi thông tin của các đồng minh này trong khối NATO.

Tác giả David Ex chỉ ra, bằng vô số các nghiên cứu và những kịch bản quân sự, trong NATO vẫn thừa nhận sự tồn tại của vấn đề này và bắt đầu áp dụng những biện pháp để giải quyết nó.

Cụ thể, các lực lượng vũ trang Mỹ bắt đầu triển khai vũ khí hạng nặng, mà trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga, sẽ xông trận trước tiên. Ngoài ra, hồi tháng 9 vừa qua, NATO đã thành lập trung tâm chỉ huy mới tại Đức nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng và đẩy nhanh tốc độ điều động các đơn vị.

Quân đội Mỹ thông báo rằng sẽ triển khai 20.000 lính tới châu Âu vào đầu năm sau nhằm "tạo dựng tư thế sẵn sàng trong liên minh và chống lại những đối thủ tiềm tàng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại