4 năm 4 CEO
Gojek, ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn của GoTo - hệ sinh thái kỹ thuật số lớn nhất Indonesia, mới đây thông báo sẽ rời khỏi thị trường Việt Nam kể từ ngày 16/9. Theo đại diện của "kỳ lân công nghệ" này, đây là quyết định mang tính chiến lược nhằm củng cố hoạt động kinh doanh của công ty.
Ra mắt thị trường Việt Nam hồi tháng 8/2018, Gojek lúc bấy giờ lấy tên gọi GoViet, phục vụ nhu cầu gọi xe và đặt giao hàng, tiếp đó là giao đồ ăn trực tuyến, trở thành đối thủ đáng gờm của "gã khổng lồ" Grab. Ngay khi "chào sân", GoViet đã "tất tay" tung hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn với người dùng như đồng giá chuyến đi 1.000 đồng, 5.000 đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm – đến tháng 3/2019, cả Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Đức và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Linh của GoViet bất ngờ từ chức. Người đảm nhiệm vị trí CEO thay ông Đức là bà Lê Diệp Kiều Trang – cựu CEO Facebook Việt Nam. Sau 5 tháng lãnh đạo GoViet, nữ doanh nhân nổi tiếng này cũng rời "ghế nóng".
Tháng 8/2020, thương hiệu GoViet cùng bộ đồng phục đỏ - trắng biến mất. Công ty được đổi tên thành Gojek Việt Nam, màu nhận diện cũng chuyển sang xanh lá cây – đen – trắng tương tự công ty mẹ. Vị "thuyền trưởng" mới được bổ nhiệm là ông Phùng Tuấn Đức, trước đây là Giám đốc Vận hành của GoViet.
Tại thời điểm đó, các số liệu cho thấy Gojek đang "hụt hơi" trước các đối thủ. Theo báo cáo của ABI Research, số cuốc xe của GoViet chiếm tỷ trọng 10,3%, xếp sau Be (15,6%) và Grab (72,8%). Ở mảng giao đồ ăn, GoFood cũng đứng sau GrabFood và Now cả về mức độ hài lòng và mức độ sử dụng thường xuyên.
Bản thân công ty mẹ của Gojek là GoTo cũng vô cùng chật vật trên con đường tìm kiếm lợi nhuận. Năm 2022, GoTo ghi nhận khoản lỗ ròng tăng 56% so với năm 2021, lên mức 40,4 nghìn tỷ Rupiah, tương đương 2,7 tỷ USD, cao hơn gấp 3 lần so với doanh thu của công ty.
Tháng 1/2023, sau hơn 4 năm gắn bó ở vị trí COO và CEO, ông Phùng Tuấn Đức quyết định rời Gojek Việt Nam với lý do để theo đuổi sự nghiệp riêng. Ông Sumit Rathor trở thành CEO thứ 4 của Gojek tại thị trường Việt Nam sau khoảng 4 năm rưỡi gia nhập.
"Hụt hơi" cả mảng gọi xe và giao đồ ăn
Hồi tháng 12/2023, một "kỳ lân công nghệ" phải ngậm ngùi rời thị trường Việt Nam là Baemin – startup giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc. Mặc dù số liệu chứng minh thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam là "miếng bánh béo bở", việc đặt đồ ăn online thực tế cũng đã trở thành một phần cuộc sống của cư dân các đô thị lớn, sự ra đi của Baemin dường như là lời nhắc nhở với những đối thủ còn trụ lại rằng "miếng bánh" này không hề dễ nuốt.
Dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works cho thấy trong năm 2023, Baemin chỉ chiếm 5% GMV (tổng giá trị hàng hóa) trên thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam, tỷ lệ quá khiêm tốn so với GrabFood (47%) và ShopeeFood (45%). Tuy nhiên, ngay cả khi Baemin đã thu hẹp hoạt động đáng kể trước khi rút lui hẳn, tỷ lệ này vẫn cao hơn con số 3% của GoFood.
Xét về mảng gọi xe, theo số liệu quý 2/2024 của Decision Lab, tỷ lệ thâm nhập của Gojek chỉ chiếm 18%, giảm 4 điểm phần trăm so với quý trước đó. Từ quý 2/2023 đến quý 4/2023, con số này cũng liên tiếp giảm. So sánh với các đối thủ, tỷ lệ của Gojek thậm chí chỉ bằng một nửa so với Xanh SM - ứng dụng gọi xe mới gia nhập thị trường từ tháng 4/2023 và liên tiếp tăng trưởng qua mỗi quý.
Ngay từ tháng 4/2023, tờ Nikkei Asian Review đã đăng một bài phân tích về thế khó của GoTo khi kinh doanh ngày càng lỗ vì IPO sai thời điểm và đầu tư quá dàn trải. Bài viết có trích dẫn ý kiến của CEO Momentum Works Jianggan Li, cho rằng GoTo nên cắt giảm các hoạt động kinh doanh không cốt lõi, thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam khi việc cạnh tranh là không khả thi trong ngắn và trung hạn.
Một năm rưỡi sau, điều này trở thành hiện thực.