Vốn được coi là vấn đề sống còn đối với các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều startup gọi được số vốn “khủng” nhưng vẫn thất bại. Vậy “startup cần tiền nhiều để làm gì?” – Đó là câu hỏi được đặt ra tại tọa đàm “Những sai lầm dẫn đến thất bại của startup” do Shark Tank Việt Nam tổ chức.
Theo Shark Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch Intracom, vốn là vấn đề đầu tiên nhưng không phải vấn đề quyết định, quan trọng là dự án của các startup có hay không.
“Nếu phương án hợp lý thì bao nhiêu cũng là ít, còn nếu phương án không hợp lý thì một đồng cũng là nhiều”, ông Việt nhấn mạnh và cho rằng một số startup sai lầm vì không biết định giá bản thân và công ty.
Chia sẻ về vấn đề này, Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch Cengroup cho biết, có hiện tượng một số startup sau khi nhận tiền của nhà đầu tư đã chi sai mục đích, thậm chí mang tiền để chi trả cho những món nợ trong quá khứ. Để lấy tiền từ nhà đầu tư, các startup có thể “dựng” ra các khoản chi phí.
“Vì vậy với một số startup có dấu hiệu chi tiền sai mục đích, chúng tôi trực tiếp chi trả chứ không đưa tiền cho họ. Khi startup định chi trả cái gì chúng tôi chuyển thẳng tiền cho nhà cung cấp”, ông Hưng nói.
Ông Phạm Thanh Hưng cho biết có hiện tượng startup dùng tiền của nhà đầu tư để trả nợ quá khứ. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
Cũng theo phó chủ tịch CenGroup, một số startup có thể gọi vốn để “chứng tỏ giá trị doanh nghiệp của mình cao, gọi vốn cho ‘sướng’, cho ‘oai’ hoặc tạo tiền đề cho vòng gọi vốn tiếp theo”.
“Tôi luôn đặt câu hỏi rất rõ ràng với các startup khi tôi giải ngân là nhu cầu về vốn và khả năng sử dụng vốn của bạn như thế nào?”, ông Hưng cho hay.
Doanh nhân này cho rằng với ông, việc phải bán đi vốn chủ sở hữu giống như “xẻ thịt mình”, rất đau đớn và khổ sở, đó chỉ là phương án “cực chẳng đã”.
“Cá mập” mới của chương trình, ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch NextTech cho rằng không phải lúc nào tiền nhiều cũng tốt với startup.
“Ở sa mạc có những cây tưới nhỏ giọt thì phát triển rất tốt nhưng có những cây đổ ào nước, phân thì còi cọc, thậm chí chết. Với startup tôi thường chia 2 giai đoạn: giai đoạn một tìm ‘long mạch’ cần số tiền vừa đủ. Sau khi tìm được ‘long mạch’ thì mới cần rất nhiều tiền”, ông Bình nhấn mạnh.
Trước đó, chia sẻ về câu chuyện của chính doanh nghiệp mình, ông Bình cho biết trước đây chodientu.vn của PeaceSoft (tiền thân của NextTech) từng nhận vốn đầu tư của eBay.
Tuy nhiên, khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam bắt đầu bùng nổ, các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn rất nhiều, gấp hàng chục, hàng trăm lần thì thời điểm đó eBay rút khỏi cuộc chơi và để Lazada chiếm lĩnh thị trường.
“Tôi muốn nói, đừng nghĩ khi chúng ta nhận được đầu tư của nhà đầu tư chiến lược là thành công.
Nó hoàn toàn có thể là khởi đầu của thất bại, nếu chúng ta chọn đối tác không tốt hoặc đối tác không quyết tâm đi theo chúng ta, hoặc chọn đối tác quá sớm cũng sẽ dẫn đến việc không mong muốn”, chủ tịch NextTech đưa ra lời khuyên cho các startup.