Gói cứu trợ kinh tế khổng lồ của Mỹ chỉ là bước khởi đầu

Lê Minh |

Thượng Viện Mỹ đêm 25/3 đã phê chuẩn một biện pháp chi tiêu khẩn cấp chưa từng có nhằm xoa dịu những tổn hại kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng gói cứu trợ này chỉ có thể chỉ là bước khởi đầu.

Gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ, với giá trị kỷ lục 2.200 tỷ USD, bao trùm một loạt lĩnh vực rộng lớn của xã hội Mỹ. Dự luật này bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết những người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thực phẩm, các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, các quỹ hỗ trợ cho các bệnh viện bị quá tải và những ngành chịu ảnh hưởng lớn như hàng không.

Theo gói cứu trợ, tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng thêm 600 USD/tuần và những người trước đó không đủ điều kiện được hỗ trợ như những người tự làm chủ cũng sẽ được nhận trợ cấp. Trong khuôn khổ gói cứu trợ này, mỗi người Mỹ trung lưu và thu nhập thấp sẽ được nhận một tấm séc trị giá 1.200 USD, người có con nhỏ sẽ được nhận thêm 500 USD cho mỗi con.

Các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện đã làm việc suốt đêm để thông qua gói cứu trợ này, và đã đưa lên Hạ viện để phê chuẩn lần cuối trước khi Tổng thống Donald Trump ký thành luật.

Phát biểu trên kênh CNBC ngày 26/3, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin kêu gọi các nhà lập pháp nhanh chóng và đồng lòng thông qua dự luật nói trên. Ông nói gói cứu trợ sẽ bảo vệ tất cả các lao động Mỹ. Các lao động và doanh nghiệp Mỹ cần tiền ngay lúc này. Vì vậy, ông cho rằng giờ không phải lúc để cân nhắc về một dự luật có thể được mọi lá phiếu tán thành.

Trong một thông báo trước khi dự luật được thông qua, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho rằng đó thậm chí không phải là một gói kích thích mà là một gói cứu trợ.

Với một số nhà phân tích dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tới 14% trong quý II.2020, cũng như một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng có thể xảy ra trong năm nay, các nhà kinh tế đã hối thúc các nghị sỹ chuẩn bị cho những hỗ trợ tiếp theo để hạn chế ảnh hưởng đến hàng triệu người bị mất việc làm khi các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế bị buộc phải đóng cửa.

Sau khi hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến 3,3 triệu lao động phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hồi tuần trước, mức cao kỷ lục và gần gấp năm lần mức kỷ lục gần nhất được ghi nhận vào năm 1982, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng vọt thêm hai con số từ nay đến tháng Tư. Điều này có nghĩa là các khoản chi cho những người thất nghiệp sẽ là phần quan trọng nhất trong gói cứu trợ.

Nhà phân tích Diane Swonk thuộc Grant Thornton cho rằng gói chi tiêu trên là không đủ và sẽ cần thêm.

Gói cứu trợ kinh tế khổng lồ của Mỹ chỉ là bước khởi đầu - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại