Sai lầm khiến Tây Ban Nha trả giá đắt trong cuộc chiến chống Covid-19

Hoàng Phạm |

Tây Ban Nha hiện là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới, lớn thứ 2 ở châu Âu và số người chết vì Covid-19 ở nước này cũng nhiều thứ 2 thế giới chỉ sau Italy.

Theo thống kê trên Worldometers tính đến sáng 27/3, Tây Ban Nha đã ghi nhận 57.787 ca mắc Covid-19, trong đó 4.365 người đã tử vong. Tây Ban Nha giờ trở thành một “điểm nóng” của dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Hiện tại Tây Ban Nha là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới, lớn thứ 2 ở châu Âu. Số người chết vì Covid-19 ở Tây Ban Nha cũng đã vượt Trung Quốc và hiện đang đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Italy.

Chủ quan và phản ứng chậm trễ?

Vậy vấn đề ở Tây Ban Nha là gì? Tây Ban Nha ở gần Italy, cách 640km qua Địa Trung Hải và là một ví dụ về việc virus lây lan nhanh chóng và mạnh mẽ bên trong châu Âu.

Dù vậy, người Tây Ban Nha không thể vin vào lý do ở gần Italy về mặt địa lý. Tây Ban Nha không có biên giới trên bộ với Italy, trong khi Pháp, Thụy Sỹ, Áo và Slovenia – những nước có chung đường biên giới với Italy - lại làm tốt hơn Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống Covid-19.

Thực tế, đây cũng có thể là 1 trong những lý do khiến Tây Ban Nha phản ứng chậm trễ. Tây Ban Nha nghĩ rằng họ ở đủ xa.

“Tây Ban Nha sẽ chỉ có số lượng ít các ca mắc bệnh”, Fernando Simón người đứng đầu cơ quan y tế khẩn cấp ở Madrid đã nói như vậy ngày 9/2.

Tuy nhiên, chỉ 6 tuần sau đó, chính ông là người công bố số ca tử vong do Covid-19 lên tới hàng trăm người mỗi ngày.

Tỷ lệ tử vong (tính theo đầu người) do Covid-19 ở Tây Ban Nha cao gấp 3 lần Iran và 40 lần so với Trung Quốc.

Ngày 19/2, khoảng 2.500 cổ động viên bóng đá CLB Valencia cùng với 40.000 cổ động viên CLB Atalanta (Italy) kéo tới xem trận đấu trong khuôn khổ Champions League ở Bergamo – điều mà thị trưởng thành phố Bergamo Giorgio Gori mô tả là “quả bom phát tán virus” ở Lombardy.

Ở Tây Ban Nha, chính các cầu thủ, các cổ động viên và phóng viên thể thao Valencia là những người mắc bệnh đầu tiên.

Lý do chính cho sự lây lan nhanh chóng khắp Tây Ban Nha có thể xuất phát từ một điều hết sức bình thường. Tây Ban Nha có một mùa xuân nắng ấm với nhiệt độ vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 trung bình trên 20 độ C. Các quán cà phê vỉa hè, các quán bar vẫn đông khách và người dân ở đây vẫn duy trì thói quen ôm, hôn bạn bè và người thân mỗi khi gặp mặt.

Ngày 8/3, chỉ 1 tuần trước khi Tây Ban Nha bắt đầu lệnh đóng cửa, các sự kiện thể thao, các cuộc hội họp và các cuộc tuần hành quy mô lớn mừng Ngày Quốc tế phụ nữ vẫn diễn ra khắp nơi. 3 ngày sau đó, khoảng 3.000 cổ động viên Atlético de Madrid vẫn kéo đi xem một trận Champions League khác ở Liverpool.

Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sánchez phản ứng một cách muộn màng và lúng túng. Khi Thủ tướng Sanchez tuyên bố ông sẽ sử dụng quyền hạn khẩn cấp, phải mất tới hơn 24 giờ nói mới có hiệu lực – tới thời điểm đó, một phần dân số Madrid và các thành phố khác đã đi khắp đất nước.

Ngoài ra, việc chính quyền Madrid đóng cửa các trường học từ trước đó, đã vô tình tạo ra bầu không khí “ngày nghỉ” ở các quán bar, các công viên; nhiều gia đình thậm chí còn kéo tới các bãi biển.

Sai lầm khiến Tây Ban Nha trả giá đắt trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 2.

Đơn vị khẩn cấp của quân đội Tây Ban Nha được huy động trợ giúp chống Covid-19. Ảnh: Getty

Chính phủ Tây Ban Nha nói gì?

Chính phủ Tây Ban Nha vẫn bảo vệ các phản ứng của mình đối với dịch bệnh Covid-19. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha González Laya khẳng định lệnh phong tỏa áp dụng từ 14/3 đã bắt đầu cho thấy kết quả.

“Đó là một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy. Chúng ta đã từng chứng kiến các đại dịch trước đây. Chúng ta từng chứng kiến dịch Ebola nhưng dịch bệnh này mang tính cục bộ hơn. Dịch SARS cũng vậy. Những tác động ở cấp toàn cầu là nhỏ hơn, đặc biệt Ebola tập trung ở những nước có hệ thống y tế và các cơ sở khám chữa bệnh cực kỳ yếu kém. Tuy nhiên, Covid-19 là một đại dịch đang ảnh hưởng tới hầu hết các nước, kể cả những nước được chuẩn bị tốt nhất cho các kịch bản xấu”, bà Laya nhấn mạnh.

Bà nói rằng chính phủ các nước trên thế giới phải đối mặt với nhiều câu hỏi về quản lý khủng hoảng, nhưng Tây Ban Nha luôn phản ứng dựa trên khoa học chứ không phải sự hoảng loạn và cảm nhận chung.

Khi được hỏi liệu có sai lầm không khi để hàng trăm nghìn người tham gia các cuộc tuần hành mừng ngày Quốc tế phụ nữ, bà nói rằng, sự chuyển biến của tình hình chỉ trở nên rõ ràng hơn vào ngày hôm sau.

“Ngày 9/3, một ngày sau đó, các nhà khoa học nói với chúng tôi ‘Mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn, cần phải tăng thêm mức độ cảnh báo’ và chúng tôi đã làm theo”, bà Laya nói.

Bà cũng chỉ ra rằng các nước EU khác có những cách phản ứng khác nhau đối với dịch Covid-19.

“Ngày chúng tôi kêu gọi cả nước báo động, chúng tôi có 120 ca tử vong... và sau đó chúng tôi tuyên bố báo động toàn quốc còn các nước láng giềng vẫn chưa”.

“Anh, Hà Lan và Thụy Điển quyết định điểm mấu chốt khác với Tây Ban Nha. Họ quyết định ngả theo hướng ‘miễn dịch cộng đồng’”.

Nguy cơ lặp lại khủng hoảng 2008

Lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 14/3 với các án phạt nghiêm ngặt đã phần nào phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ở Tây Ban Nha vẫn còn rất phức tạp thì một số bộ trưởng thậm chí đã đề cập tới việc nới lỏng các biện pháp hạn chế khi lệnh phong tỏa kết thúc vào 11/4 tới.

Ngay cả, khi dịch bệnh kết thúc, Tây Ban Nha sẽ vô cùng mong manh. Khi cuộc khủng hoảng tài chính tác động tới Tây Ban Nha năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27%, nợ công tăng vọt và đất nước rơi vào suy thoái. Sẽ có nhiều điều tương tự lặp lại trong năm nay.

Các giải pháp từng được áp dụng 10 năm qua như thắt lưng buộc bụng, giảm việc làm, cắt lương, là điều mà người dân không muốn chấp nhận. Chuyên gia kinh tế Toni Roldán dự báo, Tây Ban Nha sẽ cần một khoản vay 200 tỷ euro từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM). Tuy nhiên, điều đó vẫn còn phải đợi. Trước mắt, Tây Ban Nha phải đánh bại dịch bệnh Covid-19./.

Sai lầm khiến Tây Ban Nha trả giá đắt trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại