Tháng 6/2018, hơn 1.500 người ở làng Guanhu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đã tụ tập mở tiệc tân gia vô cùng hoành tráng, bởi mỗi gia đình sắp chuyển vào một căn biệt thự mới rộng 280m2.
Nhiều năm trước, đây vẫn là một ngôi làng nghèo, dân làng chỉ là những nông dân bình thường. Vậy điều gì đã giúp họ đổi đời như vậy? Câu trả lời nằm ở Trần Sinh, vị đại gia 60 tuổi - Chủ tịch tập đoàn đồ uống Tiandi No 1 Beverage, ông chủ chuỗi thịt lợn cao cấp Yihao Tuzhu và đại gia bất động sản có tiếng. Ông chính là người đã xây tặng biệt thự cho cả làng.
Dưới đây là câu chuyện truyền cảm hứng của Trần Sinh:
Tuổi thơ cơ cực
Trần Sinh sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm. Mẹ của ông không biết chữ nhưng rất ủng hộ việc học của các con. Ở trường, Trần Sinh học chăm chỉ, về nhà ông luôn chân luôn tay giúp đỡ mẹ.
Ngôi làng của Trần Sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Hầu hết các gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn. Nơi đây còn được gọi là "làng ế vợ" vì phụ nữ đều đến nơi khác lấy chồng để thoát nghèo, để lại những chàng trai trong làng không lấy được vợ.
Nhà nghèo, Trần Sinh nhiều lần muốn bỏ học đi làm để phụ giúp gia đình nhưng mẹ ông đã thuyết phục con tiếp tục đi học. Năm 1980, Trần Sinh đỗ đại học. Ông được nhận vào khoa Kinh tế của Đại học Bắc Kinh.
Dân làng đổ xô đến nhà ông để chúc mừng. Tuy nhiên, Trần Sinh đứng trước nguy cơ không được đi học vì nhà không có tiền. Nhìn tờ giấy báo nhập học trên tay, Trần Sinh tuyệt vọng: "Chẳng lẽ cuộc đời tôi dừng lại ở đây sao?".
Ảnh: Internet.
Thế nhưng vài ngày sau, dân làng kéo đến nhà Trần Sinh và nói với mẹ của ông: "Làng của chúng ta cuối cùng cũng có người đầu tiên đỗ đại học, vì thế, chúng ta nhất định phải cho thằng bé đi học".
Một đại diện đã đưa cho Trần Sinh một tập tiền lẻ nhàu nát, tổng cộng là 21 nhân dân tệ - số tiền tương đương với thu nhập 1 tháng của viên chức nhà nước thời bấy giờ. Cầm số tiền đó của dân làng, Trần Sinh bật khóc cảm ơn tấm lòng của họ và khăn gói lên Bắc Kinh với lời tự hứa rằng khi thành công sẽ trả ơn cho dân làng hàng trăm nghìn lần.
Bỏ việc ổn định để kinh doanh
Năm 1984, sau khi tốt nghiệp, Trần Sinh giảng dạy tại Học viện giáo dục Quảng Đông và sau đó làm tại Thành ủy Quảng Châu và Trạm Giang. Mẹ của ông rất tự hào vì con trai có công việc tuy lương không cao nhưng ổn định. Tuy nhiên, vì học kinh tế nên Trần Sinh cảm thấy công việc này không phù hợp với mình.
Ông quyết định nghỉ việc bất chấp sự phản đối của mẹ. Ông nhớ lại: "Lý do hồi đó của tôi rất đơn giản: Vì tôi nghèo. Tôi chưa bao giờ đóng hay khóa cửa khi ngủ vì nơi tôi ở chẳng có thứ gì đáng để ăn trộm. Vậy nên tôi muốn làm giàu".
Ở tuổi 28, Trần Sinh dứt khoát nghỉ việc viên chức, chuyển sang ngành trồng trọt, chăn nuôi và bất động sản. Nhờ óc kinh doanh nhạy bén, 3 năm sau, ông đã sở hữu khối tài sản trị giá nhiều triệu USD, điều hành một trong 3 công ty bất động sản lớn nhất Trạm Giang.
Chưa hài lòng, Trần Sinh tiếp tục thử sức ở những lĩnh vực mới nhưng đã gặp thất bại khi kinh doanh rượu vang, nước tăng lực và kinh doanh thịt gà.
Cuối cùng, vị doanh nhân quyết định tập trung vào sản phẩm nước ngọt có ga và thịt lợn sạch. Năm 2007, Trần Sinh giới thiệu "Lợn bản địa số 1" – thương hiệu thịt lợn chất lượng cao nổi tiếng khắp Trung Quốc. Hiện, nó đã có mặt tại 30 tỉnh và thành phố lớn ở đất nước tỷ dân, đạt doanh thu 1,8 tỷ nhân dân tệ năm 2018. Đến nay, thương hiệu đã kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Trần Sinh (trái) trong một buổi giới thiệu sản phẩm thịt lợn (Ảnh: Internet).
Năm 2008, Trần Sinh hùn vốn cùng một "đàn em" khóa dưới tại đại học để xây dựng "trường dạy bán thịt", chuyên giảng dạy về thịt lợn. Đây là ngôi trường độc nhất, chỉ dạy về chăn nuôi và buôn bán thịt lợn chất lượng cao tại Trung Quốc.
Sự trả ơn của cậu bé nghèo năm xưa
Khi đã thành tỷ phú, Trần Sinh quay về ngôi làng năm xưa để trả ơn mọi người. Những năm đầu, ông tích cực quyên góp tiền để xây trường học và lát xi măng cho các con đường để dân làng đi lại thuận tiện.
Năm 2012, Trần Sinh đầu tư 100 triệu tệ để xây dựng một cơ sở chăn nuôi lợn trong làng với hơn 250 chuồng. Công ty của ông cung cấp lợn giống, thức ăn và vaccine cho đàn lợn đồng thời cam kết thu mua lợn sau khi xuất chuồng.
Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của dân làng từ chỗ chỉ đạt 3.300 tệ vào trước năm 2012 giờ đây đã tăng lên gần 100.000 tệ/năm, tất cả là nhờ "cần câu cơm" mà Trần Sinh trao cho họ.
Sau khi giải quyết vấn đề thu nhập, Trần Sinh tính đến chuyện nhà ở cho dân làng. Ông tâm sự rằng mỗi khi trở về, nhìn thấy ngôi làng đổ nát và những người dân làm việc chăm chỉ nhưng vẫn không đủ tiền xây nhà mới, ông lại thấy xót xa. Chính vì thế, năm 2013, ông chi 200 triệu tệ để xây 258 biệt thự sang trọng trên đất do chính quyền cấp. Mỗi căn biệt thự rộng 280 m2, gồm 5 phòng ngủ, 2 phòng khách, 1 nhà xe và vườn.
Toàn cảnh khu biệt thự mà Trần Sinh xây cho dân làng (phía trên) (Ảnh: Internet).
Cuối năm 2017, khu dân cư hoàn thiện nhưng chưa thể bàn giao vì nhiều người từ nơi khác trở về và xin nhà. Nhiều gia đình thậm chí còn đòi 2 căn vì số người quá đông. Trần Sinh cho biết ông xây biệt thự dựa trên điều tra dân số năm 2013. Cuối cùng, ông quyết định xây thêm gần 70 căn nữa.
Với tầm nhìn dài hạn, vị đại gia còn xây thêm một số dãy biệt thự nhỏ ở quê nhà để phát triển du lịch nông thôn. Việc này có thể đem lại cho người dân nơi đây thu nhập khoảng 30.000 tệ mỗi năm. Ngoài ra, ông còn xây lại trường học, trợ cấp lương cho giáo viên để thu hút người giỏi về dạy dỗ cho con em trong làng.
Tháng 6/2018, Trần Sinh cùng mẹ về làng, trao chìa khóa cho từng hộ. Dân làng ai cũng bày tỏ lòng cảm kích đối với sự hào phóng của Trần Sinh. Đáp lại, ông chỉ khiêm tốn nói rằng làng Guanhu là nơi đã nuôi dưỡng và tạo điều kiện để ông có thể học đại học. Chính vì thế, sự trả ơn của ông là điều nên làm.
Ảnh: Internet.
Dân làng vui mừng nhận nhà mới (Ảnh: Internet).
Trần Sinh (trái) trong lễ tân gia của cả làng (Ảnh: Internet).
Ông phát biểu trong buổi lễ tân gia của cả làng: "Mai này, tôi sẽ già đi và về với tổ tiên. Việc tôi xây biệt thự và tạo kế sinh nhai cho mọi người là điều khiến tôi rất hạnh phúc. Tôi mong mọi người chăm lo cho thế hệ con cháu để chúng có điều kiện học hành và thành công. Tôi hi vọng sẽ có hàng trăm Trần Sinh để làng của chúng ta ngày càng phát triển".
Ngày nay, nhờ Trần Sinh, dân làng Guanhu đã được sống trong những ngôi biệt thự hoành tráng, có cuộc sống sung túc, con cái của họ cũng được học hành tử tế và có tương lai tươi sáng.
Nguồn: QQ