Tiếp viên trên du thuyền tỉ phú là công việc hấp dẫn bậc nhất thế giới, vừa kiếm tiền nhanh vừa chu du khắp thế giới.
Đó là những lời quảng cáo đường mật để mời mọc các cô gái trẻ và có thể cũng là những gì người ngoài nghĩ tới khi nhìn vào nghề này.
Thực tế phũ phàng
Thế nhưng, thực tế chẳng được đẹp đẽ như vậy! Trải lòng của một cô gái trong bài viết đăng tải trên trang The Daily Telegraph (Úc) đã vén màn góc tối của nền công nghiệp này, nơi các tệ nạn ma túy và mua bán dâm lẩn khuất và các cô gái có thể bị sa thải chỉ vì thừa cân chút đỉnh.
"Nhạt nhẽo tột cùng, hoàn toàn kiệt sức" là những gì người trong cuộc nói về lối sống trên những siêu du thuyền hào nhoáng.
Nữ tiếp viên người Úc làm việc trên du thuyền chia sẻ với The Daily Telegraph về công việc triền miên suốt nhiều tháng không một ngày nghỉ, trong khi mỗi đêm chỉ được ngủ 4 giờ.
Cạnh tranh đối với việc làm trên du thuyền bùng nổ những năm gần đây, sau chương trình thực tế truyền hình đình đám Below Deck và sự mọc lên như nấm của các tài khoản Instagram tô vẽ hình ảnh cuộc sống trong mơ trên cabin du thuyền.
Trong khi những hình ảnh trên mạng xã hội dùng để quảng bá cho ngành công nghiệp này phô diễn những cô gái thảnh thơi trong bộ bikini mát mẻ, thực tế lại trái ngược hoàn toàn.
Trăm công ngàn việc đổ lên họ, từ cọ rửa toilet, giặt ủi, nấu ăn quần quật và thậm chí cả làm trợ lý riêng.
Các nữ tiếp viên du thuyền kể phải phục vụ rượu thâu đêm suốt sáng, thường phải tới 3 giờ hôm sau mới xong việc và đặt lưng chưa được bao lâu đã phải thức giấc để lo bữa sáng cho khách.
Chỗ nghỉ ngơi của nhân viên trên du thuyền lại quá nhỏ, nhiều người chen chúc trong những cabin chật chội.
Theo trang Courier Mail, trong cuốn sổ tay hướng dẫn tiếp viên du thuyền do các nhà tuyển dụng quảng bá nói rằng cuộc sống của những người làm việc trên những con thuyền sang trọng này xoay quanh du thuyền, chủ nhân và những vị khách.
"Bạn phải gạt sang một bên bất cứ nghĩa vụ hay nguyện vọng cá nhân nào" - sổ tay nêu rõ.
Phần chìm trong công việc phục vụ cho giới nhà giàu trên du thuyền bắt đầu gây xôn xao sau cái chết bí ẩn của người mẫu Úc 20 tuổi Sinead McNamara trên siêu du thuyền ở Hy Lạp hồi tháng rồi.
Ngôi sao trên mạng xã hội Instagram này bị phát hiện trong tình trạng bất tỉnh, với dây thừng quấn cổ trên du thuyền sang trọng trị giá 200 triệu USD của tỉ phú Mexico Alberto Bailleres khi đang trong hành trình du lịch khắp châu Âu.
Cảnh sát địa phương cho rằng nguyên nhân cái chết có thể do cô gái tự vẫn nhưng nhiều người vẫn không khỏi nghi ngờ về nguyên nhân thực sự dẫn tới cái chết của cô gái không rõ làm công việc gì trên du thuyền nói trên.
Trong một diễn biến khác, ít nhất 3 trường hợp nhân viên người Anh được ghi nhận đã chết trên du thuyền từ năm 2010.
Cái chết của người mẫu Úc Sinead McNamara (ảnh trên) trên siêu du thuyền Mayan Queen IV ở Hy Lạp hồi tháng 8 đã gây chấn động Ảnh: AP, Instagram
Tàn khốc
Một phụ nữ ở Sydney - Úc có tên Tracey Zarowski, từng làm việc trên các du thuyền lớn ở châu Âu suốt 7 năm, cho biết công việc này mang lại cơ hội du lịch khắp thế giới nhưng đồng thời là một ngành công nghiệp tàn khốc.
"Tiêu chuẩn đặt ra rất cao… Tôi từng biết một cô gái chỉ thừa cân chút đỉnh mà bị ông chủ hắt hủi và đuổi việc" - Zarowski nói.
Cũng theo lời nữ tiếp viên du thuyền kỳ cựu, những cô gái trong nghề dễ gặp phải những vị khách "không đúng mực" và phải nhắm mắt làm ngơ trước cảnh gái bán dâm được đưa lên khoang.
Con số "gái bán hoa" trong một đợt dắt lên du thuyền do Zarowski tiết lộ hẳn sẽ khiến không ít người sửng sốt: tới 30 người!
Một phụ nữ khác cũng ở Sydney (yêu cầu không tiết lộ danh tính do đã ký một cam kết kín tiếng) kể cô từng phải tiếp xúc với cảnh tiêm chích ma túy trong khi làm việc trên một chiếc du thuyền ở châu Âu trong 8 tháng.
Theo lời kể của nữ cựu tiếp viên, có lần cô bước vào phòng của chủ nhân chiếc du thuyền và chứng kiến ống tiêm ma túy đang cắm vào tay ông ta.
Chưa hết, gái bán dâm thường xuyên dập dìu lên xuống du thuyền, còn những vị khách giàu có hành hạ nhân viên phục vụ thậm tệ.
"Tôi bị đối xử hết sức khủng khiếp, phải làm việc suốt 4 tuần không một ngày nghỉ, thậm chí vẫn phải làm việc khi bị viêm phế quản.
Một khách Nga còn ném tách trà vào người tôi bởi tôi pha không đúng ý họ" - người phụ nữ kể lại.
Cô Dana Brown ở TP Moonee Beach - Úc (chủ một trang blog du lịch nổi tiếng) đã dành 1 năm trải nghiệm công việc tiếp viên du thuyền cho gia đình Hoàng gia Qatar.
So với những trường hợp nêu trên, câu chuyện của cô Brown có thể gọi là "tích cực" song cô cũng thường xuyên phải làm 20 giờ/ngày.
Bên cạnh đó, áp lực hoàn toàn không nhỏ khi phục vụ những vị khách siêu giàu luôn đòi hỏi mọi thứ phải trên cả hoàn hảo.
Trong khi đó, cô Katy McGregor ở Central Coast (Úc) cũng chia sẻ nhiều lúc cô phải vất vả liên tục 2 ngày không ngủ trong thời gian làm việc trên nhiều du thuyền ở châu Âu.
McGregor cho rằng những người trẻ tuổi cần hiểu rõ họ phải làm việc nặng nhọc tới mức nào trước khi ứng tuyển.
Cựu tiếp viên nói: "Nhiều người lên du thuyền rồi mới cảm thấy sốc vì khối lượng công việc quá nặng.
Thế nhưng, tôi vẫn thích khoảng thời gian trên thuyền và cảm thấy may mắn vì được đi du lịch nhiều nhất có thể".
Theo ông Andrew Linington, quan chức của Nautilus International, một hiệp hội thương mại và nghề nghiệp quốc tế chuyên bảo vệ quyền lợi cho người lao động có trụ sở ở Anh, đang nổi lên nhiều lo ngại về tình trạng bóc lột các nhân viên trong ngành công nghiệp du thuyền.
"Chúng tôi nhận được những báo cáo về các hành động bắt nạt, quấy rối và đang điều tra một số trường hợp người lao động không được trả thù lao hợp lý" - ông Linington cho hay.