Khi dọn dẹp những ngôi nhà sang trọng, Stephanie Land – một người giúp việc đã nhìn thấy những bí mật xấu xí nhất. Cô kết luận rằng họ không có gì khác ngoài "tủ đồ lớn dùng để che giấu những điều khiến họ sợ hãi".
Ngôi nhà của "Quý cô thuốc lá" là một ví dụ, luôn trông rất hoàn hảo, cũng như chính chủ nhân của nó. Sở dĩ cô có biệt danh này bởi vì tủ lạnh của cô luôn chứa đầy những hộp thuốc Virginia Slims.
Ở trong nhà lúc nào cũng có những lọ mỹ phẩm đắt tiền chưa từng được mở nắp, đồ nội thất kiểu dáng đẹp đẽ, hiện đại nhưng cũng đóng bụi vì không được sử dụng thường xuyên.
Tuy nhiên đằng sau vẻ ngoài hoàn mỹ là sự thật không hoàn hảo.
Trong cuốn sách mới của mình, "Maid: Hard Work, Low Pay, and a Mother’s Will to Survive", Stephanie Land viết: "Cọ rửa nhà vệ sinh luôn là một công việc đáng sợ với những bãi nôn mửa".
Land đã kể lại chi tiết cuộc đấu tranh của mình với tư cách là một bà mẹ đơn thân, kiếm tiền với nghề giúp việc gia đình, chứng kiến những góc khuất của tầng lớp giàu có ở Port Townsend nước Mỹ.
Ở một ngôi nhà sang trọng khác, chủ nhân của nó luôn dự trữ những chai hydrocodone khổng lồ ở khắp mọi nơi.
Thực tế là hầu hết các khách hàng của Land vẫn chung sống cùng một vài toa thuốc: cho giấc ngủ, cho bệnh trầm cảm và cho sự lo lắng của họ.
"Sống với bệnh tật hoặc đau đớn là một phần trong cuộc sống hàng ngày của tôi", Land viết. "Nhưng bản thân tôi không thể hiểu nổi tại sao những người thuê tôi làm việc cũng có những vấn đề này?
Họ được tiếp cận với thực phẩm lành mạnh, phòng tập thể dục, các bác sĩ giỏi… Tất cả những điều đó sẽ tạo nên sức khỏe và hạnh phúc.
Có lẽ sự căng thẳng khi phải giữ gìn một ngôi nhà hai tầng, một cuộc hôn nhân tồi tệ và duy trì ảo tưởng về sự vĩ đại đã làm họ kiệt sức theo cách tương tự như sự nghèo đói đã ăn mòn cuộc đời của tôi."
Theo thời gian, Stephanie Land bắt đầu nhìn thấy những khía cạnh bị rạn nứt trong cuộc sống của tầng lớp người giàu mà trước đây cô từng ao ước.
Cô chia sẻ: "Những người từng thuê tôi làm việc đều rất giàu có nhưng họ dường như không tận hưởng cuộc sống nhiều hơn tôi.
Hầu hết đều làm việc nhiều giờ liền, với chỗ làm việc cách xa ngôi nhà mà họ đã rất vất vả mới mua được.
Họ làm nhiều hơn để đủ tiền chi trả cho những chiếc xe hơi, du thuyền sang trọng chỉ để xếp xó chúng trong gara.
Stephanie Land nhận làm tất cả những công việc dọn dẹp để nuôi cô con gái đáng yêu của mình, Mia Ashley Rhian.
Đối với hầu hết khách hàng của mình, Land giống như một chiếc bóng, đến làm khi họ đã ra khỏi nhà và rời đi khi họ chưa về.
Chẳng phải mất nhiều thời gian, Land cũng nhìn ra sự thật là những người chủ giàu có không có gì khác ngoài những ngôi nhà đẹp và tủ quần áo lớn để che giấu đi nỗi cô đơn.
Trên thực tế, những người như Land thường không có đủ tiền để chi trả cho ăn uống. Tủ quần áo khiêm tốn của cô chỉ có ba chiếc áo sơ mi, một chiếc váy và một bộ đồng phục.
Cô đã phải học cách chung sống với cảm giác tồi tệ khi đưa bé Mia 3 tuổi tại trung tâm chăm sóc ban ngày mà không thể đến đón bé đúng giờ. Chỉ vì Land không thể bỏ lỡ ca làm việc.
Land lớn lên tại thành phố Anchorage, Alaska, trong một ngôi nhà bình thường, có đủ tiền cho những điều cơ bản, nhưng không thể chi trả cho những dịch vụ đặc biệt như những lớp học khiêu vũ.
Cô bắt đầu giữ trẻ từ năm 11 tuổi và luôn có một hoặc hai công việc sau đó. Ở độ tuổi 20, cô trở thành barista kiêm đầu bếp, và đôi khi bán bánh mì tại các chợ nông dân.
Nhưng điều yêu thích nhất của Land là đọc sách và viết. Khi mang thai ở tuổi 28, cô chuyển đến sống cùng bạn trai nhưng đã rời đi khi con gái Mia được 7 tháng, vì bạn trai cô dần trở nên vũ phu.
Sau đó Land chuyển đến nơi dành cho những người vô gia cư. Căn hộ nhỏ chứa đầy nấm mốc khiến cô và con gái liên tục sụt sịt nhưng đó là điều duy nhất cô có thể tự mình trang trải được.
Gia đình Land không thể giúp đỡ cô - mẹ cô không quan tâm và đang sống ở châu Âu, cha cô hầu như không còn gặp gỡ con cái.
Land cũng phụ thuộc vào các khoản tài trợ của chính phủ và tem phiếu thực phẩm, đồng thời phải học cách chung sống với những định kiến của xã hội.
Như một người đàn ông nọ xếp hàng sau cô tại cửa hàng tạp hóa, đã không thể kiên nhẫn chờ cô thanh toán hóa đơn mua sữa bằng tiền mặt và tỏ rõ thái độ khinh miệt.
"Tôi ước mình có đủ can đảm để tự mình lên tiếng, lên tiếng cho hàng triệu người khác đang phải vật lộn với những khó khăn như tôi", cô ấy viết.
Bất chấp sự phán xét của người khác và những khó khăn của cuộc sống mưu sinh, Land vẫn tiếp tục việc học của mình khi cô tham gia các lớp học trực tuyến tại trường cao đẳng cộng đồng và viết blog về cuộc sống của cô với con gái Mia.
Khi khó khăn dần đi qua, Land sử dụng tiền để ghi danh vào chương trình đại học tại Đại học Montana.
Trong ba năm tiếp theo, cô vẫn tiếp tục công việc dọn dẹp cho một vài khách hàng tư nhân trong thị trấn, cho đến khi thời lượng khóa học trở nên quá nhiều. Cuối cùng cô đã tốt nghiệp vào năm 2014 với tấm bằng tiếng Anh.
Cô cũng đã gửi một vài bài viết cho một tạp chí địa phương và được xuất bản. "Tôi không thể ngừng nhìn chằm chằm vào tên của mình được đề dưới bài báo", Land hồi tưởng lại.
Khi một bài luận về việc dọn dẹp nhà cửa mà cô viết sau đó trở nên nổi tiếng vào năm 2015, Land đã được khuyến khích viết một cuốn sách.
Stephanie Land, hiện 40 tuổi, đã xuất bản cuốn sách, "Maid: Hard Work, Low Pay, and a Mother’s Will to Survive" với tư cách là một nhà văn.
Tác phẩm của cô đã xuất hiện trên tờ New York Time, The New York Review of Books, The Washington Post, The Guardian, Salon và The Nation.
Sau nhiều năm vật lộn với những công việc lương thấp, cô đã trở thành nhà văn mà cô luôn mơ ước và cất lên tiếng nói cho những người lao động nghèo.