Vào tháng Mười, khi Nga công bố vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới, dư luận quốc tế cũng như giới khoa học bị cuốn vào một cuộc tranh luận không hồi kết về chất lượng của vaccine Nga cũng như các tranh cãi về việc Nga bỏ qua các bước thử nghiệm tiêu chuẩn trước khi đưa vaccine ra sử dụng rộng rãi.
Tuy nhiên sau khi tạp chí y khoa danh tiếng hàng đầu thế giới The Lancet xuất bản bài báo khoa học về hiệu quả của vaccine Nga, dư luận thế giới đã có một góc nhìn mới đối với loại vaccine từng bị cáo buộc là “công cụ chính trị” này.
Khi được tham khảo ý kiến về công bố của tờ The Lancet, ông David Holden, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London, cho biết Sputnik V “dường như đã được nghiên cứu và phát triển tốt”.
Theo kết quả bài báo, vaccine Sputnik V có hiệu quả 91,6% trong 21 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên và 91,8% đối với những người trên 60 tuổi. Như vậy, kết quả này là tương đương với hai loại vaccine triển vọng khác đến từ Pfizer-BioNTech và Moderna.
Sputnik V có chi phí thấp hơn đáng kể so với các loại vaccine từ phương Tây và không yêu cầu việc bổ sung cơ sở vật chất phục vụ việc lưu trữ và bảo quản. vaccine. Điều này sẽ làm tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc phân phối vaccine tại các quốc gia hiện đang gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch.
Chính phủ Nga tuyên bố dành sự ưu tiên hành đầu cho việc tiêm chủng rộng rãi trong nước. Đồng thời chính phủ Nga đã và đang tiến hành tiêm chủng miễn phí cho toàn bộ người dân trong nước.
Vào ngày hôm qua (ngày 09/02), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin trả lời phỏng vấn của hãng tin TASS cho biết Sputnik V đã được phép sử dụng ở hơn 20 quốc gia, chưa dừng lại ở đó, khoảng 50 quốc gia vẫn đang tiến hành các cuộc đàm phán với chính phủ Nga về việc cung cấp vaccine.
Với những kết quả nghiên cứu mới đây, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã thể hiện thái độ cởi mở hơn rất nhiều với vaccine Sputnik V của Nga.
Trong tuần qua, Hungary đã công bố việc phê duyệt Sputnik V và nhận được 40.000 liều vaccine đầu tiên từ Nga.
Vào thứ Tư tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Đức sẽ ủng hộ việc sử dụng vaccine Nga trong Liên minh Châu Âu với điều kiện Cơ quan Dược phẩm Châu Âu tiến hành phê chuẩn loại vaccine này.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng chia sẻ quan điểm tương tự trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Welt am Sonntag đăng ngày Chủ nhật (ngày 07/02).
Ảnh minh hoạ: Vaccine của Nga đang được ngày càng nhiều quốc gia đón nhận. (Nguồn: AFP)
Tại khu vực Trung Đông, Iran đã triển khai tiêm vaccine Nga cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Nga và Iran cũng đã đồng ý một thỏa thuận để Iran tiến hành sản xuất vaccine vào tháng Tư năm nay.
Các kế hoạch sản xuất Sputnik V tại Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Hàn Quốc cũng đang được tích cực triển khai.
Sau Venezuala, sáu quốc gia ở Mỹ Latinh bao gồm Argentina, Bolivia, Peru, Mexico, Uruguay và Chile đã tích cực đàm phán để đưa vaccine Nga được triển khai tại các quốc gia này trong thời gian sớm nhất. Một phụ tá của tổng thống Argentina cho biết một phái đoàn đặc biệt của quốc gia này đã dịch hàng trăm trang thông tin về vaccine sang tiếng Tây Ban Nha và tiến hành chia sẻ thông tin với các quốc gia có cùng mối quan tâm trong khu vực.