Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, tăng 16,7% so với tháng 8/2023; Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,03 tỷ USD, tăng 22% so với tháng 8/2023.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2023; Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,1 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường đang phục hồi tích cực, đơn hàng gỗ mà các doanh nghiệp nhận được ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt với thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, trị giá xuất khẩu tới thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 1,4 tỷ USD, tăng 30,6%; Nhật Bản đạt 1,13 tỷ USD, tăng 1,5%...
Đáng chú ý, Nga đang là thị trường tích cực nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Trong 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,4 triệu USD, tăng 44% so với 2023, chiếm tỷ trọng 0,22%. Riêng tháng 8, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nga đã tăng hơn 210% so với tháng 8/2023.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này chỉ chiếm khoảng 0,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam ra thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu vào Nga chủ yếu là ghế ngồi và đồ gỗ nội thất.
Dù Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vì vậy thương mại ngành gỗ giữa Việt Nam với Nga nghiêng hẳn về nhập khẩu.
Nga là quốc gia cung cấp một lượng lớn gỗ nguyên liệu cho thị trường thế giới. Ước tính mỗi năm, lượng gỗ khai thác của Nga khoảng 200 triệu m 3 , tương đương 10% lượng cung toàn cầu. Nga cũng là nguồn cung gỗ xẻ lớn nhất trên thế giới và đứng thứ 7 về giá trị xuất khẩu gỗ.
Tuy nhiên, các lệnh cấm vận kinh tế mà EU, Mỹ công bố áp dụng sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra khiến lượng gỗ nguyên liệu khổng lồ quốc gia này bị sụt giảm, nguồn cung gỗ nguyên liệu toàn cầu bị tác động nghiêm trọng.
Nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể hình thành các nhu cầu mới về các loài gỗ thay thế cho các loài trước đó được nhập từ Nga. Trong đó, nguồn gỗ keo rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế.
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang trong xu hướng tích cực nhờ nhu cầu từ các thị trường phục hồi khả quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đang phải đối diện với những thách thức mới về cam kết quốc tế.
Cùng với đó, giá cước vận tải biển vẫn ở mức cao, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng mạnh cũng gây áp lực cho doanh nghiệp ngành hàng này. Tác động sau cơn bão Yagi, mưa lớn kéo dài gây ngập lụt và đình trệ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gỗ tại miền Bắc. Do vậy, những tháng còn lại của năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức.